Chuỗi giá trị toàn cầu được tạo thành bởi nhiều công đoạn, mắc xích gắn kết thành, mỗi công đoạn được đảm nhiệm bởi một công ty, doanh nghiệp hay cả một quốc giá khác nhau. Chính vì thế các doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn trong chuỗi không chỉ nằm ở một nước, một khu vực mà có thể bao gồm sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, công ty ở nhiều quốc gia hay châu lục khác nhau. Chính đặc điểm điểm địa lý đó dẫn tới việc bất cứ một sự điều chỉnh, thay đổi nào xảy ra trong thể chế, chính sách của mỗi doanh nghiệp hay quốc gia đều có thể tạo ra ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, ngày càng nhiều các hiệp định song phương, đa phương, khu vực và quốc tế được ký kết nhằm thúc đẩy và mở rộng các hoat động thương mại quốc tế. Việc các quốc gia tham gia vào các tổ chức thương mại cũng ngày cảng phổ biến và trở thành xu hướng toàn cầu. Một khi đã tham gia vào các tổ chức thương mại, các thành viên phải tuân thủ thể chế của tổ chức, điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, từ đó có thể làm thay đổi các mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, việc nhà nước lựa chọn tham gia vào
các tổ chức quốc tế, hay ký kết các hiệp định song phương đa phương sẽ có thể mang lại những lợi thế và cả những thử thách đối với việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh yếu tố quốc tế bên ngoài, việc điều chỉnh môi trường và chính sách trong nước cũng ảnh hưởng lớn đến việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong dó Nhà nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thể chế chính sách của các nước có ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định và tạo lập các giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách và thể chế của Chính phủ có vai trò tối quan trọng trong việc tạo nên những lợi thế cạnh tranh vượt trội của một đất nước. Những lợi thế này có thể chưa xuất hiện ngay, nhưng về lâu dài đó chính là những mắt xích trọng yếu của chuỗi giá trị toàn cầu. Nắm giữ được càng nhiều các mắt xích trọng yếu như thế - nền kinh tế quốc dân mới có cơ hội để phát triển bền vững. Vấn đề quan trọng là Chính phủ sẽ lựa chọn chính sách nào và chính sách đó có phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước vươn lên chiếm lĩnh những mắt xích tạo giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu hay không. Tuy nhiên, ở nhiều nước đang và chậm phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước còn thờ ơ với vấn đề này, tư tưởng phó mặc cho doanh nghiệp tự lo đang rất thịnh hành. Hệ quả tất yếu của thái độ này là trình độ khoa học công nghệ thấp, chủ yếu chỉ đang thực hiện các công đoạn với giá trị gia tăng thấp nhất trong một chuỗi giá trị - đó là công đoạn sản xuất – gia công thuần túy.
Do vậy, mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi đều phải thích ứng với các yêu cầu về môi trường, thể chế, chính sách nhằm đưa được sản phẩm đến được khâu tiêu thụ hay đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Những nước nào mà ở đó Chính phủ xây dựng được một hệ thống các chính sách, thể chế phù hợp và khuyến khích sự phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp về mọi mặt thì đó là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước đó có cơ hội và động lực tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.