. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu
3. Không nên để yêu thương trở thành gánh nặng của con
Một cuộc điều tra cho thấy, rất nhiều trẻ em không thích được cha mẹ quá yêu chiều, cha mẹ quá yêu chiều con vô hình trung đã tạo ra áp lực rất lớn cho trẻ. Đương nhiên, cha mẹ yêu con không có gì sai, nhưng yêu như thế nào mới là đúng đắn? Vấn đề này rất nhiều cha mẹ chưa từng nghĩ tới.
Làm thế nào để tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất, làm thế nào để trẻ cảm nhận được niềm vui của học tập? Đây là vấn đề các bậc cha mẹ cần quan tâm.
Tình yêu đôi lúc cũng là gánh nặng
Nhiều lúc cha mẹ ngộ nhận rằng tình yêu của mình dành cho con cái thật vĩ đại và vô tư, nhưng họ lại quên mất rằng: yêu cũng cần phải chú trọng cách thức, nếu không tình yêu sẽ biến thành gánh nặng cho trẻ.
Có một bà mẹ mong muốn con gái mình tài giỏi hơn người ở mọi phương diện, bởi vậy từ khi con còn rất nhỏ bà đã có những yêu cầu vô cùng nghiêm khắc. Để con gái có được môi trường học tập tốt nhất, bà không bắt con làm bất cứ việc gì. Bà luôn cho rằng con gái sẽ rất cảm kích về chuyện đó, nhưng không ngờ một hôm cô bé vừa khóc vừa nói với mẹ: “Mẹ cho rằng thay con sắp đặt tất cả mọi việc cho con là tốt nhất, nhưng mẹ đã bao giờ suy nghĩ xem cảm nhận của con như thế nào? Mẹ có biết mẹ làm như vậy khiến con phải chịu áp lực rất lớn. Ngày nào con cũng phải ra sức cố gắng, chỉ sợ có chỗ nào đó làm không tốt lại phụ lòng mong mỏi của mẹ, ngày nào con cũng thấy mệt mỏi, những việc này mẹ có biết không?”. Bà mẹ không thể ngờ tình yêu của mình lại trở thành gánh nặng cho con gái. Từ câu chuyện trên có thể thấy, đôi lúc tình yêu lại có thể gây hại. Trẻ có suy nghĩ của riêng chúng, cha mẹ nên tạo cho con mình không gian học tập và sinh hoạt thật thoải mái, để chúng phát triển một cách toàn diện. Những đứa trẻ được cha mẹ làm thay tất cả mọi việc sẽ thiếu năng lực tự động viên bản thân, tính sáng tạo và óc tưởng tượng lâu ngày bị đè nén, cũng không có tính hiếu kỳ mạnh mẽ như các bạn đồng trang lứa, quan trọng hơn là không biết cách phát hiện giá trị bản thân, không tự tin, tất cả những điều này đều không có lợi cho sự phát triển của trẻ sau này.
Không được làm bảo mẫu của trẻ
Trong xã hội hiện đại, việc cha mẹ học cùng con cái đã không có gì mới. Khi các trường học lần lượt khai giảng thì cha mẹ cũng đi cùng con. Có người sợ con mình không biết tự chăm sóc bản thân, có người vì muốn đôn đốc việc học hành của con cái, có người lại tình nguyện đi theo để động viên, khích lệ con. Họ được gọi là những bậc cha mẹ đi học cùng con. Họ cảm thấy yên tâm, nhưng con họ lại không thấy vui vẻ chút nào.
Năm nay Minh bắt đầu học cấp 3, lẽ ra đây là một chuyện đáng vui mừng, nhưng cách làm của cha mẹ lại khiến cô bé cảm thấy không thể chấp nhận. Thì ra ngôi trường mà cô bé chuẩn bị đến học là một trường nội trú, tất cả việc ăn ngủ đều ở trong trường, nhưng cô bé từ nhỏđã là “bảo bối” của cha mẹ, chưa từng rời khỏi nhà nửa bước nên cha mẹ cô bé rất không yên tâm, sợ cô bé ở trường không biết tự chăm sóc bản thân, còn sợ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu của các bạn. Vậy là sau khi bàn bạc kỹ, cha mẹ cô bé quyết định sẽ thuê một căn phòng nhỏ ở gần trường, người mẹ chuyển đến đó để chăm lo việc ăn ở cho con gái. Tuy Minh không muốn như vậy nhưng làm thế nào để thuyết phục được bố mẹ vốn rất cố chấp? Mẹ cô bé đã trở thành người đi học cùng con. Hàng ngày Minh đều được ăn những món hợp khẩu vị của mình, không phải quan tâm lo lắng đến bất kỳ việc gì, khiến các bạn khác vô cùng ngưỡng mộ, nhưng bản thân cô bé lại không thấy vui mừng chút nào bởi mẹ cô bé đặt ra yêu cầu vô cùng nghiêm khắc, tan học xong không được đi chơi với các bạn, không được quá thân mật với các bạn trai. Những điều lệ, quy tắc này khiến cô bé thấy vô cùng khó chịu. Một thời gian sau, kết quả học tập của Minh ngày càng đi xuống. Việc này khiến cô bé có ý định bỏ học.
Cha mẹ thường cho rằng con cái chưa hiểu biết, không thể tự giải quyết vấn đề, bởi vậy việc gì cũng làm thay chúng, tưởng rằng như vậy sẽ khiến chúng biết ơn cha mẹ, sau đó lại lợi dụng tình yêu của con dành cho cha mẹ để đạt được mục đích của mình. Tình yêu như vậy liệu có được coi là vô tư không?
Nếu yêu con thì cần dành cho con không gian tự do riêng, không nên dùng tình yêu của mình để bao bọc chúng. Yêu con không phải là đáp ứng một cách vô điều kiện mọi yêu cầu của trẻ, cần trò chuyện một cách chân thành với con, rèn luyện cho chúng khả năng đối phó với phong ba bão táp trong cuộc đời, để chúng từng bước trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần.