Hoạt động khởi động

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn giáo viên môn KHXH VNEN (Trang 25 - 28)

II. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HỌC

1. Hoạt động khởi động

- Mục đích : tạo tâm thế học tập cho HS, giúp HS ý thức được nhiệm vụ học tập, hứng thú học bài mới. GV sẽ tạo tình huống học tập dựa trên việc huy động kiến thức,

kinh nghiệm của bản thân HS có liên quan đến vấn đề xuất hiện trong tài liệu Hướng dẫn học, làm bộc lộ "cái" HS đã biết, bổ khuyết những gì cá nhân HS còn thiếu, giúp HS nhận ra "cái" chưa biết và muốn biết thông qua hoạt động này. Từ đó, giúp HS suy nghĩ và xuất hiện những quan niệm ban đầu của mình về vấn đề sắp tìm hiểu, học tập.

- Phương thức hoạt động : Để tạo ra tình huống có vấn đề, kết nối hiểu biết của HS với nội dung bài mới, đồng thời tạo hứng thú cho HS khi bước vào bài mới, hoạt động khởi động thường sử dụng tranh, ảnh, các tình huống, đố vui,... có liên quan đến nội dung của bài học. Các nút lệnh trong tài liệu Hướng dẫn học đã thể hiện hình thức tổ chức dạy học, GV lựa chọn các phương pháp, kĩ thuật dạy học để tổ chức hoạt động học cho HS.

- Đánh giá : Thông qua kết quả hoạt động của HS, GV đánh giá được những hiểu biết ban đầu của các em về các vấn đề liên quan đến kiến thức trong bài học.

Ví dụ 1 : Bài 6. Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc

GV giới thiệu và nêu câu hỏi để xem HS có những hiểu biết gì về những kiến thức liên quan đến nhà nước Văn Lang, khu di tích thành Cổ Loa của nước Âu Lạc. HS có thể biết, biết nhưng chưa đầy đủ, hoặc chưa biết về những kiến thức trên, nhưng qua đó kích thích sự tò mò, mong muốn tìm hiểu những điều chưa biết về nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.

GV tổ chức hoạt động nhóm, sử dụng phương pháp trao đổi đàm thoại trong dạy học lịch sử, yêu cầu HS trao đổi và trả lời các câu hỏi :

- Hằng năm, giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày nào ? Ở đâu ? Tại sao cả nước ta lại có ngày giỗ Tổ ?

- Em biết gì về khu di tích thành Cổ Loa ?

HS trao đổi thảo luận, trình bày ý kiến trước lớp. Những vấn đề HS có thể biết là ngày giỗ Tổ Hùng Vương hay biết về tên thành Cổ Loa qua câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thuỷ, An Dương Vương bị mất nỏ thần. Nhưng vấn đề HS có thể chưa biết là tại sao nhân dân ta lại tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và nhà nước Văn Lang ra đời thời Hùng Vương ; thành cổ Loa có kiến trúc như thế nào ? Những điều chưa biết đó sẽ đặt ra cho HS mong muốn khám phá, tìm hiểu. Cuối cùng, GV đánh giá và dẫn dắt : những vấn đề các em chưa biết, hoặc biết chưa đầy đủ về nhà nước Văn Lang, Âu Lạc chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua bài học.

Tuy nhiên, GV có thể thực hiện hoạt động này bằng việc cho HS xem một đoạn video, tư liệu về Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Cổ Loa, tranh ảnh về thành Cổ Loa hoặc một đoạn tư liệu, tranh ảnh của địa phương có liên quan đến nhà nước Văn Lang, Âu Lạc và nêu câu hỏi :

- Video, hình ảnh trên là về lễ hội nào ? Em biết gì về lễ hội đó ? - Tại sao nhân dân ta lại tổ chức lễ hội đó ?

HS trao đổi đàm thoại và báo cáo kết quả làm việc. GV nhận xét và dẫn dắt : Những vấn đề các em chưa biết, hoặc biết chưa đầy đủ về lễ hội liên quan đến nhà nước Văn Lang, Âu Lạc chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua bài học.

