C. NGHĨA VỤ VÀ HỢP ĐỒNG
1. Căn cứ phát sinh và đối tượng của nghĩa vụ dân sự
1.2. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự
Trong BLDS 2015 đối tượng của nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 276, theo đó đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể là: tài sản hoặc công việc. Công việc là đối tượng của nghĩa vụ có 02 loại, công việc phải thực hiện và công việc không được thực hiện.
Những tài sản theo quy đinh tại Điều 105 BLDS 2015 bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đều có thể trở thành đối tượng của nghĩa vụ dân sự. Trong các loại tài sản này thì cần đặc biệt chú ý đến tài sản là vật. Tài sản là vật có thể là vật chia được hoặc không chia được, có thể là vật đặc định hoặc vật cùng loại…. Ngoài ra vật hình thành trong tương lai cũng có thể là đối tượng của nghĩa vụ dân sự. Tài sản là đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải là tài sản được phép giao dịch.
Công việc phải thực hiện là đối tượng của nghĩa vụ dân sự khi nó hình thành từ sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định, theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện một công việc đúng nội dung đã thỏa thuận hoặc pháp luật quy định để đem lại lợi ích cho bên có quyền. Ví dụ 1, A thỏa thuận trả cho B 20 nghìn đồng để B chở A đi 2 km. Đối tượng của nghĩa vụ ở đây là công việc vận chuyển – xuất phát từ sự thỏa thuận giữa các bên. Ví dụ 2, A ăn trộm xe máy của B, theo quy định của pháp luật dân sự sẽ phát sinh một quan hệ nghĩa vụ theo đó A có nghĩa vụ hoàn trả lại xe máy cho B – nghĩa vụ do pháp luật quy định.
Công việc không được thực hiện là đối tượng của nghĩa vụ dân sự khi được các bên trong quan hệ nghĩa vụ thỏa thuận theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc theo nội dung xác định. Ví dụ 1: A và B có bất động sản liền kề, A thỏa thuận với B sẽ trả cho B một khoản tiền và B không được xây nhà cao hơn độ cao nhà của A. Ví dụ 2, C thỏa thuận trả D 200.000 đồng để D không đi làm ở nhà 1 ngày chơi với C. Nếu các bên thỏa thuận bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc nhất định sau đó bên có nghĩa vụ lại thực hiện công việc đó thì bị coi là vi phạm nghĩa vụ. Lúc này bên vi phạm có thể phải gánh chịu trách nhiệm dân sự nhất định theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện nghĩa vụ dân sự