Con người ai cũng có chuyện phiền não và ai cũng nên học cách để làm vơi bớt những phiền não đó, đặc biệt là trẻ em, bởi khả năng chịu đựng về tâm lý của chúng thấp, trẻ em không biết cách dùng lý lẽ để giải tỏa tâm lý cho bản thân, do đó muốn chúng nhanh chóng điều chỉnh tâm trạng, loại bỏ phiền muộn là điều rất khó. Cách trực tiếp nhất để trẻ loại bỏ phiền não là bộc lộ hết những buồn phiền này ra bên ngoài. Việc này không những có lợi cho sức khỏe mà còn tốt cho học tập và các mối quan hệ xã hội của chúng. Thấu hiểu và cảm thông với con cái, giữ được bình tĩnh khi cần thiết.
Một ngày nào đó cha mẹ đột nhiên nhận thấy đứa con gái hàng ngày vốn vô cùng ngoan ngoãn giờ lại hay cãi lại cha mẹ; cậu con trai bình thường rất chăm chỉ học hành, kết quả học tập luôn dẫn đầu lớp nay lại trốn học; hay đứa con vốn nề nếp nghe lời hôm nay lại tự đóng cửa nhốt mình trong phòng, ném đồ đạc lung tung…
Nếu một ngày nào đó thật sự gặp phải những chuyện như trên thì cha mẹ cũng không nên quá kinh ngạc, hãy nhẫn nhịn để con bộc lộ hết những nỗi tức giận trong lòng. Khi con bạn dần trưởng thành thì những suy nghĩ độc lập của chúng cũng ngày càng nhiều hơn.
Khi trẻ bắt đầu chú tâm vào việc cảm nhận thế giới xung quanh, bắt đầu tự kết bạn, bắt đầu học cách giữ kín bí mật trong lòng, bắt đầu chú ý đến ánh mắt của người khác và nghĩ cách làm cho người khác chú ý đến mình, thì khi đó cha mẹ không nên quá lo lắng mà nên vui mừng, bởi đó là lúc con bạn đã biết suy nghĩ, biết tìm cách biến những ước mơ trẻ thơ của mình thành hiện thực.
Khi trẻ lớn lên, chúng cũng dần cảm nhận được sự phức tạp của cuộc sống. Áp lực đến từ trường học, thầy cô, bạn bè, đặc biệt là cha mẹ khiến chúng cảm thấy hết sức đau khổ, buồn phiền. Chúng cần tìm cách bộc lộ hết những điều này ra ngoài để thấy dễ chịu hơn; hoặc đột nhiên chúng cảm thấy bản thân mình đầy mâu thuẫn và nghi hoặc, trong lòng lo lắng bất an, muốn tìm ai đó để cãi nhau một trận, hoặc tự nhốt mình trong phòng gào thét để bộc lộ những tình cảm bất mãn trong lòng ra bên ngoài… Những lúc như vậy, cách tốt nhất là cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh, không an ủi hay ngăn cản chúng thực hiện những hành vi đó, càng không nên nổi giận hoặc dùng đến bạo lực.
Tâm lý của trẻ vốn vô cùng yếu ớt, ngây thơ, nên khi áp lực quá lớn khiến chúng cảm thấy không thể chịu đựng được thì chúng sẽ tìm cách để bộc lộ hết những đau khổ và phiền muộn trong lòng ra bên ngoài. Việc này rất có ích cho tâm hồn mỏng manh yếu ớt của trẻ. Nếu trẻ giấu kín mọi điều không vui gặp phải trong việc học tập, trong cuộc sống hoặc các mối quan hệ xã hội thì đó mới là việc mà cha mẹ cần lo lắng, bởi việc này có thể tạo ra những trở ngại về mặt tâm lý.
Cha mẹ cần thấu hiểu và tin tưởng con cái, đôi lúc nếu trẻ có một số hành vi phản kháng thì cũng không nên quá ngạc nhiên. Sau khi trẻ bình tĩnh trở lại, cha mẹ có thể nhận thấy chúng còn ngoan ngoãn hơn so với lúc trước, cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình và vô cùng cảm kích trước lòng khoan dung của cha mẹ. Lúc đó cha mẹ có thể khuyên bảo trẻ, nói cho chúng biết chúng có thể bộc lộ tình cảm của bản thân, nhưng không được mang người khác ra để trút giận, cũng không được vì nóng giận mà đánh mất lý trí, cần biết dừng lại đúng lúc. Khi đó trẻ nhất định sẽ “tâm phục khẩu phục” mà nghe theo cha mẹ. Chăm chú lắng nghe, giúp con bộc lộ tình cảm.
Ái Ái năm nay vừa lên lớp 6. Một hôm, sau khi ăn cơm tối xong, cô bé đột nhiên nói: “Con cảm thấy mình thật là đen đủi, các bạn trong tổ của con chẳng ai tốt cả!”. Mẹ của Ái Ái lập tức nhận ra con gái mình chắc ở trường đã gặp phải vấn đề gì đó. Bà bình tĩnh hỏi: “Vậy sao? Hình như con có vẻ không hài lòng với các bạn trong tổ?”. Nhận thấy thái độ cảm thông và động viên của mẹ, cô bé bèn kể hết mọi buồn bực trong lòng.
Thì ra Ái Ái được cô giáo giao nhiệm vụ kiểm tra tình hình học bài của các bạn trong tổ. Nhưng trong khi cô bé dành hết tâm sức kiểm tra bài các bạn thì các cậu bạn nam nếu không cố tình trốn tránh lại ấp a ấp úng mãi không thuộc bài, còn mấy bạn nữ thì tìm hết lý do này đến lý do khác, nói tóm lại là đều không thuộc bài. Dù Ái Ái đã rất cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành được nhiệm vụ cô giáo giao cho nên vô cùng tức giận.
