C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
3. Tục ướp xác người chết ở Ai Cập cổ đạ
Theo tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, người tuy chết, nhưng linh hồn bất tử. Họ cho rằng trong thân thể của mỗi người đều có linh hồn “Ka” đi theo thân thể người như hình với bóng. Khi người chết thì “Ka” mới rời khỏi xác người, bắt đầu cuộc sống độc lập. Chỉ khi nào xác chết hoàn toàn bị huỷ diệt thì “Ka” mới chết theo, nhưng giữ được xác chết thì “Ka” sẽ có ngày quay về với thể xác, con người sẽ sống lại. Vì tin như vậy, nên người Ai Cập cổ đại đã có tục ướp xác chết (mômi) để giữ xác ấy mãi mãi không thối rữa.
Thuật ướp xác ra đời ở Ai Cập từ thời Cổ vương quốc, khoảng năm 2700 TCN và tồn tại mãi đến thế kỉ V sau CN. Có những người chuyên môn làm nghề ướp xác chết. Thoạt tiên, người thợ thông một cái móc sắc lên lỗ mũi lên óc của người chết, moi tất cả óc ra, rồi cho vào một chất nước đặc biệt vào đầu rửa sạch sọ. Sau đó, họ dùng một con dao đá rất sắc, rạch bụng, moi tất cả ruột gan ra, trừ tim vẫn giữ nguyên trong lồng ngực, và rửa sạch bụng bằng rượu vang và nước thơm, nhồi các chất thơm vào bụng khâu lại. Não và nội tạng chứa vào 4 cái vò. Người Ai Cập quan niệm quả tim là trung tâm phát sinh sự thông minh và tình cảm cho nên phải giữ nguyên trong lồng ngực để chờ ngày phán xử cuối cùng. Xác được ngâm vào muối súc trong vòng 70 ngày. Xác teo quắt lại, chỉ còn da bọc xương. Sau khi xoa dầu thơm và chất hoá học lên xác ướp, người ta bó chặt cái xác lại bằng những băng vải. Riêng các ngón tay được lồng vào cái túi bằng vàng để khỏi rơi rụng. Sau đó người ta đặt xác chết vào một quan tài bằng gỗ hay bằng đá. Để cho “Ka” dễ nhận ra “mômi” của mình, người ta tạc hình người chết trên nắp quan tài. Phần đầu của quan tài chạm trổ theo khuôn mặt của người chết ; phần thân, chạm hay vẽ hoa văn như quần áo nên trông quan tài giống như một bức tượng người không chân tay.
Việc ướp xác lúc đầu là độc quyền của vua và hoàng hậu. Từ năm 1500 TCN, xác của các nhà quý tộc cũng được ướp. Sau đó, tục ướp xác lan đến những người giàu có trong xã hội. Những xác ướp này có thể tồn tại nguyên vẹn hàng mấy nghìn năm. Gần đây, Viện bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cai-rô đã trưng bày 26 xác ướp của các Pha-ra-ông đã chôn cất cách ngày nay 4000 - 5000 năm, vẫn được bảo quản tốt.
(Theo : Đặng Đức An (Chủ biên), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, NXB Giáo dục,
Hà Nội, 1999, tr. 28 - 29).