Thường xuyên khen ngợi và cổ vũ động viên con

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 25)

Một số bậc cha mẹ thường dùng biện pháp cố tình đánh giá thấp con để dạy dỗ chúng. Họ cho rằng không nên khen ngợi con, khen ngợi sẽ khiến chúng không chịu cố gắng. Nhưng thực tế không phải như vậy, đôi lúc chỉ một câu cha mẹ thuận miệng nói ra có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời đứa trẻ.

Lưu Mẫn là một cô bé đáng yêu nhưng rất thiếu tự tin vào bản thân. Một lần, tại lớp học thêm tiếng Anh, Lưu Mẫn đã ôm lấy cô giáo mà khóc. Sau khi trò chuyện cô giáo được biết, mẹ của Lưu Mẫn là một người theo đuổi sự toàn diện, từ trước đến nay bà chưa từng khen ngợi con gái. Khi Lưu Mẫn đạt thành tích đứng thứ hai của lớp, bà cũng chỉ cho rằng con gái mình cần cố gắng hơn nữa để được đứng đầu. Dường như bà không nhìn thấy ưu điểm mà chỉ thấy toàn khuyết điểm của con gái. Lâu dần Lưu Mẫn đánh mất sự tự tin vào bản thân. Thật ra cô bé mới đang học lớp 4, chuẩn bị lên lớp 5, là một đứa trẻ rất thông minh, chỉ đôi lúc không được cẩn thận. Cách làm của mẹ Lưu Mẫn không có lợi cho sự trưởng thành của cô bé, thậm chí còn có thể dẫn tới tâm lý buông xuôi ở trẻ.

Cô giáo đã lấy một loạt ví dụ về việc Lưu Mẫn học rất khá môn tiếng Anh, như nhớ kỹ từ mới, viết câu rõ ràng, đọc bài khóa lưu loát… để giúp cô bé lấy lại tự tin. Về sau cô giáo còn đến nói chuyện với cha mẹ của Lưu Mẫn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khen ngợi và động viên trẻ, không nên yêu cầu quá toàn diện. Cha mẹ của Lưu Mẫn đã tiếp thu ý kiến của cô giáo và bắt đầu khen ngợi, động viên con gái mình.

Dần dần Lưu Mẫn đã lấy lại được sự tự tin, kết quả học tập cũng ngày càng cao. Lòng tự trọng của trẻ em rất lớn, bởi vậy chúng đặc biệt cần sự công nhận, động viên và khen ngợi của cha mẹ, cần cha mẹ cho chúng lòng tự tin. Dù cha mẹ có dạy dỗ con cái phải noi gương người khác thì cũng cần chú ý đến phương pháp giáo dục, ví dụ, khi muốn con học tập những đứa trẻ khác thì nên nói rằng: “Trong lòng cha mẹ con đã rất giỏi rồi, nhưng nếu về lĩnh vực này con có thể làm tốt như bạn X thì sẽ càng giỏi hơn”. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận và từ đó cố gắng để tiến bộ hơn. Sự khen thưởng và động viên của cha mẹ là cơ sở giúp con cái đi tới thành công. Khi bé Minh mới được 1 tuổi 5 tháng, mẹ đã bắt đầu dạy bé học viết chữ. Người mẹ sau khi viết xong chữ mẫu lên giấy thì để bé Minh tập viết theo từng nét một. Thời gian mới bắt đầu luyện tập, bàn tay của bé Minh cầm bút còn chưa chắc, chữ to nhỏ không đều nhưng lại rất sinh động và thú vị. Cậu bé còn vừa viết chữ vừa đọc ê a: “A, cờ a ca huyền cà, cờ a ca sắc cá…”.

Tuy vậy, khi nhìn vào những gì cậu bé viết ra chỉ thấy toàn những nét nguệch ngoạc. Mặc dù vậy, mẹ của cậu bé không bao giờ cười nhạo con, hơn nữa còn không ngừng tán dương đứa trẻ: “Giỏi quá! Con của mẹ thật giỏi, hơn mẹ hồi bé rất nhiều! Con chắc chắn có thể viết đẹp hơn thế nữa…”. Những lời động viên khen ngợi này của mẹ làm cậu bé càng tích cực và chủ động học viết,

hơn nữa còn mang “tác phẩm” của mình ra cho mẹ xem và nhận xét, người mẹ sau mỗi lần khen ngợi những “tác phẩm” này đều đem chúng cất vào một chỗ, để sau này mang ra so sánh sự tiến bộ của con.

