Chỉ bảo, dẫn dắt không để con yêu đương quá sớm

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 61)

Yêu sớm là vấn đề mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có khả năng gặp phải. Sau khi bước vào giai đoạn dậy thì, suy nghĩ và trạng thái sinh lý của trẻ có những thay đổi rất lớn, nhưng do trẻ bị hạn chế về mặt tuổi tác, hiểu biết về cuộc sống chưa nhiều, thiếu khả năng suy nghĩ cần thiết nên phần lớn là hành động theo cảm tính. Nếu bạn khác giới có những biểu hiện nổi trội và xuất sắc, ví dụ như học giỏi, xinh xắn, có sở trường… sẽ khiến trẻ nảy sinh tình cảm ngưỡng mộ. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến, cha mẹ không nên quá lo lắng, điều quan trọng là phải làm tốt công việc hướng dẫn, giúp trẻ trưởng thành một cách lành mạnh và vui vẻ. Cuối tuần, gia đình ông bà Henry và Julie tổ chức một buổi tiệc dành riêng cho cô con gái Jenny 13 tuổi của họ. Jenny là một cô bé xinh xắn dễ thương. Tối nay Jenny lại trang điểm đẹp, đứng đón tiếp khách khứa rất lịch sự và nhiệt tình.

Khó có thể tưởng tượng được trước đây Jenny vốn là một cô bé cả ngày không có một biểu lộ tình cảm nào. Vậy nguyên nhân gì đã khiến Jenny trở thành một cô gái hiểu biết? Mẹ của Jenny nói, đó là do cô bé thần tượng anh John. John là thầy giáo dạy võ của Jenny, hơn cô bé 8 tuổi. Đó là một chàng thanh niên đẹp trai tuấn tú, Jenny đã phải lòng John ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tại bữa tiệc, Jenny liên tục mong ngóng sự xuất hiện của John, nhưng hết lần này đến lần khác đều thất vọng.

Cuối cùng John cũng gọi điện tới, nói có việc gấp nên không thể tới được. Jenny bật khóc. Bà Julie liền ôm con gái vào lòng, dịu dàng an ủi: “John có việc nên không đến được, con gái ngoan, hãy làm một cô gái biết thông cảm cho người khác nào”. Jenny cho dù rất thất vọng nhưng nhờ có sự khuyên giải của mẹ nên đã bình tĩnh lại. Trên thực tế, tại nước Mỹ, những bậc cha mẹ thành công là những người không quản lý con cái quá nghiêm khắc. Đối với sự giao du của con với bạn khác giới, họ coi là chuyện đương nhiên nhưng vẫn có những nguyên tắc nhất định.

Đối với việc Jenny có bạn trai, cha mẹ cô bé đã nắm vững hai nguyên tắc:

Thứ nhất là không để cho Jenny và người bạn trai kia ở một mình cùng nhau, đề phòng xảy ra chuyện không hay. Bà Julie cùng tham gia với con gái trong lớp võ thuật của John. Jenny cũng bằng lòng để mẹ mình cùng gặp John hoặc những người bạn trai khác, từ trước đến nay chưa từng giấu diếm mẹ tâm sự của mình. Mối quan hệ giữa hai người vừa là mẹ con, vừa là bạn tốt. Bà Julie nói, để đạt được điều này thì cần hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Thứ hai là họ chưa từng dùng những biện pháp cứng rắn để ngăn cản chuyện tình cảm của con gái, luôn kiên nhẫn giúp con gái hướng sự chú ý vào việc khác. Đối với những đứa trẻ yêu sớm, cha mẹ cần chia sẻ, tâm sự với con, âm thầm giúp đỡ chúng vượt qua những khó khăn về tình cảm.

Cùng với sự lớn lên về tuổi tác của con cái, cha mẹ cần tin rằng chúng sẽ từng bước trưởng thành, sớm loại bỏ những tình cảm non nớt này, tìm được người bạn đời đích thực của mình.

Ngược lại, nếu lúc này cha mẹ quản lý con cái quá nghiêm khắc hoặc dùng những phương pháp không phù hợp thì trẻ dễ nảy sinh tâm lý chống đối, không mở lòng với cha mẹ, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như bỏ nhà đi.

Cách giáo dục và quan niệm của người Mỹ có tác dụng giúp con cái trở thành những người có tính cách rộng rãi, tự lập, có chủ kiến và tính sáng tạo.

