III. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ ĐỐI VỚI MỘT BÀI KHÓA LUẬN TỐT
CẦN LINH HOẠT HƠN ĐỂ THEO KỊP THỰC TẾ
Nguyễn Thị Phương Chi
Giảng viên Bộ môn nghiệp vụ
Không thể phủ nhận những ưu điểm của các quy định hiện tại về KLTN và THTTTN của trường chúng ta. Tuy nhiên, đa số các ưu điểm này đều mang đến những thuận lợi cho giáo viên – những người cung cấp dịch vụ giáo dục, trong khi chưa xem xét đến những bất lợi cho sinh viên – người thụ hưởng dịch vụ giáo dục. Những kiến nghị dưới đây được đề xuất với mong muốn sẽ giúp sinh viên thực hiện bài tốt nghiệp của mình tốt hơn và qua đó, chất lượng giảng dạy của trường Đại học Ngoại thương cũng được cải thiện đáng kể.
Đối với Khóa luận tốt nghiệp
- Duyệt đề tài
Để tránh việc tranh cãi về phạm vi đề tài có phù hợp với chương trình đào tạo hay không, đề nghị thành lập Hội đồng khoa học cấp Bộ môn, bao gồm Tổ trưởng phụ trách các môn học. Hội đồng này có trách nhiệm họp để duyệt các đề tài do SV đăng ký. Các đề tài sau khi được Hội đồng thông qua, hoặc yêu cầu chỉnh sửa sẽ được thông báo cho SV và nếu SV có chỉnh sửa thì phải được sự chấp nhận của Hội đồng. Các đề tài sau khi đã được hội đồng phê duyệt, khi ra bảo vệ trước hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp, đề nghị không bàn luận về tên đề tài, phạm vi đề tài… vì những vấn đề đó nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của SV.
- Phạm vi đăng ký đề tài
Theo các quy định hiện hành, đề tài tốt nghiệp được duyệt tại trường Đại học Ngoại thương phải ít nhiều dính dáng đến “yếu tố ngoại”, hoặc “mang tính quốc tế”. Theo quan điểm của cá nhân tôi, quy định này vô hình chung đã làm hẹp rất nhiều sự lựa chọn của sinh viên, vì không phải SV nào cũng có cơ hội được tiếp cận với các vấn đề mang tính quốc tế hay yếu tố ngoại.
Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế đang làm thế giới trở nên “phẳng” hơn, ranh giới giữa các quốc gia đang dần bị xóa nhòa khi các liên kết kinh tế quốc tế ngày một chặt chẽ. Ranh giới “nội” và “ngoại” vì thế cũng chỉ mang tính tương đối.
Thêm vào đó, xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp là khai thác thị trường nội địa làm nền tảng, trên cơ sở vững mạnh từ nội địa mới vươn xa ra thị trường thế giới. Vì thế, việc không xét duyệt các đề tài chỉ làm trong phạm vi nội địa có lẽ cần được cân nhắc lại.
Thứ hai, theo báo cáo của MUTRAP năm 2009, khu vực xuất khẩu đang ngày càng giảm dần vai trò trong việc tạo ra số chỗ làm trong những năm gần đây (xem bảng 1). Điều đó cho thấy khu vực doanh nghiệp nội địa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết việc làm. Trường ĐH Ngoại thương cũng nên tạo cho sinh viên cơ hội tìm kiếm việc làm và nơi thực tập ngay cả ở các doanh nghiệp không có hoạt động nào dính dáng trực tiếp đến xuất/nhập khẩu. Ngay trong chương trình đào tạo của các ngành kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh quốc tế… vẫn có nhiều môn không liên quan đến “yếu tố ngoại”, như: quản trị nguồn nhân lực, marketing căn bản, nguyên lý kế toán… nên chăng hãy nới lỏng các quy định về đề tài làm tốt nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội thử sức hơn?
Bảng 1. Vai trò của khu vực xuất khẩu trong việc giải quyết việc làm
Lao động (triệu người)
Mức độ xuất khẩu 1998 2002 2006 XK thấp 4.54 4.41 3.78 XK trung bình 1.66 1.08 1.98 XK cao 0.29 1.07 1.24 Tổng KV XK 6.49 6.56 7 % XK/ tổng việc làm 53.42 50.69 44.05
Nguồn: Đánh giá tác động tổng thể khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đến thay đổi xuất nhập khẩu và thể chể (MUTRAP II)
- Hình thức trình bày KLTN
Theo quy định hiện tại của Trường ĐH Ngoại thương, bài Khóa luận tốt nghiệp phải có độ dài từ 70 – 100 trang. Trên thực tế, số trang sinh viên tự viết chỉ chiếm khoảng 30 – 50% tổng số trang, còn lại là kiến thức tổng hợp từ tài liệu, hoặc thậm chí đi sao chép. Quy định hiện hành cho phép các trường tự chọn hình thức
thể hiện Khóa luận tốt nghiệp, vì thế có thể điều chỉnh quy định hiện hành để phù hợp với tình hình thực tế. Để khuyến khích sinh viên nghiên cứu, sáng tạo, tăng khả năng tổng hợp và phân tích tài liệu, giảm việc sao chép máy móc, đề nghị nhà trường giảm dung lượng tối thiểu của Khóa luận xuống còn 30 trang thay vì 70 trang như hiện nay. Một số trường Đại học hiện cũng quy định mức tối thiểu ở mức này, ví dụ: Trường ĐH Hoa Sen giới hạn KLTN từ 30 - 100 trang; ĐH An Giang: từ 40 – 60 trang; ĐH Khoa học Tự nhiên: 50 - 100 trang.
