Khái niệm tăng trưởng kinh tế

Một phần của tài liệu Kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay (Trang 42 - 46)

Khái niệm tăng trưởng được sử dụng khi muốn nói tới sự lớn lên, tăng thêm hay mở rộng về quy mô của một hiện tượng, một “hệ thống” nào đó. Trong tiếng Việt, khái niệm “tăng”, “sự gia tăng” chỉ sự tăng trưởng.

Khái niệm tăng trưởng kinh tế trong kinh tế học là khái niệm dùng để diễn tả động thái của nền kinh tế, khi sản lượng quốc gia, tiềm năng hay khả năng sản xuất được mở rộng theo thời gian. Trong lịch sử kinh tế học, có rất nhiều cách tiếp cận khái niệm tăng trưởng. Tăng trưởng có thể được hiểu là “mức tăng sản lượng thực tế của một quốc gia trong một thời gian nhất định”, hoặc cũng có thểđược hiểu là “mức tăng thu nhập quốc dân và thu nhập quốc dân tính theo đầu người” hay là “mức tăng quy mô và tốc độ sản phẩm”. Nói một cách khái quát hơn, tăng trưởng kinh tế là việc “mở rộng quy mô sản xuất

quốc gia, tiềm năng của một nước, tiềm năng hiện thực: việc mở rộng khả năng kinh tếđể sản xuất” [47, tr.30-31].

Nói tóm lại, tăng trưởng kinh tế là mức tăng sản lượng thực tế qua từng thời kỳ, nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì tăng trưởng kinh tế là sự tăng GDP (Gross Domestic Product - là tổng sản phẩm quốc nội), GNP (Gross National Product - là tổng sản phẩm quốc dân gồm sản phẩm quốc nội và vốn đầu tư hợp tác của nước ngoài) của mỗi quốc gia trong một thời kỳ (thường là 1 năm). Như vậy, có thể coi "tăng trưởng kinh tế" là "sự tăng lên của sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong một nước do sự tăng lên của thu nhập quốc dân và sản phẩm bình quân đầu người" theo đó thu nhập theo đầu người được tính bằng sản phẩm quốc dân chia cho dân số [84, tr.200-203].

Mặc dù là tiêu thức phản ánh sự thay đổi về lượng của nền kinh tế nhưng bản thân sự tăng trưởng kinh tế cũng chứa đựng mặt lượng và mặt chất của sự tăng trưởng. Mặt lượng của tăng trưởng kinh tế là biểu hiện bên ngoài của sự tăng trưởng, nó thể hiện ở ngay trong khái niệm về tăng trưởng và sự phản ánh thông qua các chỉ tiêu đánh giá quy mô và tốc độ tăng trưởng thu nhập. Mặt chất của tăng trưởng kinh tế là sự thể hiện năng lực sử dụng các yếu tố đầu vào, tạo nên tính chất, sự vận động của các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng lan tỏa của nó đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội - môi trường. Mặt lượng và mặt chất của tăng trưởng kinh tế là hai mặt của một vấn đề, cho nên trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau và tùy theo sự lựa chọn mô hình phát triển mà vị trí của một trong hai mặt này được đặt ra khác nhau. Do vậy, trong quá trình phát triển, các quốc gia phải quan tâm đồng thời cả hai mặt của tăng trưởng kinh tế và xu hướng vận động tích cực của nó.

Hầu hết các lý thuyết về tăng trưởng hiện nay đều chỉ ra, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào các yếu tố chính là: (1) số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; (2) số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên; (3) mức độ tích lũy vốn; (4) sựđổi mới về khoa học và công nghệ.

Nguồn nhân lực, là lực lượng sản xuất chính, biểu hiện mối quan hệ tác động của con người lên tự nhiên thông qua những hiểu biết và năng lực hoạt động thực tiễn trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội. Lực lượng sản xuất gồm có người lao động với những năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng lao động nhất định và tư liệu sản xuất, trong đó người lao động giữ vai trò quyết định, luôn sáng tạo, là yếu tố chủ thể của sản xuất. Ngày nay, bên cạnh sự phát triển của khoa học và công nghệ, lao động vẫn đóng vai trò quan trọng tới chất lượng và tốc độ của tăng trưởng kinh tế.

