Như đã phân tích ở trên, các ngành hàng Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu thì trong tổng giá trị xuất khẩu thì giá trị được sinh ra trong nội địa chỉ chiếm 20- 30%, còn lại là các nguyên liệu, chi tiết linh kiện…được nhập khẩu từ bên ngoài. Trong tương lai, nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất và chế biến sẽ tăng nhanh ở cả trong nước và ngoài nước, đặc biệt khi đời sống của con người được cải thiện, thu nhập tăng cao thì nhu cầu về số lượng và yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày một cao. Chính vì vậy, quốc gia nào làm chủ được nguồn nguyên liệu cho sản xuất thì quốc gia đó sẽ có lợi thế tốt hơn sơ với các quốc gia khác.
Do đó, để tăng giá trị cho các sản phẩm của mình khi tham gia vào chuỗi giá trị, Nhà nước cần phải có chiến lược phát triển và sử dụng nguồn nguyên liệu đúng đắn, kết hợp giữa việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nguồn nguyên liệu nhập khẩu một cách phù hợp và có hiệu quả nhất. Cụ thể:
• Phát triển nguyên liệu trong nước:
Như chúng ta đã biết, nhiều ngành có kim ngạch xuất khẩu cao ở Viêt Nam như dệt may nhưng nguyên liệu đầu vào phần lớn lại từ nhập khẩu, vì vậy giá trị gia tăng không cao. Do đó để có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần chủ động được nguồn nguyên liệu, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu bằng các nguồn tự sản xuất trong nước.
Nhà nước cần rà soát và quy hoạch lại các vùng sản xuất nguyên liệu, dựa vào những lợi thế và đặc điểm của từng vùng miền để xác định hướng phát triển vùng nguyên liệu phù hợp. Bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, Nhà nước cũng phải chú trọng đầu tư phát triển công nghệ để nguyên liệu sản xuất ra có thể đáp ứng được yêu cầu cho các ngành công nghiệp chế biến.
• Chính sách ổn định nguyên liệu nhập khẩu:
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu tràn lan nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, vì vậy chính phủ cần có những biện pháp định hướng nhập khẩu,
hạn chế nhập khẩu những nguyên liệu đã có sẵn trong nước, hoặc tạo điều kiện hợp tác thông qua các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước trong việc xuất nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cần thiết mà trong nước chưa có khả năng sản xuất, tạo sự ổn định về nguyên liệu cho các ngành sản xuất.
• Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ:
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp thì trong một chuỗi cứ 100 doanh nghiệp tham gia chế tạo sản phẩm cuối cùng thì cần tới 95 doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất dựa vào sự phát triển của công nghiệp phụ trợ, còn lại chỉ có 5 doanh nghiệp thực hiện lắp ráp. Thực tế hiện nay trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp của ta do thiếu hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ đã phải phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào nhập khẩu và gần như đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vậy, nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, khuyến khích hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu phụ trợ cho các ngành công nghiệp để các doanh nghiệp nội địa hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.