Chuỗi giá trị may mặc toàn cầu là quá trình sản xuất sản phẩm may mặc được tạo ra bởi nhiều quốc gia hợp lại, qua nhiều công đoạn trong chu trình của chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu, thiết kế, may thành sản phẩm rồi phân phối đến các nhà bán buôn, bán lẻ…
Chuỗi giá trị toàn cầu ngành may mặc được hình thành và phát triển từ những thập liên 70 của thế kỷ 20 khi mà các công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải tái cơ cấu và hợp lý hóa lại sản xuất và phân phối hàng may mặc, tìm nguồn lao động nhiều và rẻ ở những nước đang và chậm phát triển. Điều này càng được tăng cường và củng cố vào những năm 80 và 90 khi công nghệ thông tin và vận tải trên thế giới được cải tiến và hiện đại hóa. Một quy trình sản xuất có thể được phân chia thành nhiều công đoạn, một sản phẩm dệt may từ khi bắt đầu cho đến kết thúc có thể được tiến hành ở nhiều quốc gia. Từ những năm 1980 các nước trong khối EU, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ là những nước dẫn đầu xuất khẩu hàng may mặc nhờ tận dụng được lợi thế trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu do người mua chi phối, ví dụ như Trung Quốc tận dụng được nguồn nhân công và nguyên liệu rẻ, Mỹ có lợi thế về khả năng tiên tiến của công nghệ và thiết kế sản
phẩm, họ đã vượt ra ngoài quốc gia để tìm lợi thế từ các nguồn lực ở các quốc gia khác.
Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu là chuỗi giá trị chủ yếu do người mua chi phối. Chuỗi giá trị dệt may được tổ chức chủ yếu theo 5 công đoạn chính: Công đoạn cung cấp nguyên liệu thô như sợi tổng hợp và sợi tự nhiên; công đoạn cung cấp các phụ liệu như tơ, sợi từ các nhà máy dệt; công đoạn sản xuất hàng may mặc, hình thành mạng lưới sản xuất toàn cầu từ các nhà máy cho đến các nhà thầu phụ ở nhiều nước khác nhau; công đoạn xuất khẩu được hình thành bởi các đại lý thương mại; và mạng lưới marketing ở cấp độ bán lẻ. Ở mỗi công đoạn đều có đặc điểm về tổ chức và kỹ thuật riêng.
Hiện nay, các nhà bán lẻ hàng dệt may lớn ở các nền kinh tế phát triển dẫn đầu về lượng người mua như Wal-Mart, Sears, JC Penny, Liz Claiborne và Gap... đang nắm vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Các nhà bán lẻ này cũng được mô tả như các nhà sản xuất không có nhà máy. Giá trị gia tăng và lợi nhuận của họ có được từ việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thiết kế, kinh doanh, tiếp thị và khả năng phản ứng nhanh chóng theo xu hướng tiêu thụ mới của khách hàng. Từ đó, các mạng lưới tìm kiếm nguồn hàng trọn gói đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Các hãng dệt may mang thương hiệu lớn của Mỹ thường chủ yếu tìm nguồn sản xuất của họ ở Mêhicô và khu vực Caribê, các công ty EU xây dựng mạng lưới mua hàng ở Bắc Phi và Đông Âu, Nhật Bản và những nền kinh tế công nghiệp mới của châu Á tập trung vào những khu vực có mức lương thấp hơn tại châu Á.
Suy thoái kinh tế đã khiến người tiêu dùng hàng dệt may ở nhiều nước chuyển hướng sang tìm kiếm những sản phẩm có giá trị nhưng ở mức giá cạnh tranh. Các thương hiệu xa xỉ đã phải chịu những tác động mạnh nhất từ khủng hoảng. Vì vậy, những thương hiệu dệt may có khả năng kết hợp giá trị với năng lực đáp ứng các xu hướng mới của thị trường và có mức độ tồn kho ít là những thương hiệu chiến thắng trong khủng hoảng.