2.2.1. Khái niệm môi trường
Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về môi trường tùy thuộc vào khía cạnh nghiên cứu, cách tiếp cận. Trong cuốn Môi trường và tài nguyên Việt Nam, môi trường với nghĩa "Môi trường tự nhiên" bao gồm:
Các yếu tố tự nhiên và phi tự nhiên tồn tại, vận động và phát triển gắn bó hữu cơ trong một cơ thể thống nhất, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, xấu hoặc tốt đến con người; và chính con người cũng là một yếu tố môi trường quan trọng tác động tới quá trình vận động và phát triển của chủ thể của nó [86, tr.7].
Tác giả cuốn Môi trường tự nhiên trong hoạt động sống của con người,
cho rằng: "Môi trường tự nhiên là một tổng hòa những yếu tố tự nhiên vô cơ và hữu cơ, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của mọi sinh vật" [61, tr.20]. Tuy cách định nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung, các tác giả đều cho rằng môi trường tự nhiên là tổng hòa nhiều yếu tố như yếu tố tự nhiên, hiện tượng tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong sự thống nhất với nền sản xuất xã hội, có mối quan hệ hữu cơ tác động qua lại với nhau và có ảnh hưởng tới sự tồn tại, phát triển của tất cả các loài sinh vật trên trái đất.
Ở nghĩa rộng hơn, môi trường được coi là "toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại phát triển, trong quan hệ với con người, với sinh vật ấy" [77, tr.635]. Luật Bảo vệ
môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014 cũng đã định nghĩa: "Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật" [82, tr.8].
Ngoài ra, còn có rất nhiều cách hiểu và phân chia khái niệm về môi trường khác như môi trường nhân tạo, môi trường xã hội, môi trường sống… Nói tóm lại, môi trường là tập hợp tất cả các thành phần của thế giới vật chất bao quanh có khả năng tác động đến sự tồn tại và phát triển của mỗi sinh vật. Bất cứ một vật thể, một sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến trong một môi trường. Có thể phân chia môi trường thành ba loại chính là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo. Theo đó:
- Môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố như vật lý, hoá học, sinh học tồn tại ngoài ý muốn con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển, không khí, động thực vật, đất, nước… Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, không gian để xây dựng nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải, cung cấp cảnh đẹp, làm cho cuộc sống của con người thêm phong phú.
- Môi trường xã hội là tổng thể các quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy ước, quy định… ở các cấp khác nhau như: Liên Hợp quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức đoàn thể,… Môi trường xã hội định hướng các hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.
- Môi trường nhân tạo là “toàn bộ các yếu tố nhân tạo (do chính con người tạo nên) bao quanh con người, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của cá nhân con người và nhiều cơ thể sống khác”. Chúng bao gồm: các công trình thủy lợi, những làng mạc, hồ nước, hệ thống sông ngòi, vườn hoa, công viên… được con người tạo nên, các loài động thực vật do con người thuần dưỡng, lai tạo và phát triển qua nhiều thế hệ. Môi trường nhân tạo có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với các yếu tố vật chất trong tự nhiên và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của con người và xã hội loài người [75, tr.20-21].
Mặc dù các định nghĩa đã nêu ở trên có khác nhau về quy mô, giới hạn, thành phần nhưng tựu trung lại, các nhà khoa học đều thống nhất môi trường là một hệ thống và có đầy đủ những đặc trưng của một hệ thống. Do vậy, môi trường có những đặc trưng cơ bản như:
Một là, môi trường có cấu trúc phức tạp, bao gồm nhiều thành phần hợp thành, có bản chất khác nhau, bị chi phối bởi nhiều quy luật khác nhau, thậm chí đôi khi còn đối lập nhau. Do các thành phần cơ cấu của môi trường có tính phụ thuộc, thường xuyên tác động, quy định lẫn nhau, nên mỗi thay đổi nhỏ của phần tử cơ cấu có thể dẫn tới các phản ứng dây chuyền trong toàn hệ thống, ảnh hưởng toàn bộ môi trường.
Hai là, môi trường có tính động với cấu trúc luôn luôn thay đổi do sự tương tác giữa các thành phần cơ cấu và trong từng thành phần cơ cấu. Khi có sự thay đổi nào trong hệ thống làm cho môi trường lệch khỏi trạng thái cân bằng ban đầu, hệ thống lại có xu hướng lập lại tính cân bằng mới.
Ba là, môi trường là hệ thống mở, các vấn đề về môi trường mang tính vùng, tính toàn cầu, tính lâu dài và được giải quyết bằng nỗ lực của toàn thể cộng đồng, sự hợp tác giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới với sự cân nhắc lợi ích của các bên, các thế hệ hiện tại cũng như tương lai.
Bốn là, môi trường có khả năng tự tổ chức và tựđiều chỉnh bởi các thành phần cơ cấu của môi trường là vật chất sống hoặc các sản phẩm của chúng. Do vậy, chúng có thể tự tổ chức lại hoạt động của mình, điều chỉnh thích ứng với thay đổi của môi trường bên ngoài tuân theo các quy luật phát triển, tiến hóa, quy luật giảm entropy để lập lại sự cân bằng tạm thời [18, tr.20-21].
Môi trường tự nhiên có vai trò hết sức to lớn đối với đời sống con người. Trong quan hệ với đời sống của con người và sự phát triển của xã hội loài người, môi trường tự nhiên là một hệ thống gồm nhiều chức năng:
Thứ nhất, môi trường là sinh quyển, sinh thái cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người. Môi trường là nơi sinh sống và phát triển của xã hội
loài người, cung cấp những yếu tố vật chất cơ bản giúp con người tồn tại như không khí, nước, đất, cây cối, rừng, sinh vật… môi trường không chỉ là không gian sống mà còn là môi trường lao động, nghỉ ngơi, vui chơi và giải trí của các cộng đồng người;
Thứ hai, môi trường là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, là đầu vào cần thiết của quá trình sản xuất ra của cải vật chất, phục vụ và nâng cao đời sống của xã hội loài người;
Thứ ba, môi trường là nơi chứa đựng chất thải của quá trình sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của con người. Các chất thải này có thể là chất thải công nghiệp (chất bụi khí, phế liệu, nước thải có hòa tan các chất hữu cơ, hóa chất, kim loại, dầu mỡ…), chất thải từ nông nghiệp (phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuộc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng tồn tại trong đất, nước, phân, nước tiểu của vật nuôi) hay chất thải sinh hoạt (nước thải, rác thải, các loại khí bụi lò bếp…) và các loại khí thải của phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, tàu… [75, tr.22-32].