Khi cô bé kể lại chuyện này với mẹ, cô đã tự điều chỉnh lại thái độ quá kích động của mình lúc ban đầu, nói rằng cũng có một bạn rất chăm chỉ, ngoài ra còn hai bạn khác đã có cố gắng, chỉ là chưa đạt được tiêu chuẩn cô giáo đề ra mà thôi. Nhưng quả thật có một số bạn bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của Ái Ái, không để ý chút nào đến bài tập. Sau khi nói xong, cô bé dường như đã trút bỏ mọi tức giận trong lòng, rút ra được kết luận: “Các bạn ấy có thuộc bài hay không cũng không phải chuyện của con, dù sao thì cô giáo cũng sẽ không phê bình con, chưa hoàn thành bài tập thì người phải chịu thiệt thòi là các bạn ấy. Từ nay về sau con sẽ không nhắc nhở nữa!”.
Lúc đó người mẹ bèn lên tiếng: “Con đôn đốc các bạn học bài là đã làm hết trách nhiệm của mình rồi, bởi vậy trong việc này con không sai. Các bạn không chịu học bài là lỗi của các bạn. Nếu con vì chuyện đó mà tức giận thì chẳng khác nào đem lỗi lầm của người khác để trừng phạt bản thân mình sao? Bây giờ con có thể phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm của mình và của người khác, không bắt ép bản thân chịu trách nhiệm về người khác, đây là một tiến bộ rất lớn”. Cô bé Ái Ái bèn vui vẻ gật đầu.
Có thể những chuyện như thế này trong mắt người lớn không có gì quan trọng, nhưng lại khiến trẻ nhỏ phải buồn phiền. Có thể nói ra mọi nỗi bực tức trong lòng, đồng thời nhận được sự cảm thông an ủi là một việc vô cùng quan trọng, là bước thứ nhất để giải tỏa phiền muộn. Khi nghe con cái kể chuyện, cha mẹ cần chăm chú lắng nghe, không được ngắt lời trẻ, kể cả khi chúng nói sai hoặc có cách nghĩ không đúng. Ví dụ, khi Ái Ái cho rằng “không có bạn nào tốt cả”, cách nghĩ này rõ ràng là do tình cảm bị kích động quá mức, tuy nhiên bà mẹ không ngay lập tức sửa lại, bởi bà biết rằng con mình nói như vậy chắc chắn là có nguyên do.
Hiện nay điều mà cô bé cần nhất là một đôi tai biết lắng nghe, cần được bộc lộ hết những tình cảm không vui của mình ở trường học cho người khác biết. Nếu bà mẹ chỉ nghĩ đến việc sửa đổi cách nghĩ không công bằng của con gái đối với các bạn khác, ví dụ nói với con rằng: “Mỗi người ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm riêng, con không nên nghĩ như vậy về các bạn!”, thì sẽ rất dễ khiến đứa trẻ cho rằng cha mẹ đang trách mắng mình, đồng thời việc ngắt lời này có thể làm đứt đoạn những cảm xúc mà trẻ đang muốn bộc lộ ra ngoài.
Cuối cùng, cha mẹ cần kịp thời thừa nhận sự tiến bộ của trẻ, tiếp tục giáo dục chúng. Như trong ví dụ trên, sau khi Ái Ái bừng bừng tức giận kể lại thái độ không hợp tác của các bạn, tuy kết luận cuối cùng cô bé rút ra vẫn còn thể hiện sự giận dỗi nhưng bà mẹ vẫn chỉ ra rằng con gái đã có sự tiến bộ rõ rệt. Cô bé đã hiểu rằng khả năng của con người là có hạn, trách nhiệm cũng vậy, không thể thay người khác gánh hết trách nhiệm về mình. Tự bản thân đứa trẻ đã tìm ra được cách hiệu quả để giải tỏa mọi phiền muộn trong lòng, đồng thời trong quá trình đó rút ra được kết luận cho bản thân, đây đều là những việc hết sức đáng quý.
Chúng ta không ai có thể đảm bảo rằng con mình sẽ không bao giờ phải chịu bất kỳ nỗi phiền muộn nào. Điều cha mẹ cần làm là giúp con cái tích cực bộc lộ mọi phiền muộn trong lòng, để trẻ thay vì né tránh, có đủ dũng khí đối diện với những tình cảm không vui, tìm ra biện pháp đúng đắn và phù hợp với bản thân để giải tỏa những tình cảm đó. Bởi vậy, cha mẹ trước hết phải có được đôi mắt nhạy bén, nhanh chóng nhận ra những thay đổi tình cảm ở trẻ, sau đó có sự chuẩn bị và ứng phó kịp thời, phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất.
Quan sát con cái, khi thấy chúng có biểu hiện tình cảm không vui hoặc khác thường thì cần hướng dẫn chúng có biện pháp giải tỏa thích hợp.
Ví dụ, cha mẹ có thể đưa trẻ đi leo núi dã ngoại hoặc tham gia một số hoạt động thể thao tương đối sôi nổi, cũng có thể đáp ứng một nguyện vọng đã có từ lâu của trẻ, giúp chúng cân bằng trạng thái tâm lý. Hoặc cha mẹ chủ động đi vắng một ngày để trẻ rủ bạn bè về nhà vui chơi ăn uống, cho chúng được tự do thoải mái. Cha mẹ cũng nên thử trò chuyện tâm tình với con, lắng nghe trẻ tâm sự về những phiền muộn trong lòng. Tuy nhiên, cần nhớ không nên dùng những từ ngữ mang tính bắt buộc để kết luận câu chuyện của trẻ, ví dụ như “con nên làm thế này, không nên làm thế kia”…