Năm 3 tuổi, bé Minh đã tự vẽ một bức tranh rồi vui vẻ mang tới cho cha mẹ xem, còn giải thích rằng: “Con vẽ rất nhiều ngôi nhà để cha mẹ ở”. Cha của cậu bé xem xong bèn cười mà nói rằng: “Nhà không phải vẽ như vậy mà phải vẽ như thế này…”. Không ngờ cậu bé trả lời: “Con không vẽ theo ý cha, đây là nhà do con sáng tạo ra!”. Câu trả lời của cậu bé khiến cha mẹ vừa kinh ngạc vừa vui mừng.

Đôi lúc một lời khen ngợi của cha mẹ có thể là động lực vô hạn giúp con trẻ cố gắng sáng tạo. Bởi vậy cha mẹ phải chú ý, những gì mà con cái cần không phải là sự giáo dục sách vở khô cứng mà là những lời động viên và khen ngợi. Chúng góp phần làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thêm gần gũi thân mật. Chỉ một câu khen ngợi của cha mẹ, một ánh mắt động viên hay sự quan tâm chăm sóc của người thân có thể mang đến cho đứa trẻ niềm vui sướng vô bờ.

Mỗi đứa trẻ đều có tài năng bẩm sinh. Cha mẹ nên cảm thấy tự hào và vui mừng trước khả năng sáng tạo của trẻ. Mẹ của bé Minh trong câu chuyện nói trên luôn chú trọng đến việc rèn luyện trí tưởng tượng của con, không mang những khuôn mẫu nhất định ra để hạn chế con. Người mẹ đã không nói với đứa bé rằng con viết thế này không đúng mà phải viết thế kia, ngược lại còn tạo điều kiện để trí óc của đứa trẻ được mặc sức tưởng tượng. Khen thưởng và động viên là động lực kích thích sự sáng tạo của trẻ.

Thế giới của trẻ vốn đơn giản nhưng cũng tràn đầy màu sắc. Trẻ luôn mong muốn được cha mẹ khẳng định và động viên. Chúng thậm chí có thể chỉ vì một lời khen ngợi của người lớn mà cố gắng nỗ lực để tạo ra cái mới, mong muốn được thể hiện sức sáng tạo của bản thân trong những năm tháng tuổi thơ.

Gia đình anh Trương có hai cậu con trai sinh đôi năm nay lên 5 tuổi, đều rất đáng yêu. Cả hai đều đang học lớp mẫu giáo. Cậu anh Lạc Toàn tính tình hiền lành, còn cậu em Chí Toàn lại rất hiếu động. Cả hai anh em không những có vẻ ngoài rất dễ thương mà còn vô cùng ngoan ngoãn, ăn nói lễ phép, mọi người ai cũng yêu quý. Một hôm, có cô Ngô là đồng nghiệp của mẹ đến nhà chơi, hai anh em đang ngồi gấp giấy màu bèn gọi: “Cô ơi, cô mau đến xem, hai anh em cháu đang gấp cá vàng”. Chí Toàn giơ cao con cá vàng lên cho cô Ngô xem, dường như chờ đợi lời khen tặng dành cho “kiệt tác” của chúng. “Vậy đưa cho cô xem nào”, cô Ngô vừa cười vừa trả lời bọn trẻ. Con cá vàng được gấp rất tỉ mỉ, sinh động như thật vậy, cho thấy lũ trẻ đã rất cẩn thận.

“Cá vàng đẹp quá, xem ra Lạc Toàn và Chí Toàn của chúng ta đều đã trở thành những nghệ nhân rồi!”.

