Quan sát biểu hiện tình cảm của trẻ

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 30)

Chúng ta đều biết quan sát là một bước không thể thiếu để tiến hành giáo dục trẻ. Thầy cô giáo và cha mẹ phải học cách quan sát từng hành vi lời nói, hứng thú, sở thích hay những thay đổi về tình cảm của con trẻ. Đặc biệt, tình cảm có ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của mỗi người. Cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện tình cảm, đặc biệt là những tình cảm không vui của con như sự tức giận, bi thương, thất vọng hay sợ hãi…

Thứ nhất: Cần quan sát và hiểu rõ trạng thái tình cảm của trẻ

Cha mẹ cần kịp thời, tỉ mỉ quan sát những thay đổi tình cảm của con cái. Khi phát hiện thấy trẻ nổi giận hay buồn bã mà không rõ lý do, cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu xem trong cuộc sống hàng ngày của chúng đã xảy ra chuyện gì, đồng thời hướng dẫn trẻ cách biểu đạt những tình cảm đó.

Có một lần, thầy giáo Vương phát hiện thấy một học sinh khi đến lớp có biểu hiện hết sức buồn bã, cả buổi sáng ngồi trong lớp cũng không vui lên được chút nào. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thầy giáo được biết, thì ra sáng hôm đó trước khi lên lớp em học sinh đã bị cha đánh đòn. Buổi chiều khi cha của học sinh này đến đón con, thầy giáo Vương đã nói chuyện với ông. Về sau, em học sinh đó không còn bị cha mẹ đánh, cũng không buồn bã nữa. Sự chú ý, quan tâm của cha mẹ dành cho con cái có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ. Cha mẹ chỉ lơ là một chút là có thể khiến đứa trẻ trở nên mặc cảm, lạnh nhạt, thích sự cô độc hoặc hay lo lắng, khi lớn lên tình cảm không ổn định, tính cách yếu đuối, thiếu lòng tự tin và khả năng thích ứng với khó khăn… Cha mẹ nên thường xuyên chú ý đến các vấn đề của con cái để kịp thời hướng dẫn, uốn nắn tình cảm và tâm lý của trẻ.

Thứ hai: Cần quan sát tình cảm của trẻ, giúp trẻ có được nhận thức đúng đắn, xóa bỏ những tình cảm không tốt

Do mức sống của con người ngày càng được nâng cao, một số bậc cha mẹ chỉ chú ý đến đời sống vật chất của con cái mà coi nhẹ trạng thái tình cảm của chúng. Một số người khác lại không để ý đến những tình cảm không vui của trẻ, tin rằng tình cảm của chúng sẽ tự tốt lên, nhưng kết quả không được như mong muốn. Trên thực tế, trẻ em cần cha mẹ giúp đỡ để hiểu rõ về tình cảm của mình, loại bỏ những tình cảm không tốt. Cần chú ý đến tình cảm của con cái, hướng dẫn và giáo dục trẻ một cách đúng đắn để con bạn phát triển lành mạnh.

Thứ ba: Cần chú ý lắng nghe tâm sự của con cái, xác nhận tình cảm của chúng

Cha mẹ cần chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của con cái, bao gồm nét mặt và tư thế, để hiểu được tình cảm của chúng. Hãy để con trình bày những tình cảm hoặc cảm giác trong lòng của chúng. Có một điều cần phải chú ý là trẻ em cũng sẽ quan sát ngôn ngữ cơ thể của cha mẹ.

Do vậy, cha mẹ có thể giữ một thái độ bình tĩnh nhưng chăm chú để nói chuyện với con: “Nhìn con hôm nay có vẻ hơi mệt phải không?”. Sau đó đợi con bạn có phản ứng thì có thể tiếp tục: “Con hãy nói cho cha mẹ biết con đang cảm thấy thế nào?” để dẫn dắt trẻ nói ra những cảm xúc trong lòng mình, ví dụ như cảm thấy tức giận, không thoải mái, khó chịu… sau đó tiếp tục để trẻ kể lại sự việc đã xảy ra.

Thứ tư: Giúp trẻ biểu đạt tình cảm bằng ngôn ngữ

Khi cha mẹ thấy con mình đang khóc hoặc có những biểu hiện tình cảm không vui thì có thể đến an ủi trẻ với thái độ đồng tình, dùng những lời lẽ như “con cảm thấy rất buồn phải không”, “mẹ rất buồn khi nhìn con khóc”, “con à, mẹ thấy con có vẻ đang rất tức giận”… Những lời nói đầy sự cảm thông và quan tâm này không những giúp đứa trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ mà còn dạy chúng cách dùng lời nói để biểu đạt tình cảm của bản thân.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, nếu con người có thể dùng lời nói thích hợp để biểu đạt tình cảm của mình thì sẽ thấy nhẹ nhõm hoặc bình tĩnh hơn. Một điều cần chú ý ở đây là không phải cha mẹ nói cho con biết làm thế nào để diễn tả tình cảm của mình, mà cần để chúng tự tìm ra ngôn từ biểu đạt tình cảm của mình dưới sự giúp đỡ của cha mẹ. Trẻ em cũng giống như người lớn, cùng một lúc có thể có nhiều cảm xúc khác nhau. Cha mẹ nên giúp chúng = hiểu điều này là hết sức bình thường, ví dụ, có thể nói rằng: “Cha mẹ biết con rất thích tham gia vào đội bóng, nhưng con cũng cảm thấy hơi sợ hãi, phải không?”.

Thứ năm: Cùng bàn bạc với trẻ để tìm ra cách giải quyết

Trước hết cần để trẻ hiểu rằng, không phải tình cảm mà là hành vi có ảnh hưởng đến diễn biến sự việc. Đây là điểm mấu chốt giúp con bạn tiến bộ và trưởng thành. Tiếp theo cần hướng dẫn trẻ cùng bàn bạc với người lớn để tìm ra cách giải quyết. Nếu sau này gặp phải một sự việc giống như vậy thì nên làm thế nào, hoặc làm thế nào để ngăn không cho những sự việc như vậy tiếp tục xảy ra. Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Con có biết sau này phải làm thế nào để em không xé sách của con nữa không? Em lấy đồ của con khiến con rất tức giận, nếu là mẹ thì mẹ cũng sẽ tức giận, nhưng con đánh em như vậy là không đúng. Hai mẹ con mình hãy nghĩ xem có cách giải quyết nào khác hay không?”.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w