Nhưng ở nước ta, không ít bậc cha mẹ luôn đề phòng mối quan hệ giữa con mình và những người bạn khác giới, ví dụ như lục cặp sách, xem trộm nhật ký, nghe trộm điện thoại của con. Khi phát hiện thấy một chút dấu hiệu nào đó thì lo lắng phiền muộn, tìm đến hỏi han thầy cô và bạn bè của con, sau đó thì thực hiện một loạt các biện pháp dạy dỗ, quản lý và hạn chế con. Thông thường những việc làm này sẽ dẫn đến xung đột không dứt trong gia đình, khiến đứa trẻ thấy tình cảm bị chèn ép, tìm cách tránh xa cha mẹ, thậm chí rơi vào con đường phạm pháp.

Yêu sớm cũng giống như một đóa hoa hồng có gai, con người ta thường bị thu hút bởi mùi thơm của nó nhưng khi sờ vào thì sẽ bị những cái gai sắc nhọn vô tình đâm phải. Tuy vậy con trẻ không hiểu biết những điều này, bởi thế cha mẹ khi đối diện với thời kì dậy thì của con cái cần thực hiện những điều sau:

Tận tâm chú ý, quan sát tỉ mỉ những thay đổi dù nhỏ nhất của con trong giai đoạn dậy thì. Khi phát hiện thấy có vấn đề thì cần kịp thời xử lý một cách bình tĩnh.

Khi thấy thầy cô giáo phản ảnh con mình viết thư cho bạn trai, bạn gái hoặc quá thân mật với một bạn khác giới nào đó, hoặc phát hiện thấy con có điều bí mật thì cha mẹ không nên ngạc nhiên hay lo lắng mà phải bình tĩnh đối diện với sự trưởng thành của con, cùng trò chuyện tâm sự với con một cách có nghệ thuật và chiến lược, tránh gây ra “hiệu ứng đàn hồi” – càng ép nhiều thì lực chống lại càng lớn.

Dựa trên cơ sở tin tưởng và thấu hiểu để hướng dẫn trẻ, tuyệt đối tránh những hành vi thô bạo, đàn áp, đặc biệt không được nhục mạ trẻ hoặc người bạn khác giới của trẻ ngay trước mặt con.

Do trẻ còn chịu hạn chế về tuổi tác và sự từng trải nên chưa phân biệt được rõ ràng giới hạn giữa “yêu” và “thích”, thêm vào đó, tình cảm của chúng thiếu tính ổn định và tiêu chuẩn đánh giá người khác còn rất phiến diện. Nhưng cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của tình cảm thuần khiết, không mang chút tư lợi giữa chúng. Có thể nói, “tình yêu” của chúng chỉ là thứ tình cảm được xây dựng trên cơ sở của “sự yêu thích, hợp nhau và có cảm tình với nhau”. Bởi vậy, trước việc con cái yêu sớm, cha mẹ nên có thái độ khoan dung và tin tưởng, cho trẻ thời gian và không gian để tự suy nghĩ, tự nhận thức; chỉ bảo, hướng dẫn trẻ một cách khéo léo, tế nhị.

Tĩnh Tĩnh năm nay 16 tuổi, một hôm ấp a ấp úng mãi mới nói được với mẹ rằng mình đang thích một cậu bạn cùng lớp. Bà mẹ đã trả lời con một cách rất thân mật: “Con lớn rồi, mẹ cũng mừng cho con. Thật là hay, ngày trước, khi mẹ bằng tuổi con cũng thích một bạn trai trong lớp. Nhưng lý trí của mẹ khi đó đã chiến thắng, để rồi khi học đại học đã gặp được cha của con. Con không cảm thấy cha mẹ hiện nay rất hạnh phúc sao?”. Cô con gái khi thấy mẹ trả lời như vậy thì vừa kinh ngạc vừa vui mừng đáp lại rằng: “Ở lớp con có nhiều bạn vì chuyện này mà bị cha mẹ mắng, riêng mẹ của con thật là tốt. Con hiểu rồi, mẹ yên tâm nhé”. Từ đó, Tĩnh Tĩnh dần lấy lại được sự hoạt bát, hiếu động của mình, đồng thời tập trung tâm trí vào việc học, thành tích học tập ngày càng tiến bộ.

Mẹ của Tĩnh Tĩnh đã dùng cách hết sức mềm dẻo để gỡ rối cho con gái, giúp cô bé trút bỏ gánh nặng, tiếp tục học tập và vui chơi một cách thoải mái. Người mẹ không tăng thêm áp lực cho con cái, cũng không cảm thấy phiền muộn, cách làm này thật đáng để học tập.