Tài nguyên thiên nhiên như đất đai, khoáng sản, nước, khí hậu... là những đầu vào quan trọng của sản xuất. Những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú sẽ có những lợi thế tương đối trong phát triển kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, mức độ tích lũy của các nguồn vốn như máy móc, thiết bị, nhà xưởng, giao thông - vận tải và thông tin liên lạc là nguồn cần thiết để kết hợp với lao động, tạo ra hàng hóa và dịch vụđáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như mở rộng quá trình tái sản xuất xã hội. Nguồn vốn tích lũy được lấy từ phần tiết kiệm tiêu dùng, do vậy, đối với những nước nghèo, chưa phát triển, quy mô nền sản xuất nhỏ sẽ dẫn tới tỷ lệ tích lũy/tiết kiệm thấp và luôn vấp phải cái “vòng luẩn quẩn” của sự nghèo khó. Con đường duy nhất để tạo ra bước ngoặt trong tăng trưởng kinh tếđược nhiều nước áp dụng hiện nay chính là phá vỡ khâu vốn của cái “vòng luẩn quẩn” đó (chủ yếu bằng cách đi vay), kết hợp với khả năng sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực khác trong giới hạn khả năng về vốn.

Trong số những yếu tốảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thì hiện nay khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất, hạ thấp chi phí, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, giúp khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên và vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, đối với các quốc gia đang và kém phát triển, nếu có một chiến lược khôn ngoan, biết nắm bắt và tận dụng

các cơ hội trong và ngoài nước sẽ tạo ra bước ngoặt về phát triển kinh tế, bắt kịp với tốc độ phát triển của các nước trên thế giới.

Ở mỗi quốc gia trong mỗi thời kỳ, việc kết hợp bốn yếu tố chính kể trên tạo ra kết quả đầu ra cho nền kinh tế (tăng trưởng kinh tế) khác nhau. Ngoài bốn yếu tố chính kể trên thì sựổn định về chính trị, xã hội; hệ thống thể chế pháp luật; kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội; sự phát triển của thị trường tài chính cũng có tác động tới sự tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia.

Ngoài ra, trong chừng mực nhất định, mức tăng trưởng kinh tế nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào đặc điểm của dân tộc (truyền thống văn hóa, xã hội, tính cách, năng lực con người...) cũng như vị trí địa lý của quốc gia.

Để đánh giá sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, có thể sử dụng một trong những tiêu chí sau:

ü Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): đây là tiêu chí đo lường giá trị tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra bởi các yếu tố sản xuất nằm trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm);

ü Tổng sản phẩm quốc dân (GNP): đây là tiêu chí đo lường giá trị tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất của một nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm), bất kể chúng được sản xuất ở trong hay ngoài nước;

ü Tổng thu nhập quốc dân (GNI): đây là tiêu chí phản ánh tổng thu nhập từ sản phẩm và dịch vụ cuối cùng do công dân của một nước tạo ra trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Về nội dung GNI và GNP là như nhau, trong đó chỉ tiêu GNI tiếp cận từ thu nhập và được hình thành từ GDP tiếp cận theo góc độ thu nhập và được điều chỉnh theo sự chênh lệch về thu nhập nhân tố với nước ngoài, còn GNP tiếp cận theo sản phẩm sản xuất;

ü Thu nhập quốc dân (NI): là phần giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ mới sáng tạo ra cho một nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (một năm);

ü Thu nhập quốc dân sử dụng (NDI): là phần thu nhập của quốc gia dành cho tiêu dùng cuối cùng và tích lũy thuần trong một khoảng thời gian nhất định (một năm).

Tăng trưởng kinh tế có tính hai mặt. Ngoài mặt tích cực như thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển; tạo điều kiện cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần giải quyết việc làm, v.v.. Nhưng mặt khác, việc tăng trưởng quá nóng có thể gây ra tình trạng lạm phát cho nền kinh tế, đẩy nền kinh tế tới bất ổn khi sự phát triển là không đồng đều về các phương diện. Tăng trưởng kinh tế quá cao có thể gia tăng sự giàu có cho một bộ phận cư dân nhưng đồng thời cũng khiến nền kinh tế phải khai thác nhiều tài nguyên hơn, dẫn tới sự suy kiệt về tài nguyên thiên nhiên. Việc tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá cũng khiến xã hội bỏ qua nhiều mục tiêu phát triển bền vững khác như duy trì công bằng xã hội hoặc bảo vệ môi trường… Vì vậy, đối với mỗi quốc gia trong mỗi thời kỳ nhất định, việc cân nhắc duy trì mức độ tăng trưởng kinh tếở tỷ lệ bao nhiêu và tương quan như thế nào với các vấn đề xã hội - môi trường và phát triển bền vững chính là quyết định quan trọng, giúp duy trì sự hợp lý, ổn định về lâu dài.

Một phần của tài liệu Kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)