Trong quy định về font chữ trình bày, nên thay font .VnTime bằng font Times New Roman, hoặc cho SV tùy chọn 1 trong 3 font chữ: Times New Roman, VNI – Times và .VnTime vì trên địa bàn TP.HCM, đa số người sử dụng máy tính dùng font Times New Roman và VNI – Times. Vì thế, một số sinh viên sau khi làm bài mang ra các tiệm in bị nhảy font và phải ngồi sửa rất mất thời gian. Đối với quy định nộp bài, ngoài yêu cầu SV nộp các bản gốc bằng file .doc, nên bổ sung thêm yêu cầu SV nộp bài bằng file. Pdf để tránh rủi ro do khác font chữ hoặc hệ điều hành mà không đọc được bài của sinh viên, ảnh hưởng đến công tác lưu trữ.
- Phương pháp nghiên cứu
Đa số các bài KLTN hiện nay được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu tại bàn, rất ít bài viết áp dụng các khảo sát thực tế, ứng dụng mô hình hồi quy… Trong khi trên thực tế, khi SV làm việc tại các doanh nghiệp, để thực hiện được một báo cáo luôn cần đến các khảo sát thực tế từ khách hàng, đối tác và khả năng xử lý số liệu để dự đoán các khuynh hướng. Vì thế, nhà trường nên có những khuyến khích cụ thể để khuyến khích sinh viên thực hiện khảo sát thực tế và ứng dụng các mô hình lý thuyết vào thực tế. Ví dụ: nếu sinh viên có thực hiện khảo sát thực tế, và xử lý số liệu thực tế sẽ được cộng thêm 1 điểm…
- Công tác bảo vệ luận văn
Nên cho phép sinh viên được sử dụng máy chiếu để thuyết trình bài luận văn. Đa số các bài luận văn đều ít nhiều có các bảng biểu, đồ thị, hình ảnh minh họa… Vì thế việc chỉ dùng lời nói thuyết minh cho bài viết không tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện hết khả năng hiểu biết cũng như làm cho bài thuyết trình trở nên kém sinh động hơn.
- Công tác chấm KLTN
Quy định hiện hành của Bộ Giáo dục (điều 15, Quyết định 25/2006/BGDĐT) về việc chấm KLTN: “Điểm đánh giá đồ án, khoá luận tốt nghiệp là trung bình cộng các điểm của từng thành viên hội đồng, người đánh giá và người hướng dẫn, được làm tròn đến phần nguyên”. Như vậy có thể thấy rằng Bộ Giáo dục thừa nhận vai trò chấm điểm của GVHD. Tuy nhiên hiện nay trường ta không cho phép GVHD được chấm điểm. Đây là một thiệt thòi lớn cho SV vì trong suốt thời gian thực hiện KLTN, GVHD là người tiếp xúc với SV nhiều và có nhiều cơ hội để nhận xét về trình độ của SV, lòng tâm huyết của SV với đề tài đã chọn… Mặc dù quy định hiện hành của trường cũng có nhiều ưu điểm, đảm bảo tính khách quan cao, nhưng xét trên góc độ lợi ích của sinh viên, có lẽ cần điều chỉnh lại cho phù hợp.
Đối với Thu hoạch thực tập tốt nghiệp
Nên xem lại mục đích của việc thực hiện bài Thu hoạch. Nếu mục đích đặt ra là giúp sinh viên có cơ hội thực hành tại doanh nghiệp những kiến thức đã học ở trường, thì nội dung bài báo cáo cần được điều chỉnh cho phù hợp. Khung nội dung cơ bản của bài báo cáo Thu hoạch hiện nay rất khó có thể đánh giá nỗ lực của sinh viên cũng như khả năng thích ứng với thực tế của sinh viên. Trở lại hoạt động thực tập tốt nghiệp, để giúp sinh viên làm bài Thu hoạch tốt, theo tôi cần có những hướng dẫn sau:
- Bộ môn nghiệp vụ (BMNV) cần soạn thảo quy định chi tiết hướng dẫn sinh viên cách thức thực tập tại doanh nghiệp. Ví dụ: tìm hiểu những vấn đề gì về công ty, tiếp cận tài liệu ra sao, nguyên tắc bảo mật tài liệu cho doanh nghiệp, phân bổ thời gian thực tập tại doanh nghiệp…
- BMNV nên xây dựng các hướng dẫn sinh viên về cách thức triển khai đề tài thu hoạch thực tập: Cách thu thập tài liệu như thế nào, cách phản biện vấn đề, cách hành văn, cách tôn trọng các quy ước trong trình bày văn bản…
- BMNV ban hành quy định đối với GVHD về việc gặp sinh viên: số lần gặp tối thiểu, nội dung mỗi lần gặp, hình thức liên lạc…