LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI.

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO THỰC TẬP-Nâng cao chất lượng hướng dẫn sinh viên viết luận văn khoa học (Trang 87)

III. Giải quyết vấn đề

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI.

ThS. Nguyễn Hoài Nam

Giảng viên Bộ môn Nghiệp vụ

Đặt vấn đề

Viết Thu hoạch thực tập (THTT) và Khóa luận tốt nghiệp (KLTN) là công đoạn cuối cùng, hoàn tất việc học tại trường đại học. Tuy Cơ sở II – trường Đại học Ngoại thương, thành phố Hồ Chí Minh (CSII) đồng ý cho các sinh viên đủ điều kiện viết KLTN được chọn giữa KLTN với THTT, nhưng hầu hết các sinh viên này đều chọn KLTN. Thực tế trên dẫn đến một số tồn tại trong công đoạn này. Tóm tắt như sau:

- Chất lượng chung của mặt bằng KLTN chưa cao. Vấn đề này có thể lý giải bởi các nguyên nhân chính: (1) Số lượng sinh viên được viết KLTN quá nhiều so với đội ngũ giáo viên hướng dẫn. (2) Bản thân nhiều sinh viên được viết KLTN, năng lực có nhiều hạn chế. (3) Trong tư tưởng của sinh viên, việc viết KLTN đồng nghĩa với điểm chắc chắn cao hơn viết THTT. (4) Ý thức về một luận văn khoa học của sinh viên chưa cao.

- Nghịch lý tồn tại: giá trị của một KLTN hay cao hơn hẳn so với THTT, công sức bỏ ra để hoàn thành KLTN tốn hơn nhiều nhưng tác động đến kết quả học tập chung của sinh viên không cao, sự công nhận thành quả của các luận văn khoa học này cũng không được chú trọng. Việc này gây đến tâm lý “hoàn thành KLTN cho xong” hơn là “nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo”.

- Đề tài lựa chọn chưa phong phú, lặp lại nhiều. Sinh viên có xu hướng chọn đề tài “an toàn” hơn là “mạo hiểm”.

Trên quan điểm của tác giả là: nếu đã chọn KLTN thì đó là một công trình khoa học thực sự, cần phải chú trọng vào chất lượng. Một trong những nguyên nhân của các tồn tại trên chính là công tác định hướng của nhà trường chưa thật sự đặt chất lượng lên trên số lượng. Theo tác giả cần thống nhất quan điểm: nếu là thủ tục

để sinh viên tốt nghiệp thì chỉ cần THTT là đủ, nếu sinh viên thật sự có quan tâm về một vấn đề cụ thể, liên quan đến chuyên ngành và ý thức tốt về việc viết luận văn khoa học thì hãy chọn KLTN. Nếu chọn lựa sai lầm, ngay bản thân sinh viên cũng sẽ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” – nhiều sinh viên nếu chọn THTT thì đã có thể tốt nghiệp sớm, nhưng vì “kẹt” với KLTN nên đã không thể tốt nghiệp theo dự tính. Hiện tại, về phía sinh viên, bản thân sinh viên chưa cân nhắc kỹ lưỡng giữa hai lựa chọn. Về phía nhà trường, chưa có giải pháp định hướng hữu hiệu để sinh viên lựa chọn. Việc định hướng của nhà trường sẽ rất hữu hiệu nếu giải pháp định hướng được dựa trên phân tích phản ứng tương ứng của sinh viên – giống như trong một trò chơi có hai người chơi, người chơi này sẽ quan sát hành động của người chơi kia để quyết định hành động của mình.

Lý thuyết trò chơi là một nhánh của toán học ứng dụng, nghiên cứu các tình huống chiến lược trong đó các người chơi lựa chọn các hành động khác nhau để tối đa hóa kết quả nhận được. Lý thuyết trò chơi được sử dụng trong nhiều ngành khoa học, đặc biệt là kinh tế học. Năm 1994, John Nash cùng hai nhà nghiên cứu khác được giải Nobel kinh tế với đề tài lý thuyết trò chơi. Trò chơi ra tín hiệu (signalling game) là dạng trò chơi động với hai người chơi: người ra tín hiệu và người nhận tín hiệu. Trong trò chơi này, người nhận tín hiệu sẽ quan sát tín hiệu nhận được và quyết định hành động. Lợi ích của hai người chơi tùy vào tín hiệu đưa ra và hành động phản ứng theo tín hiệu nhận được.