Bình tĩnh đối mặt với việc con cái yêu sớm, giải quyết những phiền muộn ở tuổi trưởng thành của con một cách khoa học.

Yêu sớm là phản ứng tâm sinh lý thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Người mà chúng thích thường là đối tượng mà chúng ngưỡng mộ. Bởi vậy, cha mẹ không nên sợ hãi, lo lắng, cũng không nên chỉ trích, cấm đoán con. Điều cần làm là hướng dẫn con một cách đúng đắn, giúp trẻ có được sự nhận thức và lý giải đầy đủ về chuyện tình cảm này. Ví dụ, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Con đã lớn rồi, cũng biết yêu, điều này khiến cha mẹ cũng thấy vui. Người mà con yêu nhất định là một người xuất sắc, ưu tú. Cha mẹ hy vọng con cũng có thể trở thành một người tài giỏi như thế, như vậy người khác mới có thể yêu con được”. Động viên trẻ thường xuyên tâm sự với cha mẹ.

Cha mẹ cần tạo cho trẻ một bầu không khí gia đình thoải mái, bình đẳng, khiến trẻ chủ động tâm sự với cha mẹ, nói ra cảm xúc, cách nghĩ, nhận thức và dự định đối với tương lai của mình. Điều này không những có lợi cho việc cha mẹ nắm được mức độ phát triển của sự việc cũng như hiểu một cách toàn diện tư tưởng và cảm xúc của con cái, mà còn có lợi cho trẻ trong việc sắp xếp tình cảm và suy nghĩ của mình. Nhưng cần chú ý, khi lắng nghe trẻ tâm sự, cha mẹ không nên đưa ra bất kỳ sự bình luận nào làm gián đoạn câu chuyện của chúng.

Cha mẹ cần biểu đạt với trẻ những lo lắng và ý kiến của mình về đời sống tình cảm của chúng. Nguyên nhân cơ bản nhất khiến cha mẹ lo lắng con yêu sớm là vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập. Nhưng trên thực tế cha mẹ không thể bàn đến vấn đề yêu sớm của con chỉ từ góc độ học tập. Con cái yêu sớm là sự nhắc nhở đối với cha mẹ rằng chúng vẫn chưa có được quan niệm chín chắn về tình yêu, cha mẹ cần giáo dục và hướng dẫn chúng. Động viên con tham gia các hoạt động tập thể để làm sao nhãng chuyện yêu đương của chúng.

Cần làm sao nhãng, phân tán sự chú ý của trẻ về giới tính, động viên chúng thường xuyên tham gia vào các hoạt động tập thể là một lựa chọn khôn ngoan. Trong các hoạt động này, trẻ có thể mở rộng phạm vi kết bạn, tăng cường nhận thức, kinh nghiệm xã hội và khả năng tự khống chế của bản thân.

Thông qua bàn bạc, hướng dẫn trẻ tiếp thu yêu cầu của cha mẹ đối với tình cảm giữa chúng và bạn khác giới.

Cha mẹ và trẻ có thể cam kết với nhau một vấn đề nào đó, ví dụ như không được hẹn hò ở những nơi vắng vẻ, tối tăm; khi hẹn hò cần chú ý đến lời nói cử chỉ của bản thân, không được có những hành vi không phù hợp với lứa tuổi học sinh; không được hạn chế phạm vi giao tiếp chỉ trong mối quan hệ giữa hai người mà cần đảm bảo thời gian dành cho mọi người xung quanh. Khi cam kết cần cho trẻ hiểu mục đích của những việc này không phải để hạn chế tự do của chúng mà xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn bảo vệ chúng.

Yêu sớm không hoàn toàn là một việc xấu. Trong quá trình giao tiếp với bạn khác giới, trẻ có thể học được rất nhiều điều hay ở bạn, đồng thời còn học được cách quan tâm, giúp đỡ đối phương, cảm nhận được niềm vui từ những việc này. Ngoài ra, thực tế đã chứng minh tình cảm đó của trẻ phần lớn không kéo dài được bao lâu, sau một thời gian “nồng thắm” sẽ dần lạnh nhạt đi, còn thực sự đạt đến “tình yêu” thì chỉ là một số hiện tượng cá biệt, và đây cũng chưa chắc là một việc xấu. Bởi vậy cha mẹ phải thấu hiểu, quan tâm, bảo vệ con, giúp chúng cảm nhận được tình cảm ấm áp của cha mẹ khi gặp phải những khó khăn của tuổi trưởng thành.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w