Ví dụ 2 : Bài 17. Khí áp và các loại gió

- Mục đích khởi động của bài này là tìm xem HS đã có những hiểu biết gì về gió : tác động tích cực và tiêu cực của gió đối với đời sống. Để dẫn dắt vào bài học và tạo ra tình huống học tập, GV hỏi thêm HS : Nguyên nhân nào sinh ra gió ? Gió thổi ở mọi nơi trên Trái Đất có giống nhau không ? Vì sao ? Nếu chỉ bằng hiểu biết của cá nhân, HS sẽ không thể có câu trả lời đầy đủ và trọn vẹn. Như vậy, hoạt động khởi động đã tạo ra được sự mâu thuẫn giữa "cái" đã biết là một số tác động tích cực và tiêu cực của gió đối với hoạt động sản xuất và đời sống với "cái" muốn biết và "cái" chưa biết là : nguyên nhân nào sinh ra gió ? gió thổi ở mọi nơi trên Trái Đất có giống nhau không ? Đây chính là động lực thôi thúc HS học tập, tìm tòi, khám phá. Câu trả lời được đầy đủ,

có căn cứ khoa học đối với câu hỏi : Nguyên nhân nào sinh ra gió ? Gió thổi ở mọi nơi

trên Trái Đất có giống nhau không ? Vì sao ? chính là nội dung của bài học.

- Trong tài liệu Hướng dẫn học, hoạt động khởi động được tổ chức với hình thức cá nhân, học liệu là tranh ảnh, GV yêu cầu cá nhân HS quan sát tranh ảnh và huy động những hiểu biết của bản thân để hoàn thành sơ đồ và trả lời các câu hỏi. Như vậy, GV cần nghiên cứu và dự kiến việc sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học nào để đạt được hiệu quả cao, phương án kiểm tra đánh giá như thế nào ?

Trong tài liệu Hướng dẫn học có yêu cầu HS sử dụng tranh ảnh kết hợp với hiểu biết của bản thân để hoàn thành sơ đồ và trả lời câu hỏi, vậy các phương pháp và kĩ thuật dạy học có thể được sử dụng là : phương pháp dạy học trực quan, kĩ thuật sử dụng tranh ảnh địa lí, kĩ thuật hồi tưởng, kĩ thuật sơ đồ hoá. HS có thể thực hiện các thao tác sau :

+ Bước 1 : xác định xem bức ảnh đó thể hiện nội dung gì ? + Bước 2 : phân loại nội dung có tác động tích cực hay tiêu cực.

+ Bước 3 : kết hợp với kiến thức đã có của bản thân, bổ sung thêm các tác động tích cực và tiêu cực của gió đối với sản xuất và đời sống, điền vào sơ đồ.

+ Bước 4 : chuẩn bị ý kiến trao đổi với cả lớp và tự điều chỉnh.

Để có thể trao đổi kết quả làm việc với cả lớp, GV cần dành thời gian cho HS làm việc cá nhân, cá nhân hoàn thành sơ đồ và trả lời câu hỏi, trên cơ sở kết quả đó, các

em chia sẻ với các bạn trong lớp. Bằng hiểu biết của mình, kết hợp với phân tích hình ảnh, HS dễ dàng nêu được những tác động tích cực và tác động tiêu cực của gió đối

với đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, ở câu hỏi : Nguyên nhân nào sinh ra gió ? Gió thổi

ở mọi nơi trên Trái Đất có giống nhau không? Vì sao ? HS sẽ có câu trả lời không đầy đủ, chưa chính xác hoặc có thể không trả lời được, đây chính là tình huống để GV vào bài học mới và tạo ra hứng thú học tập, tìm tòi khám phá cho HS.

- Hoạt động này, GV có thể đánh giá HS bằng các cách khác nhau như : quan sát HS trong thời gian làm việc cá nhân ; đánh giá sản phẩm của cá nhân HS ; đánh giá thông qua việc thảo luận trao đổi với cả lớp,...

- Hoạt động khởi động trong tài liệu Hướng dẫn học chỉ là một trường hợp để HS bộc lộ những hiểu biết của mình về nội dung bài học và tạo hứng thú học tập cho HS. Tùy theo đặc điểm của từng địa phương, GV có thể điều chỉnh, sử dụng những tranh, ảnh minh hoạ gần gũi với địa phương HS hoặc lựa chọn cách khởi động khác để đem lại hiệu quả cao hơn.

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn giáo viên môn KHXH VNEN (Trang 25 - 28)