7 Công văn số 85/TANDTC – KHXX ngày 12/04/2013 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả tổng kết thi hành BLDS năm 2005.
7.1. Khái niệm tài sản:
Điều 105 BLDS năm 2015 quy định về tài sản theo hướng là một quy phạm định nghĩa: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ được xây dựng theo hướng liệt kê mà chưa đưa ra được nội dung khái quát bản chất của tài sản là gì. Về cơ bản, một đối tượng trong thế giới khách quan được coi là tài sản khi nó nằm trong sự kiểm soát, chi phối, nắm giữ được của con người. Nói cách khác, tài sản có một số đặc điểm như: (i) thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định; (ii) đáp ứng một lợi ích nhất định của con người (lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần); (iii) mang tính giá trị (giá trị và giá trị sử dụng). Tài sản theo quy định của BLDS được thể hiện dưới bốn dạng cụ thể, đó là: vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản.
Vật với tư cách là tài sản được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật, và tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Tuy nhiên, để được coi là tài sản thì vật cũng phải thỏa mãn được những đặc điểm của tài sản đã nêu ở trên. Ví dụ: nước trong một dòng sông, không khí ngoài khí quyển không thể nằm trong sự kiểm soát, chi phối của con người, do đó mặc dù cũng được coi là đối tượng tồn tại trong thế giới vật chất nhưng chúng không được xem xét với tư cách là tài sản. Khi nước được đóng vào chai, không khí được nén vào bình, con người có thể thực hiện việc kiểm soát, chi phối chúng, khi đó nước và không khí lại được coi là tài sản (tồn tại dưới dạng vật). Một điểm lưu ý nhất khi xem xét về vật đó là không sử dụng tiêu chí “được giao lưu trong dân sự” để khẳng
định vật nào là tài sản. Ví dụ: ma túy là đối tượng bị cấm lưu thông, nhưng ma túy vẫn được xem xét là một loại tài sản (được thể hiện cụ thể dưới dạng vật).
Tiền là một loại tài sản đặc biệt, có chức năng trao đổi ngang giá với những loại tài sản khác. Tiền do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành và được hiểu là Việt Nam đồng. Giá trị của tiền được thể hiện ở mệnh giá trên chính đồng tiền đó. Tiền giữ chủ quyền quốc gia, có giá trị sử dụng ổn định và được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh chức năng trao đổi, tiền còn có chức năng dự trữ và thanh toán trên thị trường.
Giấy tờ có giá được hiểu là những giấy tờ trị giá được thành tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự. BLDS không có quy phạm pháp luật quy định về giấy tờ có giá mà quy định về loại tài sản này nằm rải rác trong các văn bản pháp luật có liên quan như: Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010)… Theo đó có thể liệt kê một số giấy tờ có giá như: cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kì phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ ký quỹ…
Quyền tài sản được quy định cụ thể trong BLDS năm 2015 tại Điều 115, theo đó quyền tài sản được hiểu là quyền có thể trị giá được thành tiền, và chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, hoặc một số quyền tài sản khác như: quyền đòi nợ, quyền yêu cầu chi trả khoản tiền bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm…