Quản lý, khai thác hệ thống đường giao thông nông thôn

Một phần của tài liệu Luận văn: Quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam Dương Văn Hội (Trang 95)

Đối với đường huyện sau quá trình đầu tư, khi hoàn thành đưa vào sử dụng được bàn giao cho Hạt quản lý đường (Hạt giao thông huyện) để thực hiện quản lý công trình trong thời kỳ khai thác vận hành.

Đối với các tuyến đường xã; đường thôn, xóm; đường sản xuất do UBND các xã trực tiếp quản lý công trình trong thời kỳ khai thác vận hành.

- Trong những năm qua, với vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn, cấp huyện đã có những biện pháp tuyên truyền, phổ biến các văn bản mang tính pháp quy của các cấp nhằm bảo vệ khai thác bình thường của hệ thống đường GTNT.

Việc quản lý được thực hiện theo quy hoạch của từng tuyến đường, đảm bảo an toàn hành lang đường. Nhìn chung các tuyến đường huyện, xã và đường thôn, xóm, các công trình trên tuyến được bảo vệ an toàn, không bị các cá nhân xâm hại gây cản trở giao thông.

Tùy theo từng tuyến đường cho phép các loại xe có trọng tải từ 5 - 7 tấn được qua lại, các xe có trọng tải lớn hơn cấp tải trọng thiết kế, khi tham gia giao thông trên các tuyến đường phải xin phép UBND các địa phương quản lý và tuân theo những quy định về giao thông đường bộ.

- Việc quản lý phát triển GTNT trên địa bàn huyện Thanh Liêm có nhiều bước chuyển biến rất đáng kể. Phát triển bền vững GTNT đã trở thành một nội dung quan tâm hàng đầu của huyện. Xu hướng tăng cường nâng cao chất lượng đường hiện có trên 2 mặt: 1) Cải tạo yếu tố hình học của tuyến, trước mắt là mở rộng chiều rộng nền, mặt đường. Nâng cấp xây dựng vĩnh cửu hệ thống cầu cống nông thôn; 2) Cuối giai đoạn 2010 - 2014 có thêm sự chuyển hướng nâng cấp hệ thống đường trục chính nội đồng phục vụ sản xuất đạt tiêu chuẩn ít nhất là B- nông thôn.

- Kinh nghiệm điều hành của hệ thống quản lý từ huyện đến xã tốt hơn rất nhiều, đã thu hút được sự tham gia và đồng tình của người dân, như việc mở rộng đường huyện, đường xã và đường thôn xóm.

Qua khảo sát thực tế, đại đa số các hộ dân đồng tình thực hiện nhận tiền bồi thường, hoặc thực hiện theo hình thứ đổi đất để mở rộng đường, một số ít các hộ dân đồng ý hiến đất.

Nhìn chung chất lượng các tuyến đường được duy trì khá ổn định. Tuy nhiên các làng, xóm chưa có hương ước nào bảo vệ đường GTNT. Việc đào đường và thoát nước cho cây trồng của các hộ nông dân thường xẩy ra, nhất là đối với hệ thống đường sản xuất thường bị phá hủy hàng năm với khối lượng lớn nhất trong hệ thống mạng lưới đường GTNT.

Việc đầu tư mở rộng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quá trình đô thị hóa nông thôn phát triển mạnh... các phương tiện có tải trọng lớn gia tăng, nên các tuyến đường GTNT hiện nay, đặc biệt là đường xã hầu như chưa đảm bảo về tiêu chuẩn nền, mặt đường và tải trọng thiết kế công trình cho việc vận tải bằng cơ giới loại vừa và lớn.

Quá trình khai thác sử dụng, các phương tiện có trọng tải lớn hơn cấp kỹ thuật của đường cũng tham gia giao thông, đã làm hỏng nặng mặt đường do vượt quá tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép của đường GTNT.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam Dương Văn Hội (Trang 95)