Khái niệm phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay (Trang 46 - 49)

Theo nghĩa triết học, phát triển là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, mà nét đặc trưng chủ yếu là cái cũ mất đi và cái mới ra đời. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nói tới phát triển là nói tới sự vận động đi lên, sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp của những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội [77, tr.759], [36, tr.21-24].

Trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, đã có rất nhiều quan điểm về sự phát triển, tuy nhiên, có thể tóm lược trong ba quan điểm chính sau đây:

Quan điểm thứ nhất, quan điểm nhấn mạnh vào sự tăng trưởng, trong đó, người ta quan niệm rằng phát triển là việc tạo ra và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của một quốc gia ở mức cao (thường là hơn 5-7%/năm).

Quan điểm thứ hai, quan điểm nhấn mạnh vào công bằng xã hội, theo đó phát triển không đồng nghĩa với việc phải tạo ra mức tăng trưởng cao nhưng phát triển phải giải quyết được tất cả các vấn đề nảy sinh, trong đó, người dân phải được hưởng phúc lợi như nhau, được công bằng trong việc tiếp cận những cơ hội phát triển.

Quan điểm thứ ba, quan điểm phát triển toàn diện, theo đó, phát triển được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Một xã hội phát triển là một xã hội vừa bảo đảm được sự tăng trưởng hợp lý, vừa bảo đảm được sự công bằng và phúc lợi cho mọi người dân trong xã hội. Để được coi là một quốc gia phát triển, quốc gia đó phải bảo đảm rằng, quá trình phát triển của quốc gia mình chính là quá trình làm giảm nghèo đói, giảm sự bất bình đẳng và thất nghiệp trong khi vẫn duy trì được sự tăng trưởng kinh tế; phát triển con người được diễn ra dựa trên sự tăng trưởng về mặt vật chất; quá trình phát triển phải nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống chung, phúc lợi cho quốc gia đó (bao gồm cả việc nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh việc bảo đảm một nền giáo dục tốt hơn, mức trang bị y tế và dinh dưỡng cao hơn, nghèo đói giảm, môi trường trong sạch hơn, bình đẳng hơn về cơ hội, tự do cá nhân được đáp ứng cao hơn và cuộc sống văn hóa phong phú hơn).

Như vậy, nói đến phát triển kinh tế là nói tới việc nâng cao các tiêu chuẩn sống và cải thiện giáo dục, sức khỏe và sự bình đẳng về cơ hội; về việc nâng cao hạnh phúc của nhân dân. Ở một khía cạnh khác, phát triển kinh tế là quá trình tăng tiến về các mặt của nền kinh tế. Phát triển kinh tếđược xem là quá trình biến đổi cả về lượng và về chất, nó là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện của hai vấn đề kinh tế và xã hội ở mỗi quốc gia. Theo cách hiểu như vậy, phát triển kinh tế phải là một quá trình lâu dài do các nhân tố nội tại của nền kinh tế quyết định.

Tựu trung lại, phát triển kinh tế được hiểu là quá trình thay đổi theo chiều hướng tiến bộ hơn mọi mặt của nền kinh tế, nó bao gồm sự tăng trưởng

kinh tế cũng như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bản chất của phát triển kinh tếđược hiểu theo những góc độ khác nhau: Từ góc độ nội dung, phát triển kinh tế là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện hai vấn đề kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Từ góc độ logic của quá trình phát triển, phát triển kinh tế được xem như là quá trình biến đổi cả về lượng và về chất của nền kinh tế.

Quan niệm về bản chất của phát triển kinh tế, theo thời gian đã được hoàn thiện, tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế lại muôn hình, muôn vẻ và thực sự khó khăn. Mỗi nước đang phát triển đều chọn cho mình những cách thức phát triển riêng có tùy thuộc vào điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội và thể chế chính trị. Lịch sử phát triển kinh tế của các nước trên thế giới trong những thập niên giữa thế kỷ XX cho thấy, trong một khoảng thời gian dài, người ta đã đặt mục tiêu kinh tế lên quá cao so với các mục tiêu khác. Thậm chí, còn xem sự tăng trưởng kinh tế gần như là thước đo duy nhất của sự phát triển. Cái giá phải trả cho quan niệm này ngày càng trở nên nghiêm trọng, bởi: một là, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phải trả giá bằng việc sử dụng quá mức nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái và môi trường sống của con người; hai là, sự tăng trưởng nhanh chỉ đem lợi cho một bộ phận nhỏ dân cư trong xã hội ở các nước đang phát triển; ba là, chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh đã dẫn đến xu hướng vi phạm các khía cạnh về quyền con người và những yếu tố văn hóa truyền thống... Do đó, sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế thế giới vào các thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, loài người đã nhận thức được rằng: chỉ riêng thước đo kinh tế không thể phản ánh được đầy đủ quan niệm về sự phát triển. Do vậy, đã đến lúc phải xem lại và đánh giá đúng đắn các mối quan hệ con người - tự nhiên - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - bảo vệ tài nguyên, môi trường và cả vấn đề xây dựng

thể chế trong đó con người phải đóng vai trò trung tâm của sự phát triển. Xuất phát từ thực tế đó, con người đã đi tìm một cách phát triển mới, đó là phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường [82, tr.8].

Phát triển bền vững là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai. Phát triển bền vững đã trở thành phương hướng khái quát về phát triển mà hầu như tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và đông đảo nhân dân chấp nhận trong ba thập niên trở lại đây.

Một phần của tài liệu Kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)