Nội dung về các quốc gia cổ đại trên đất nước ta

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn giáo viên môn KHXH VNEN (Trang 67 - 69)

I. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯ UÝ KHI THỰC HIỆN CÁC BÀI HỌC LỊCH SỬ

4. Nội dung về các quốc gia cổ đại trên đất nước ta

a) Tính đặc thù

Đây là những nội dung trình bày về sự hình thành, phát triển của các quốc gia cổ đại trên đất nước ta : Văn Lang, Âu Lạc, Cham-pa, Phù Nam. Mỗi một quốc gia được hình thành trên cơ sở văn hoá riêng, do đó đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hoá có nét riêng độc đáo, tạo nên sự đa dạng về kinh tế, văn hoá của các quốc gia trong quá trình phát triển của lịch sử.

b) Để tổ chức dạy học tốt bài học này, cần tập trung tổ chức các hoạt động học tập và hướng dẫn HS trả lời các vấn đề sau :

- Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc ra đời trong hoàn cảnh nào ?

- Nhà nước Văn Lang có tổ chức như thế nào ? Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang.

- Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần diễn ra như thế nào ? - Sự ra đời của nước Cham-pa và Phù Nam.

- Tình hình kinh tế, văn hoá của Cham-pa và Phù Nam.

- Cần chú ý : đây là bài học khó, vì vậy GV chú ý hướng dẫn HS nhận thức đúng các vấn đề sau :

+ Tiếp theo giai đoạn nguyên thuỷ, vượt qua khó khăn, cư dân cổ trên đất nước ta tiếp tục phát minh ra thuật luyện kim, phát triển nghề trồng lúa nước cũng như tụ họp nhau lại thành những cộng đồng có tiếng nói chung.

+ Nền kinh tế nông nghiệp dần dần ổn định, mật độ cư dân ngày càng đông, sự phân hoá giàu nghèo xuất hiện, giao lưu giữa các cộng đồng ngày càng gia tăng. Xuất phát từ nhiều yêu cầu khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, ba quốc gia đầu tiên đã hình thành trên ba miền đất nước : Bắc, Trung, Nam. Sự tồn tại và phát triển của các quốc gia cổ đại này cũng tạo nên các nền văn minh khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, quốc gia Văn Lang, Âu Lạc ra đời sớm nhất (từ thế kỉ VIII - VII TCN) và trở thành cội nguồn chủ yếu của dân tộc Việt Nam sau này.

+ Mặc dù bị xâm chiếm và phải trải qua hơn 1000 năm dưới chế độ thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, quốc gia Âu Lạc cổ vẫn không mất đi, tính liên tục xuyên suốt của lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn được giữ vững, đặc biệt từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX.

+ Tất nhiên, mỗi quốc gia đều có con đường phát triển và tồn tại riêng của mình, điều này minh chứng cho sự tồn tại của quốc gia Cham-pa và quốc gia cổ Phù Nam.

+ Vấn đề mở rộng tầm nhìn về lịch sử dân tộc là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn không thể giải quyết được ngay trong một thời điểm. Tài liệu Hướng dẫn học do đó cũng chỉ tập trung một vài điểm nhằm giúp HS nhận thức đầy đủ hơn về sự đóng góp của các dân tộc ít người trong quá trình dựng nước và giữ nước. Thông qua các nội dung có liên quan của Bài 7. Cham-pa và Phù Nam. GV tuỳ theo vị trí và mục tiêu, có thể nhấn mạnh hoặc bổ sung một số kiến thức cần thiết nhằm giúp HS hiểu sâu sắc, sinh động các ý tưởng cơ bản.

– Những khái niệm : tù trưởng, thủ lĩnh, bộ (thời Văn Lang), Lạc hầu, Lạc tướng, trung nguyên, quân thành, quận, châu, Bà La Môn.

c) Gợi ý về phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học

Để dạy tốt những nội dung này, ngoài việc tổ chức hướng dẫn cho HS làm việc với kênh chữ và kênh hình trong tài liệu Hướng dẫn học để trả lời các câu hỏi, GV cần cho các em thực hiện một số yêu cầu sau :

- Vẽ sơ đồ tổ chức của nhà nước Văn Lang, Âu Lạc và mô tả thành Cổ Loa.

- Tổ chức cho các em kể chuyện về Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Mỵ Châu – Trọng Thuỷ, hoặc trình bày những hiểu biết của mình về các công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm.

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn giáo viên môn KHXH VNEN (Trang 67 - 69)