- Khó khăn đầu tiên phải kể đến là các nguồn lực phát triển kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng của Việt Nam còn bị hạn chế hoặc còn nằm trong tình trạng khó khai thác và sử dụng với hiệu quả thấp. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì các nguồn lực cũng có nhiều khó khăn đáng kể. Ví dụ: nguồn nhân lực tuy đông nhưng trình độ tay nghề còn thấp, ít thợ lành nghề, lao động thiếu việc làm, tác phong công nghiệp còn yếu, khả năng hợp tác trong công việc còn kém, tâm lý tản mạn, tuỳ tiện, manh mún … của người lao động, kể cả của bộ phận lao động có trình độ chuyên môn cao, đã gây nên những tác động xấu đối với quá trình phát triển. Hay như nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam tuy phong phú nhưng trữ lượng không lớn, điều kiện khai thác khó khăn, thiếu vốn và công nghệ nên chưa phát huy được hiệu quả. Những lợi thế so sánh của Việt Nam về giá nhân công rẻ, sự phong phú về tài nguyên dễ bị san bằng do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.
- Khó khăn lớn và rõ nét nhất là sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới còn yếu, không chỉ về chất lượng, giá cả mà còn ở phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, các dịch vụ sau bán hàng và sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong một chiến lược cạnh tranh thống nhất. Đằng sau đó là trình độ công nghệ và quản lý của các doanh nghiệp còn yếu kém, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa quản lý vĩ mô và quản lý vi mô. Mặt khác, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất hạn chế, thiếu vắng những công ty, tập đoàn kinh doanh có tầm cỡ quốc tế nên khả năng xâm nhập thị trường thế giới và việc tổ chức thu thập thông tin về thị trường thế giới còn non yếu, chưa tạo được những kênh phân phối phù hợp trên thị trường. Trong khi đó uy tín kinh doanh còn chưa rõ nét, chưa có những sản phẩm, những nhãn hiệu hàng hoá mang đặc trưng Việt Nam giữ vị trí đáng kể trên thị trường thế giới.
- Nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế các nước trong khu vực và nền kinh tế thế giới là một thách thức lớn của chúng ta. Sự tụt hậu không chỉ về trình độ phát triển thể hiện ở chỉ tiêu GDP bình quân đầu người mà điều quan trọng là ở sự thấp kém về trình độ công nghệ, sự lạc hậu về cơ cấu kinh tế, sự chậm trễ về trình độ quản lý, sự bất cập của hệ thống luật pháp và một nền hành chính kém hiệu quả … Sự tụt hậu nói trên làm cho chúng ta phải đứng ở vị trí cuối trong mô hình “đàn nhạn bay”, mà trong mô hình đó, người đứng sau dễ phải hứng chịu những mặt bất lợi trong quá trình phát triển như phải tiếp thu công nghệ lạc hậu và chịu sức ép lớn trong cạnh tranh. Để tránh nguy cơ tụt hậu các nước đi sau phải tìm mọi cách để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Tuy nhiên điều đó có thể mang lại những hậu quả như tình trạng phát triển thiếu bền
111
vững, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sinh thái. Nguy cơ tụt hậu và sự mở rộng khoảng cách đối với các nước phát triển ngày càng gây nên những khó khăn và thách thức mới cho quá trình tham gia vào phân công lao động quốc tế và hội nhập quốc tế.
- Xu hướng tự do hoá thương mại đang diễn ra mạnh mẽ nhưng xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng hết sức dày đặc với nhiều công cụ bảo hộ mới. Các nước đi sau như Việt Nam vừa phải chịu sức ép của quá trình hội nhập quốc tế, của việc mở cửa tham gia vào các tổ chức mậu dịch quốc tế đa phương với sự cạnh tranh gay gắt, vừa phải đối phó với hàng rào bảo hộ mậu dịch ngày càng tinh vi thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước phát triển. Do vậy, việc gia nhập các tổ chức thương mại đa phương đã trở thành những thách thức lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
- Sự mất ổn định của môi trường kinh tế – tài chính – tiền tệ khu vực và toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các cường quốc và trung tâm kinh tế quốc tế lớn, sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài…, sự đổ vỡ của một số mô hình phát triển hướng ngoại gây khó khăn cho việc lựa chọn mô hình và chính sách phát triển cho các nước đi sau, trong đó có Việt Nam.