Trò chơi ra tín hiệu và cách phân tích vấn đề của lý thuyết trò chơi có thể được áp dụng để phân tích công tác định hướng viết KLTN và THTT. Từ phân tích này, chúng ta có thể rút ra được một số gợi ý cho công tác định hướng viết KLTN tại CSII.

Ra tín hiệu và quyết định lựa chọn viết THTT hay KLTN

Phân tích việc nhà trường định hướng cho sinh viên lựa chọn hình thức THTT hay KLTN và phản ứng của của sinh viên được phân tích bằng mô hình trò chơi ra tín hiệu như sau:

- Sinh viên hiểu rõ năng lực của mình sẽ quyết định thể hiện học vấn của mình thông qua việc lựa chọn nên viết THTT (T) hay KLTN (K) để tốt nghiệp. Giả định độ khó của việc hoàn thành KLTN lớn hơn nhiều so với THTT. Gọi học vấn của sinh viên là h.

- Nhà trường quan sát học vấn của sinh viên (h=T hoặc h=K) chứ không thể

quan sát được năng lực của sinh viên, rồi sau đó đưa ra mức điểm đánh giá. Gọi điểm đánh giá của nhà trường là d.

Để viết THTT hoặc KLTN, sinh viên phải dựa vào kết quả học tập thật sự (năng lực) của mình và các “chi phí” phải bỏ ra để viết THTT hoặc KLTN. “Chi phí” là công sức, tiền bạc, chi phí cơ hội và nó là hàm số của yếu tố kết quả học tập thật sự và học vấn muốn thể hiện c(n,h). Sinh viên sẽ cân nhắc giữa “chi phí” để viết THTT và KLTN với mức điểm đánh giá của nhà trường mà họ có thể đạt được, họ cân nhắc: d – c(n,h).

Điểm quan trọng ở đây là sinh viên có năng lực thấp hơn phải nhận thấy “chi phí” để thể hiện học vấn của mình tốn kém hơn những sinh viên có năng lực cao.

c(n,h) là chi phí để sinh viên có năng lực n thể hiện học vấn h. c(L,h) > c(H,h)

Đánh giá điểm đối với sinh viên, nhà trường dựa vào học vấn h của sinh viên để đánh giá năng lực n. Điểm được đưa ra sẽ là hàm số y(n,h), điểm của sinh viên có kỳ vọng năng lực n thông qua học vấn h, tất nhiên với giả định môi trường hoàn hảo.

Đánh giá là niềm tin của nhà trường về năng lực của sinh viên ứng với quan sát học vấn của sinh viên. Xác suất để niềm tin của nhà trường về năng lực cao (H) của sinh viên là p [p(H│h)]; điểm cuối cùng sinh viên nhận được sẽ là:

d(h) = p . y(H,h) + (1-p) . y(L,h)

Như vậy, sinh viên có năng lực n, sẽ quyết định học vấn h của mình sao cho h là nghiệm của bài toán:

Max y(n,h) – c(n,h)

Sinh viên sẽ phải tự dựa vào năng lực của mình để quyết định chọn h* = T hay

h* = K. Năng lực (n) của sinh viên là thông tin cá nhân. Trường hợp sinh viên tuy

có khả năng thấp nhưng muốn thể hiện năng lực cao thông qua chọn viết KLTN (h=K) thì bài toán được đưa về:

h* = K; n = L y* = [L, K(L)]

mà c(L,K) > c(H,K)

d(K) = p . y(H,K) + (1-p) . y(L,K)

Vậy, muốn đánh giá được đúng năng lực của sinh viên, nhà trường phải định hướng cho sinh viên ngay từ đầu lựa chọn h*=K hay h*=T. Công tác định hướng này có thể được tiến hành bằng cách nhà trường ra các tín hiệu trước khi sinh viên quyết định chọn giữa KLTN và THTT. Các tín hiệu của nhà trường phải đảm bảo: (1) (1-p) → min. (2) c(L,K) → max. (3) y(L,K) < y(H,K)

Đề xuất các nhóm tín hiệu mang tính định hướng

Định hướng chung cho công tác ra tín hiệu:

- Mục tiêu chung của việc ra tín hiệu: nâng cao chất lượng KLTN, giúp sinh viên có suy nghĩ chín chắn và quyết định đúng trong việc chọn KLTN hay THTT, thống nhất được cách chấm điểm trong đội ngũ giáo viên.

- Công cụ ra tín hiệu: tín hiệu có thể được nhà trường đưa ra bằng văn bản thông báo, tập trung thông báo, hướng dẫn tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên hướng dẫn, tình hình thực tế của các đợt tốt nghiệp.