“Cô ơi, chúng cháu đã gấp theo mẫu ở trong sách đấy ạ”. Cậu anh Lạc Toàn khiêm tốn trả lời. “Như vậy cũng rất giỏi, các cháu có thể gấp được những con cá vàng đẹp thế này là rất giỏi rồi! Cô thích lắm, nếu có thể xâu chúng lại thành một chuỗi chắc còn đẹp hơn nữa”. Cô Ngô nói xong bèn đi sang phòng bên cạnh, một lát sau đã thấy hai anh em đứng bên cạnh cô, trên tay mỗi đứa đều có một xâu cá vàng giấy, những con cá đủ màu sắc được xâu lại bởi một sợi dây màu đỏ, lấp lánh trong ánh đèn thật đẹp. “Cô ơi, chúng cháu tặng cô cái này ạ!”. Lạc Toàn vui vẻ nói. “Cháu và anh còn mang theo băng dính để giúp cô dán lên giá sách nữa”. Hai anh em vừa nói vừa dán hai dây cá vàng lên hai bên giá sách.

Một chuyên gia tâm lý để dạy học sinh của mình biết cách coi trọng và tin tưởng người khác đã yêu cầu các em học sinh đứng trước lớp khen ngợi các bạn khác. Mười mấy năm sau, những học sinh này đều trở thành những người thành công trong xã hội. Các bậc cha mẹ xin đừng tiết kiệm lời khen, hãy dành cho con bạn thêm nhiều sự khen thưởng và động viên hơn!

Tuy nhiên, có một số bậc cha mẹ lại không biết cần phải khen ngợi và động viên con như thế nào. Trên thực tế, dù khen ngợi con trẻ hay người lớn đều cần nắm vững một số kỹ xảo nhất định.

Thứ nhất, không được khen ngợi quá lời.

Ví dụ, khi con bạn vẽ một bức tranh rất đẹp thì cần phải khen ngợi đứa trẻ, sau đó tiếp tục nói ra những suy nghĩ thật sự trong lòng mình. Tuyệt đối tránh những câu nói kiểu như: “Con vẽ tranh đẹp hơn hẳn các bạn khác”.

Trẻ em một khi đã bước vào môi trường cạnh tranh, sau khi so sánh sẽ phát hiện thực tế có nhiều bạn khác vẽ đẹp hơn mình, từ đó chúng sẽ nghi ngờ năng lực bản thân, đồng thời tự tạo cho mình áp lực không cần thiết.

Thứ hai, cần khen ngợi kịp thời, động viên phải có sự khác biệt.

Khen ngợi là một vấn đề có tính hiệu lực về mặt thời gian. Nếu sự khen ngợi và vấn đề được khen ngợi nằm cách nhau quá xa về thời gian thì đứa trẻ sẽ không nhớ nổi cảm nhận khi chúng làm việc đó nữa. Kiểu khen ngợi như vậy không thể biến thành động lực và sự tự tin được. Động viên là một dạng nhắc nhở. Quá trình động viên là một quá trình phân tích mà trong đó những ví dụ được đưa ra càng cụ thể càng tốt.

Ví dụ như có thể nói về thành công của đứa trẻ một thời gian trước, thông qua việc hồi tưởng lại những kinh nghiệm thành công lần trước của trẻ để động viên đứa trẻ vượt qua khó khăn lần này. Những hồi tưởng và thể nghiệm này sẽ giúp trẻ có được sự tự tin: “Lần trước mình đã có thể làm được thì lần này mình cũng sẽ làm được giống như vậy”, từ đó vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần.

Cuối cùng, đối với những sự việc cụ thể, cần khen ngợi và động viên cụ thể.

Ví dụ như lời khen “con học môn toán rất giỏi” sẽ có tác dụng hơn so với lời khen “con rất thông minh”. Cách khen ngợi này kích thích hứng thú của trẻ đối với sự việc cụ thể. Một lời khen ngợi chung chung “con rất thông minh” tuy có thể khẳng định được năng lực của trẻ nhưng không thể biến thành động lực thúc đẩy sự cố gắng ở trẻ, thậm chí nếu xử lý không tốt còn có thể là nguyên nhân dẫn đến sự “tự kiêu” ở trẻ.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w