Mút tay là thói quen thường gặp ở trẻ em, chủ yếu là trẻ sơ sinh chưa đầy tháng. Bé có thể mút bất cứ thứ gì mà bé chạm tới, đây là một phản xạ mút mang tính sinh lý. Có lúc trẻ còn cho cả bàn tay của mình vào trong miệng để mút. Tuy nhiên, chúng ta không nên lo lắng nhiều bởi khi trẻ lớn lên hiện tượng này sẽ tự mất đi. Trẻ chỉ mút tay khi không được bố mẹ quan tâm, chơi đùa cùng, hoặc
có nhu cầu nào đó khi không được thoả mãn. Dần dần nếu như người lớn không chú ý, mút tay sẽ trở thành thói quen của trẻ thậm chí đến khi trẻ đi học. Nếu trẻ cứ mút tay mãi cho đến khi răng non mọc sẽ ảnh hưởng đến lợi, răng mọc không đều, chức năng nghiền nát thức ăn giảm. Để giúp trẻ từ bỏ thói quen xấu này, điều quan trọng là trẻ phải được giáo dục từ nhỏ, được bố mẹ cho ăn đúng phương pháp, sẽ giúp hình thành một thói quen ăn uống điều độ. Cơ chế ăn uống điều độ này sẽ giúp trẻ không cảm thấy đói, hạn chế phần nào việc mút tay của trẻ. Khi đó nếu như buổi tối mà trẻ dù có khóc đòi ăn thì cũng không cho trẻ mút tay, hoặc mút sữa hộp để trẻ ngừng khóc. Bởi lẽ thường tình về mặt tâm lý tình cảm của trẻ mà nói, khi nào trẻ muốn cần phải được đáp ứng kịp thời, không nên quát mắng trẻ, hoặc càng không nên bôi thuốc đắng lên đầu ngón tay trẻ hoặc đeo găng tay cao su cho trẻ để trẻ bỏ thói quen mút tay. Suy cho cùng tất cả những biện pháp đó của người lớn đều không hiệu quả và lại càng không hợp lý đối với trẻ con. Cách tốt nhất là chúng ta hãy làm phân tán sự tập trung của trẻ bằng cách có thể vui đùa cùng trẻ, dần dần vài lần trẻ sẽ tự từ bỏ thói quen đó lúc nào không biết. Điều quan trọng là người lớn phải kiên trì dạy dỗ, giáo dục trẻ đúng phương pháp nhất định trẻ sẽ thay đổi thói quen đó.