7 Công văn số 85/TANDTC – KHXX ngày 12/04/2013 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả tổng kết thi hành BLDS năm 2005.
7.3. Phân loại vật
Trong thực tế, tài sản tồn tại chủ yếu dưới dạng vật. BLDS năm 2015 đưa ra một số cách phân loại vật và ý nghĩa của việc phân loại này. Cụ thể như sau:
Căn cứ vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các vật, vật được phân loại thành vật chính và vật phụ. Trong đó vật chính được hiểu là vật có thể khai thác công dụng một cách độc lập theo tính năng, còn vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính nhưng có thể tách rời vật chính. Ví dụ: ti vi và điều khiển tivi, máy ảnh và vỏ đựng máy ảnh… Việc phân loại vật thành vật chính và vật phụ có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ của bên
có nghĩa vụ chuyển giao tài sản: về nguyên tắc khi chuyển giao vật chính cần chuyển giao cả vật phụ đi kèm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Căn cứ vào đặc tính có thể phân chia được của vật, vật được phân loại thành vật chia được và vật không chia được. Cụ thể, vật chia được là khi thực hiện việc chia vật thành nhiều phần thì vẫn giữ nguyên được tính chất, công năng sử dụng ban đầu của vật. Ví dụ: gạo, thóc, xăng, dầu… có thể chia làm nhiều phần khác nhau mà không làm thay đổi tính chất, tính năng sử dụng của vật ban đầu. Tương tự như vậy, vật không chia được là vật mà khi chia sẽ làm ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu của vật. Ví dụ: xe máy, giường, tủ, tivi… Xuất phát từ bản chất không chia được mà trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định bắt buộc phải chia vật thì những vật không chia được phải định giá thành tiền để chia.
Vật có thể được phân loại thành vật tiêu hao và vật không tiêu hao phụ thuộc vào sự thay đổi tính chất, hình dáng ban đầu qua một lần sử dụng. Theo đó, vật không tiêu hao là những vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà về cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: tẩy, xà bông, đồ ăn… là những vật tiêu hao; nhà ở, máy móc… là những vật không tiêu hao. Cách phân loại này có ý nghĩa trong việc xác định đối tượng của hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng mượn tài sản. Theo đó, chỉ những vật không tiêu hao mới có thể là đối tượng của hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn, vì thông qua việc khai thác công dụng của tài sản, vật sẽ thay đổi tính chất, hình dáng, kích thước nếu vật đó là vật tiêu hao, dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản khi đến hạn cho bên cho thuê , hoặc bên cho mượn tài sản.
Căn cứ vào đặc tính nhất định của vật để phân biệt vật này với vật khác, vật được phân loại thành vật cùng loại và vật đặc định. Trong đó, vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường; vật đặc định là những vật phân biệt được với vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Ví
dụ: khi nhà xuất bản in 1000 cuốn sách giống nhau thì những cuốn sách đó được coi là vật cùng loại, nhưng khi cuốn sách được mua về nhà và người mua kí tên vào trang bìa thì khi đó có thể phân biệt nó với những cuốn sách khác, vật khi đó được xem xét là vật đặc định, vì có những đặc điểm riêng để phân biệt và nhận biết với các vật khác. Việc phân loại này có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ giao vật của bên có nghĩa vụ. Cụ thể khi giao vật cùng loại thì các vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế được cho nhau, nhưng khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.
Căn cứ vào tính liên kết, hệ thống của các bộ phận cấu thành nên vật, vật được phân loại thành vật đồng bộ và vật không đồng bộ. Theo đó, vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc bộ phận khớp với nhau thành một chỉnh thể mà nếu một trong những phần, bộ phận đó không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng bị giảm sút. Từ lý do này, khi chuyển giao vật đồng bộ phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.