Trẻ từ 3 - 4 tuổi thường thường vừa hoạt động vừa lẩm bẩm một mình, chẳng hạn như có một bé gái đóng giả bác sỹ tiêm thuốc cho búp bê và nói với nó "Em bị ốm rồi, chị sẽ tiêm thuốc cho em, đừng khóc nữa...". Còn một bé trai 5 tuổi khác đang chăm chú xem một cuốn truyện tranh, vừa xem vừa nói "chú thỏ trắng, sói độc ác đang đến đấy, xem mày chạy đi đâu? Mày nên chui vào hang nhỏ, con sói to như thế không thể ăn thịt được mày đâu". Có những ông bố bà mẹ không hiểu được quy luật phát triển tâm lý của bé, cho rằng bé ngốc nghếch, nhưng kỳ thực đó là những biểu hiện hết sức bình thường của hiện tượng lẩm bẩm một mình ở trẻ. Ngôn ngữ là quá trình tâm lý biểu đạt tư tưởng, quan điểm, tình cảm. Ngôn ngữ phân thành hai loại, đó là: ngôn ngữ bên ngoài có âm thanh và ngôn ngữ bên trong không có âm thanh, còn lời nói là dạng ngôn ngữ bên ngoài có âm thanh. Ngôn ngữ bên trong là dạng ngôn ngữ khi suy nghĩ, thầm lặng, so với ngôn ngữ bên ngoài, ngôn ngữ bên trong có mối quan hệ với tư duy logic trừu tượng và tính tự giác hành động của con người trực tiếp, mật thiết hơn. Ngôn ngữ bên trong nảy sinh hình thành trên cơ sở phát triển của ngôn ngữ bên ngoài. Hiện tượng lẩm bẩm một mình là hình thức quá độ từ trong quá trình chuyển hoá ngôn ngữ bên ngoài, là giai đoạn cần phải trải qua trong quá trình phát triển ngôn ngữ, đặt cơ sở nền móng cho sự phát triển nhanh chóng ngôn ngữ bên trong, để chuẩn bị cho bé bước vào tuổi đến trường.
Hiện tượng này có hai hình thức:
- Ngôn ngữ vui chơi giải trí: thường xuất hiện ở trẻ từ 3 - 4 tuổi, trẻ vừa chơi đùa vừa lẩm bẩm một mình, như trường hợp bé gái ở ví dụ trên đây. - Ngôn ngữ vấn đề: thường xẩy ra ở trẻ 5 tuổi, đây là dạng ngôn ngữ xuất hiện khi gặp khó khăn nào đó rồi nảy sinh hoài nghi, chẳng hạn như bé trai ở ví dụ trên, nó tự nêu ra vấn đề và tự giải đáp. Nói chung, từ 7 tuổi trở đi bé sẽ không còn tồn tại hiện tượng lẩm bẩm một mình nữa, nếu bé nào còn xuất hiện hiện tượng này thì bố mẹ phải đặc biệt chú ý.