III. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ ĐỐI VỚI MỘT BÀI KHÓA LUẬN TỐT
RÈN LUYỆN CÁCH VIẾT LUẬN VĂN KHOA HỌC CHO SINH VIÊN THÔNG QUA CÁC BÀI TIỂU LUẬN
THÔNG QUA CÁC BÀI TIỂU LUẬN
Trần Quốc Trung
Giảng viên Bộ môn Nghiệp vụ
Đối với sinh viên, khóa luận tốt nghiệp là luận văn khoa học quan trọng thể hiện kiến thức và khả năng nghiên cứu khoa học được tích lũy trong 4 năm học. Để hoàn thành tốt khóa luận tốt nghiệp, sinh viên không chỉ cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn để phân tích, đánh giá và đề ra được những giải pháp hợp lý mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt về hình thức trình bày. Vì vậy, trong quá trình học tập, sinh viên cần được thường xuyên làm quen với cách thức trình bày các vấn đề khoa học liên quan đến ngành học của mình, giúp sinh viên tự tin khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp vào kỳ học cuối. Bài viết này đề xuất giải pháp dùng tiểu luận môn học như là một công cụ rèn luyện cho sinh viên viết luận văn khoa học nhằm khắc phục những khó khăn và sai sót mà sinh viên thường gặp khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Bài viết tập trung trình bày một số vấn đề chính trong việc tổ chức cho sinh viên thực hiện tiểu luận đó là: chia nhóm, giao đề tài, quy định về nội dung, quy định hình thức trình bày, quy định thời gian thực hiện, đánh giá tiểu luận và rút kinh nghiệm cho sinh viên.
1. Chia nhóm
- Số sinh viên mỗi nhóm
Số sinh viên trung bình trong một lớp học khoảng 150 sinh viên. Với số lượng sinh viên nhiều như vậy, việc chia nhóm là cần thiết để đảm bảo cho giảng viên có đủ thời gian đánh giá tiểu luận; đồng thời chia nhóm cũng rèn luyện cho sinh viên thói quen cộng tác với nhau trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nếu số lượng sinh viên trong mỗi nhóm quá nhiều thì sẽ dẫn đến tình trạng một số sinh viên không làm việc, hoặc làm rất ít mà vẫn có tên trong danh sách nhóm và được hưởng kết quả chung của cả nhóm. Do đó, số lượng sinh viên trong mỗi nhóm tốt nhất là 2 - 3 sinh viên.
- Cách thức chia nhóm
Có nhiều cách chia nhóm: theo danh sách điểm danh, theo lớp học tiếng Anh, hoặc cho sinh viên tự lập nhóm. Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả thì việc để sinh viên tự lập nhóm rồi đăng ký lại với giảng viên danh sách thành viên nhóm có nhiều thuận tiện cho sinh viên hơn cả. Với cách chia nhóm này, sinh viên có thể tự do trong việc lựa chọn đối tác cùng nghiên cứu với những thuận tiện về điều kiện đi lại, liên lạc và tinh thần hợp tác trong nghiên cứu được đảm bảo bởi vì các thành viên gia nhập nhóm là hoàn toàn tự nguyện - đây là một trong những yếu tố quan trọng để nghiên cứu khoa học thành công.