- Giá trị tài sản bảo đảm khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện
12. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
12.1. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Căn cứ Điều 584 BLDS 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện sau:
Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại xảy ra có thể là thiệt hại về vật chất (Ví dụ: tài sản bị hư hỏng, chi phí cứu chữa, điều trị vết thương, ...) hoặc thiệt hại về tinh thần (Ví dụ: tổn thất về tinh thần khi sức khỏe, tính mạng … bị xâm phạm)
Thứ hai, phải có hành vi trái pháp luật hoặc có sự kiện tài sản gây thiệt hại
trái pháp luật.
Thiệt hại có thể do hành vi trái pháp luật của con người gây ra (Ví dụ: nhà ông A cháy do bị anh B châm lửa đốt, …), cũng có thể do tài sản của một chủ thể gây ra (Ví dụ: bình ga nhà ông C nổ gây sập tường nhà ông D, …).
Hành vi trái pháp luật có thể biểu hiện dưới 2 dạng: (i) hành động, tức là một người đã thực hiện một hành vi bị pháp luật cấm (Ví dụ, giết người, ..); (ii) không hành động, tức là một người không làm một việc mà theo quy định của pháp luật hoặc do tính chất công việc hoặc nghề nghiệp của người đó buộc họ phải làm một việc nhưng họ lại không làm (Ví dụ, bác sĩ không thực hiện việc cấp cứu cho bệnh nhân trong ca trực của mình, …).
Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật, giữa hoạt
động của tài sản với thiệt hại xảy ra
Tức là thiệt hại được coi là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật hoặc hoạt động của tài sản. Nếu thiệt hại không do hành vi trái pháp luật hoặc hoạt động của tài sản gây ra thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường. Ví dụ, con trâu nhà ông E đang đi trên đường, bà Q đi xe đạp gần đến nơi thì sợ quá nhảy xuống dắt bộ, nhưng do quần vướng vào xe khiến cho bà Q bị ngã gẫy chân. Trong ví dụ này, nguyên nhân bà Q bị gẫy chân là do quần của bà vướng vào xe khiến bà ngã chứ
không phải do con trâu của nhà ông E gây ra, nên ông E không phải bồi thường thiệt hại cho bà Q.
Thứ tư, có lỗi của người gây thiệt hại, của người quản lý người gây thiệt hại
Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, lỗi không phải là một điều kiện bắt buộc phải xác định trong khi xem xét các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này có nghĩa là chỉ cần xác định được 3 điều kiện trên thì có thể xem xét để buộc chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa rằng lỗi không phải là một điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là lỗi suy đoán, tức là nếu hành vi gây thiệt hại được xác định là trái pháp luật thì chắc chắn người gây thiệt hại hoặc người có trách nhiệm quản lý người gây thiệt hại bị xác định là có lỗi. Nếu họ muốn khẳng định mình không có lỗi thì phải đưa ra bằng chứng để chứng minh. Đây là quy định mới của BLDS 2015, và đây là quy định phù hợp bởi vì nó giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
Đối với trường hợp tài sản gây thiệt hại, hầu hết các quan điểm đều cho rằng không cần xem xét yếu tố lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản. Bởi vì, lỗi luôn gắn với hành vi có nhận thức của con người nên không thể gắn yếu tố lỗi đối với hoạt động của tài sản. Ngay cả khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường vẫn đặt ra nếu không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm. Bởi vì, bản thân họ là những người được hưởng những lợi ích mà tài sản mang lại nên họ phải chịu trách nhiệm khi tài sản gây thiệt hại cho người khác.