Sự thành công trong mục tiêu kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường phụ thuộc phần lớn vào nhận thức đúng của con người. Một khi cán bộ, nhân dân, doanh nhân, người tiêu dùng và cộng đồng nói chung nhận thức đúng về tầm quan trọng của kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường thì sẽ hình thành được quan niệm đúng về tiêu dùng xanh và ủng hộ tiêu dùng xanh. Qua đó đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp, nhà cung cấp phải thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, với môi trường như là điều kiện cần thiết cho sự tiêu dùng xã hội, lúc đó, sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường được bảo đảm vững chắc. Và như hiệu ứng lan tỏa, vấn đề tiêu dùng xanh sẽ tác động vào khu vực sản xuất, khiến cho các nhà sản xuất phải ứng dụng những công nghệ xanh để phù hợp với xu hướng phát triển thực tế cũng như phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, có thể thấy việc xây dựng và nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, doanh nhân, cộng đồng người tiêu dùng về tiêu dùng xanh và lối sống xanh là yếu tố quan trọng quyết định tới sự kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.
Các doanh nhân, các nhà đầu tư mà có nhận thức đúng đắn về kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường thì họ sẽ chủ động có kế hoạch phát triển doanh nghiệp xanh - sạch... Từ việc hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, họ sẽ từng bước đầu tư công nghệ xanh - sạch cho sản xuất. Nếu các tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân nói chung có nhận thức đúng về kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường họ sẽ tích cực tham gia kiểm tra, giám sát việc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chấp hành Luật Bảo vệ môi trường... Qua đó, góp phần hình thành thái độ đúng của các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với môi trường, v.v..
Kết luận chương 2
Trong chương 2, luận án tập trung vào phân tích và làm rõ các vấn đề lý thuyết liên quan tới:
1. Bản chất hoạt động kinh tế của con người là những hoạt động dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để khai thác, sản xuất và phục vụ cho những nhu cầu của xã hội loài người. Quá trình sản xuất ra của cải vật chất nhằm phục vụ những nhu cầu không ngừng gia tăng của xã hội đã tạo nên tăng trưởng kinh tế của toàn xã hội.
2. Khái niệm môi trường đã được nghiên cứu trong nhiều tác phẩm, tuy nhiên, khái quát chung lại, môi trường là tập hợp tất cả các thành phần của thế giới vật chất bao quanh có khả năng tác động đến sự tồn tại và phát triển của mỗi sinh vật. Môi trường là sinh quyển, sinh thái cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người; là nơi cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên, đầu vào cho quá trình sản xuất của loài người; là nơi chứa đựng chất thải của quá trình sản xuất tiêu dùng và sinh hoạt của con người. Cuộc sống của con người phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường, vì vậy, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống của mình là tất yếu khách quan đặt ra cho toàn bộ xã hội loài người.
3. Việc kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường thể hiện cách nhìn biện chứng duy vật về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trong mối quan hệ này, con người buộc phải dựa vào tự nhiên như là tất yếu để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mình. Tuy nhiên, việc đề cao tăng trưởng kinh tế mà không chú ý bảo vệ môi trường sẽ đẩy môi trường ngày càng suy thoái. Trong mối liên hệ ngược, môi trường sẽ tác động tiêu cực trở lại đời sống của con người theo những mức độ mà chúng ta không thể lường trước được (hiện tượng nhà kính, nước biển dâng, biến đổi khí hậu…). Vì vậy, kết hợp hài hòa tăng
trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sẽ giúp bảo đảm sự phát triển bền vững và duy trì sự cân bằng của môi trường xung quanh cũng như môi trường sống của chính mình.
4. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, trong đó có các nhân tố: các nhân tố kinh tế; chính trị, văn hóa; khoa học và công nghệ; nhận thức của cán bộ, nhân dân, doanh nhân, v.v..
Chương 3