Từ trước đến nay Việt Nam vẫn luôn coi nguồn lao động dồi dào và giá nhân công thấ là một ưu thế để cạnh tranh, tuy nhiên trên thực tế chất lượng nguồn lao động của chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cấp. Lượng lao động phổ thông, không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật hiện chiếm trên 60%, còn lại lượng lao động đã được qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc có tay nghề tốt trong lĩnh vực công nghiệp ước tính chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% so với nhu cầu.
Trong thời đại nền kinh tế tri thức đang trở thành xu thế, thì nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì chất lượng nguồn nhân lực của VN hiện mới chỉ ở mức 3,79 điểm trong thang điểm 10, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Gần như không có trường dạy nghề nào tại VN đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực. Các lĩnh vực đòi hỏi chất xám cao như kinh
doanh tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo... đang thiếu lao động trầm trọng. Mặc dù nguồn nhân lực được đào tạo qua các bậc hàng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội. Riêng năm 2010, xét trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc thì số lao động được qua đào tạo chỉ khoảng 20,1 triệu người và chỉ có khoảng 8,4 triệu người trong số đó có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp.
Có thể nhận thấy rõ rằng việc thiếu hụt nhân lực có trình độ cao và lành nghề sẽ gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế. Hiện chúng ta đang cạnh tranh với thế giới bằng nguồn lao động giá rẻ, tuy nhiên một khi các yếu tố về công nghệ và chất lượng lại được đặt lên hàng đầu thì điều này sẽ trở thành thách thức về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nếu chúng ta không phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng. Và dĩ nhiên nếu chúng ta không có nguồn nhân lực chất lượng thì chúng ta khó có thể bước vào giai đoạn nội lực hóa kỹ năng và công nghệ, để bước lên những bậc thang cao hơn trong chuỗi trá trị.