Xã hội loài người không ngừng phát triển cả về lượng và chất, biểu hiện của nó là sự hình thành các cộng đồng dân cư. Những cộng đồng dân cư có những đặc trưng riêng biệt như những xã hội nhỏ và trong đó có đầy đủ các yếu tố, các vấn đề và các thiết chế xã hội. Trong lịch sử phát triển của mình, con người càng tiến bộ, văn minh thì các dạng thức tổ chức xã hội và hoạt động của con người càng đa dạng và phức tạp, ở đó có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại... Về mặt tổ chức, các yếu tố xã hội bao gồm: hệ thống các cơ quan quyền lực, các đại diện cho cộng đồng, đảm bảo những hoạt động đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cộng đồng và cá nhân; giải quyết các vấn đề xã hội như: dân số và nguồn nhân lực, lao động và việc làm, giáo dục và y tế, vấn đề an toàn xã hội của đời sống cá nhân và cộng đồng...
Các yếu tố, các vấn đề xã hội luôn luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, điều chỉnh hành động của các bộ phận trong cộng đồng và của các thành viên; kết hợp hài hoà các bộ phận, đảm bảo sự ổn định của cộng đồng, xoay quanh việc thỏa mãn những nhu cầu xã hội căn bản của con người như: môi trường sống, lao động, học tập, sinh hoạt – vui chơi, giải trí, sự đi lại, giao lưu văn hóa…
Quá trình đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiện nay, là một tất yếu trong quá trình phát triển xã hội nông thôn. Bao gồm việc duy trì và phát triển không gian sống của cộng đồng dân cư, tạo ra kiến trúc, cảnh quan hiện đại ở khu vực nông thôn. Việc mở rộng, quy hoạch, xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trong các lĩnh vực lao động sản xuất, sinh hoạt – vui chơi, giải trí… đặc biệt nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động và việc làm của toàn xã hội và cộng đồng dân cư. Quá trình này gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện.
Việc quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của xã hội, đó là: xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người làm mục tiêu phục vụ. Ngược lại các
vấn đề, các yếu tố xã hội có tác động trở lại đối với công tác quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn, đòi hỏi công tác quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn phải được hoàn thiện, phù hợp với các vấn đề xã hội đặt ra trong từng thời kỳ và phải thỏa mãn những nhu cầu lợi ích mà cộng đồng xã hội mong muốn được đáp ứng.
Hầu hết người dân nông thôn đều cho rằng giao thông nông thôn là rất quan trọng, Với họ, thì việc nâng cấp và cải tạo đường thôn còn quan trọng hơn là cải tạo đường xã. Do thu nhập bình quân của họ còn thấp nên sự tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn chưa nhiều. Thời gian thi công các tuyến đường thường bị kéo dài, chất lượng đối với mặt đường cấp phối nhanh bị xuống cấp. Các nguồn lực cho việc bảo dưỡng định kỳ tại địa phương lại rất ít; nên các con đường bị xuống cấp đã gây bụi bặm vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa gây khó khăn cho việc tham gia giao thông của người và phương tiện giao thông.
Việc chia sẻ thông tin về các dự án làm đưòng giao thông nông thôn còn ít đối với người dân. Thông tin mà người dân nhận được chủ yếu là các thông tin về giải phóng mặt bằng và hiến đất để làm đường. Người dân không được cung cấp những thông tin cơ bản về các dự án đường giao thông nông thôn ở tại đại phương nơi họ sinh sống. Họ muốn vai trò của họ trong các dự án đường ô tô (liên huyện, liên xã) được tăng lên. Và họ muốn rằng họ là người đầu tiên được hưởng lợi và là những người có liên quan chặt chẽ đến chất lượng và sự bền vững của các con đường giao thông này.
Người dân muốn tham gia trực tiếp vào việc thiết kế và giám sát thi công các con đường tại địa phương. Vấn đề cần thiết ở đây là công tác hỗ trợ thông tin, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả để có được kết quả trong vấn đề nhận thức để người dân có thể tham gia tích cực vào việc cải tạo đường giao thông nông thôn cũng như cải tạo đường thôn xóm. Phụ nữ và người nghèo do thiếu kiến thức về kỹ thuật, địa vị thấp và kiến thức hạn chế nên không có tiếng nói và bị hạn chế tham gia vào các dự án giao thông nông thôn.