Cùng với sự tiến triển của lịch sử, con người ngày càng nhận thức được rằng môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và sự phát triển của con người, bởi môi trường không chỉ cung cấp các nguồn tài nguyên đầu vào cho sản xuất, đáp ứng các nhu cầu sinh sống hàng ngày cho con người mà còn là nơi chứa và hấp thụ nguồn chất thải do chính sản xuất và con người tạo ra.
Từ xa xưa, con người đã biết tiết chế cường độ khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong phạm vi phục hồi của tự nhiên. Các khu rừng đầu nguồn quan trọng đều được xem là rừng cấm, các dòng suối cung cấp nước uống và sinh hoạt được coi là suối thần. Nhiều tín ngưỡng, tôn giáo răn dạy các tín đồ của mình quý trọng cuộc sống của vạn vật trong thiên nhiên, tránh cuộc sống lãng phí, phung phí các nguồn tài nguyên hoặc khai thác trái quy luật của tự nhiên. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác viết:
Giới tự nhiên - cụ thể là cái giới tự nhiên trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con người - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên [72, tr.135].
C.Mác coi lịch sử phát triển xã hội là giai đoạn phát triển cao trong sự phát triển thống nhất giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội và khẳng định rằng chính bản thân con người phải gánh chịu hậu quả của những hành động tàn phá tự nhiên do mình gây ra. Ph.Ăngghen cũng cảnh báo rằng:
Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên lại trả thù chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quảđầu tiên đó [69, tr.654].
Nói tóm lại, hậu quả của những hành động thiếu kế hoạch và suy nghĩ không thận trọng của con người trong quan hệ với môi trường tự nhiên đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường đối với bản thân xã hội loài người và cả giới tự nhiên. Vì vậy, vấn đềđặt ra hiện nay đối với xã hội loài người chính là song song với khai thác tự nhiên, con người cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về việc bảo tồn, bảo vệ và phục hồi giới tự nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên. Theo Ph.Ăngghen, nguồn gốc sâu xa của những hành động phá hoại giới tự nhiên là thái độ của con người đối với lợi nhuận. Vì chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng, các nhà tư bản đã bất chấp quy luật tự nhiên, bất chấp sự trả thù của tự nhiên, hành động phá vỡ và hủy diệt sự phát triển bình thường của giới tự nhiên theo những cách thức ngày càng tinh vi hơn. Muốn bảo vệ môi trường, con người cần giải quyết được mâu thuẫn trong quá trình phát triển, là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên. Nói cách khác, để giải quyết được mâu thuẫn này, con người cần phải thực hiện sự kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường trong tất cả các khâu, các giai đoạn của sự phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.
Như chúng ta đã biết, khái niệm kết hợpđược hiểu “là gắn với nhau để bổ sung cho nhau” [77, tr.485]. Kết hợp là tạo tiền đề cho nhau, gắn kết với nhau, tác động lẫn nhau, trong một hệ thống, trong một quá trình phát triển; bổ sung cho nhau và hạn chế những mặt yếu kém của nhau; kết hợp để tăng những thế mạnh, mặt mạnh của nhau... Do đó, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường là mối quan hệ song hành, chi phối lẫn nhau. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện của phát triển, của tiến bộ, đó là tiền đề vật chất - kinh tế để thực hiện bảo vệ môi trường. Trong quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế “nếu không bảo vệ môi trường một cách chính đáng, phát triển sẽ bị suy yếu dần. Ngược lại, không có phát triển, bảo vệ môi trường sẽ thất bại” [74]. Một xã hội có nền kinh tế phồn vinh, giàu có phải là một xã hội đạt được và duy trì sự kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong quan hệ với bảo vệ môi trường, nếu tăng trưởng kinh tế là điều kiện và tiền đề thì phát triển và bảo vệ môi trường là kết quả của sự tăng trưởng đó. Bởi vì, môi trường vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề xã hội. Môi trường và sản xuất có tác động qua lại, chặt chẽ với nhau. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng của sản xuất. Ngược lại, tốc độ phát triển của sản xuất lại một phần phụ thuộc rất lớn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sản xuất xã hội vừa có mặt sử dụng, tái tạo; vừa có mặt tàn phá môi trường. Đến lượt nó, môi trường cũng vừa là nguồn tài sản thiên nhiên quý giá, vừa là mối hiểm nguy do thiên tai gây thảm hoạđối với con người. Bởi vậy, nếu như con người lãng phí tài nguyên, sử dụng một cách quá mức, khiến cho nó không còn khả năng phục hồi; hoặc nếu như con người không hiểu được quy luật vận động của tự nhiên, thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Do vậy, vấn đề môi trường sống hiện nay đã vượt ra ngoài phạm vi sinh thái học thông thường mà trở thành vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu. Bảo vệ môi trường đang trở thành yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đối với mọi người, mọi dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống và sự phát triển chung của xã hội loài người.
Trong quá trình đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội song song với việc bảo vệ môi trường để tạo tiền đề cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững thì nội dung của việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường được thể hiện ở:
Một là, trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải bảo đảm kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Theo đó, chúng ta không chờ kinh tếđạt đến trình độ phát triển cao mới thực hiện bảo vệ môi trường; càng không hy sinh các vấn đề về môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tếđơn thuần. Muốn vậy, mỗi chính sách phát triển kinh tếđều phải có kế hoạch hướng tới nội dung bảo vệ môi trường; mỗi chính sách nhằm bảo vệ môi trường đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án.
Hai là, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý cho tăng trưởng kinh tế.
Khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý là khai thác đi đôi với bảo vệ, khôi phục, tái tạo. Khắc phục suy thoái, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Hạn chế và tiến tới không xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến...
Ba là, phát triển công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp trong mối quan hệ với bảo tồn, phát triển môi trường tự nhiên. Phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, v.v.. phải gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch...
Để thực hiện tốt các nội dung của việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường thì chủ thể của sự kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường là Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, doanh nhân và toàn thể nhân dân.