Qua thực trạng kinh nghiệm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của một số nước, có thể thấy nhân tố quan trọng quyết định sự thành công và thất bại của một nền kinh tế đó chính là vai trò quản lý của chính phủ. Chính phủ giúp điều chỉnh những khuyết tật của thị trường và trợ giúp các doanh nghiệp, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển. Chúng ta có thể thấy trong trường hợp của Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan, chính phủ cả 3 nước đã đóng vai trò hết sức chủ động và quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của từng ngành. Mỗi chính phủ đều có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng, ví dụ như Ấn Độ ngay từ những năm đầu thập kỷ 80, khi công nghiệp phần mềm bắt đầu phát triển, chính phủ nhận thấy ngay đây là cơ hội để nắm bắt công nghệ của mình và áp dụng mọi biện pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp này. Đó là: bãi bỏ các giấy phép liên quan đến công nghiệp phần mềm; cho phép nhập khẩu miễn thuế các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp này. Sau đó, chính phủ kích cầu thị trường công nghiệp phần mềm trong nước. Cuối cùng, khi doanh nghiệp phần mềm trong nước chứng tỏ được khả năng của mình, tự họ sẽ tiếp thị và xuất khấu gia công phần mềm cho nước ngoài. Hay như Thái Lan, khi nhận thấy các lợi thế trước đây như nhân công rẻ ngày càng bị cạnh tranh nhiều hơn, và việc gia công sản xuất hàng dệt may cho các nước khác không đem lại giá trị cao, Chính phủ đã tập trung đầu tư công nghệ sản xuất và chất lượng nguyên liệu , phát triển ngành dệt may theo hướng tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi như hướng tới mục tiêu trở thành kinh đô thiết kế và thời trang lớn, tập trung phát triển ngành dệt may xanh. Hay như ngành cao su của Malaysia chính phủ
cũng hướng tới sản xuất chế biến các sản phẩm có giá trị cao hơn trong chuỗi thay vì xuất khẩu các sản phẩm dạng thô.