xuất và xuất khẩu hoàng hóa theo bề rộng và tốc độ cao hiện nay sang phát triển theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả
Như đã phân tích ở các chương trước, để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì việc quan trọng là cần nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, cùng nghĩa với việc cần phải nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng.
Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào việc khai thác các lợi thế cạnh tranh sẵn có về điều kiện tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động rẻ. Những lợi thế này có thể hiện tại hoặc trong vài năm nữa vẫn có ưu thế nhất định. Tuy nhiên, nếu về lâu dài thì có thể nhận thấy rằng các nguồn lực tự nhiên sẽ ngày càng cạn kiệt, chính vì vậy những lợi thế về tự nhiên như khả năng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản sẽ có những hạn chế mang tính cơ cấu và trong dài hạn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chưa kể những tác động xấu tiêu cực đối với môi trường và phát triển bền vững. Về lợi thế lao động rẻ cũng sẽ ngày càng giảm dần khi mà mức chênh lệch tiền lương lao động giữa nước ta và các nước khác giảm dần và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như những hàng hóa có hàm lượng công nghệ và khoa học ngày càng tăng và nhu cầu cao trên thị trường thế giới. Do đó, nếu cứ duy trì mô hình tăng trưởng theo chiều rộng trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh sẵn có như trên, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Bên cạnh đó, sự gia tăng cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái toàn cầu cũng là áp lực đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng chuyển sang mô hình tăng trưởng xuất khẩu mới.
Mô hình tăng trưởng mới là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, trên cơ sở tập trung khai thác các lợi thế cạnh tranh động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh cải cách chính sách thể chế, đầu tư áp dụng công nghệ mới hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở
hạ tầng hiện đại. Việc chuyển từ chiến lược phát triển xuất khẩu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ việc dựa chủ yếu vào các lợi thế so sánh sẵn có (tĩnh) sang lợi thế cạnh tranh động là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng tăng trưởng xuất khẩu; duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, điều này phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường, do đó có thể hạn chế được rủi ro khi thị trường thế giới biến động bất lợi.
Cụ thể, trong giai đoạn mục tiêu quan trọng hàng đầu đó là chất lượng phát triển. Chúng ta cần khắc phục tư tưởng coi trọng số lượng, chạy theo thành tích cục bộ và ngắn hạn. Chúng ta cần phải tính toán xem trong mỗi đô la giá trị xuất khẩu mà ta mang về thì có bao nhiêu lợi nhuận đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, và như vậy hoạt động xuất khẩu đó có thực sự đem lại hiệu quả hay không. Chủ trương phát triển xuất khẩu của chính phủ là đúng đắn, tuy nhiên nếu không có chiến lược phát triển đúng hướng, tập trung vào các ngành có lợi thế mà lại đầu tư dàn trải, tràn lan thì chúng ta sẽ không thể có được các mặt hàng thực sự có cạnh tranh quốc tế. Trên thực tế, trong suốt 25 đổi mới, Việt nam vẫn chưa có nhiều những thương hiệu hàng hóa nổi tiếng và doanh nghiệp có uy tín trên thị trường quốc tế quốc tế, ngoại trừ một số mặt hàng có được sự nổi tiếng do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên.
Nhìn chung, Nhà nước cần có định hướng và có các chính sách khuyến khích các ngành, doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị dựa vào các mặt hàng có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước làm tiền đề và điều khiện cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tránh đầu tư tràn lan nhưng hiệu quả thấp; khuyến khích các doanh nghiệp có thể phát triển các chuỗi giá trị riêng biệt đối với một số ngành hàng theo hướng “đi tắt, đón đầu” mà không nhất thiết phải đi theo tuần tự từng nấc thang của chuỗi giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi hướng phát triển trong ngành công nghiệp. Bắt nguồn từ đặc điểm chuỗi giá trị toàn cầu, quá trình sản xuất sản phẩm được chia thành nhiều khâu và mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp chỉ tham gia vào một hoặc một vài khâu trong quá trình đó, do đó chiến lược phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp của chúng ta hiện nay cần được chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng quy trình công nghệ để từ đó có thể tạo lợi thế cạnh tranh ở một số khâu
nhất định trong quy trình sản xuất nhằm tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị sản phẩm.