- Cách thức ra tín hiệu: tín hiệu phải được phát ra công khai rộng rãi, tín hiệu phải được phát ra trước một khoảng thời gian đủ để nghiên cứu và cân nhắc.

- Nội dung tín hiệu phải rõ ràng, dễ hiểu, thống nhất, ít thay đổi.

Các nhóm tín hiệu:

a. Nhóm tín hiệu sàng lọc đối tượng viết KLTN: (1-p) → min

- Yêu cầu kết quả học tập cao mới được chọn viết KLTN, quy định điểm trung bình tích lũy phải đạt mức giỏi

- Các trường hợp kết quả học tập chỉ đạt mức khá, phải có tham gia hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của trường, có sản phẩm là đề tài tham gia các cuộc thi cấp trường trở lên.

- Các trường hợp khác, nếu thật sự mong muốn viết KLTN phải có đề tài quan tâm, đề cương trình hội đồng duyệt. Nếu đề tài hay, sẽ được viết KLTN.

b. Nhóm tín hiệu nâng cao chất lượng nội dung KLTN: c(L,K) → max

- Yêu cầu đối với KLTN:

+ phải là một vấn đề cụ thể, khuyến khích có nét mới.

+ phải có phương pháp nghiên cứu khoa học thật sự: hệ thống lý thuyết, phân tích số liệu, lượng hóa các nhận định, có điều tra, khảo sát...

+ tuân thủ nghiêm túc hình thức trình bày

+ KLTN phải được giáo viên hướng dẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung trước hội đồng chấm điểm

- Yêu cầu đối với sinh viên viết KLTN:

+ có chuẩn bị cho đề tài đã chọn: số liệu, thông tin, cách tiếp cận

+ có kế hoạch làm việc cụ thể với giáo viên hướng dẫn, báo cáo tiến độ hoàn thành với nhà trường.

+ tuân thủ các hướng dẫn của giáo viên hướng dẫn về mặt nội dung.

c. Nhóm tín hiệu đánh giá đúng chất lượng KLTN: y(L,K) < y(H,K)

- Cách tính điểm:

+ Điểm đạt – tương đương từ 5 - 7 điểm: không có nhận xét xấu từ giáo viên hướng dẫn, tuân thủ đúng yêu cầu đối với KLTN, hội đồng thống nhất đề tài đạt yêu cầu.

+ Điểm giỏi từ trên 7 điểm: sinh viên và giáo viên hướng dẫn giới thiệu những vấn đề tâm đắc trong KLTN, nếu hội đồng đồng ý sẽ tính điểm cộng lên để KLTN có điểm cao.

- Thang điểm: đề cao phần nội dung viết trong quyển KLTN, giảm bớt phần trình bày tại hội đồng, đánh giá cao những vấn đề sinh viên tìm tòi được từ KLTN.

- Trong buổi hội đồng chấm điểm, nên có mặt của cả giáo viên hướng dẫn, giáo viên hướng dẫn không tham gia cho điểm nhưng có quyền có ý kiến tranh luận.

d. Nhóm tín hiệu hỗ trợ:

- Công nhận giá trị của KLTN: được giữ lại trong thư viện làm tài liệu tham khảo, được ghi vào bảng điểm, có tờ kết quả của KLTN với nhận xét của hội đồng và giáo viên hướng dẫn kèm trong hồ sơ kết quả học tập của sinh viên

- Nâng hệ số của KLTN trong tổng điểm tích lũy

- Nâng mặt bằng chung của điểm THTT và thi tốt nghiệp lên - Đa dạng hóa vấn đề báo cáo trong THTT

Kết luận

Thực hiện tốt công tác định hướng đối với việc sinh viên chọn KLTN hay THTT không chỉ giúp cho nhà trường có được những KLTN có chất lượng mà còn giúp cho bản thân sinh viên tránh được những rủi ro có thể xảy ra do quyết định sai. Việc phân tích công tác định hướng theo mô hình trò chơi ra tín hiệu trong bài viết chỉ mới dừng lại ở mức định hướng cho công tác định hướng, cần nghiên cứu tìm ra các yếu tố cụ thể và mối tương quan giữa các yếu tố này trong các hàm số y(n,h) và

c(n,h).

Tài liệu tham khảo

1. J. Osborne, A course in Game theory, The MIT Press 1998.

2. Các quy định của Cơ sở II, Đại học Ngoại thương về viết khóa luận tốt nghiệp và thu hoạch thực tập.

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO THỰC TẬP-Nâng cao chất lượng hướng dẫn sinh viên viết luận văn khoa học (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w