Dạy con không nói bậy

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 87)

. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu

1. Dạy con không nói bậy

Ngày nay là thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, mạng internet, sách báo… những thói quen xấu trong xã hội do vậy dễ tiêm nhiễm vào trẻ.

Trong khi đó, khả năng nhận thức của trẻ còn hạn chế, rất dễ bị ảnh hưởng, nói bậy cũng là một vấn đề trong số đó. Do chịu ảnh hưởng của rất nhiều trào lưu mới, ngày nay trẻ em không chỉ nói bậy rất nhiều mà còn nói những câu rất khó nghe.

Tâm hồn của trẻ rất ngây thơ, khả năng tiếp thu sự vật mới rất mạnh, đây là nguyên nhân chủ yếu khiến chúng bị ảnh hưởng bởi các trào lưu trong xã hội. Nếu thực sự con trẻ đã nói bậy thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, chỉ cần kịp thời phát hiện và giúp trẻ sửa chữa, loại bỏ những hành vi kém văn minh từ khi mới manh nha xuất hiện, tin rằng con bạn nhất định sẽ hiểu được cái đáng quý của việc làm một người văn minh, loại bỏ triệt để các thói quen xấu.

Dường như gia đình nào cũng phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để trẻ từ bỏ thói quen nói những câu “chướng tai”. Cách nào để giải quyết dứt điểm vấn đề này?

Làm sạch môi trường bạn bè xung quanh con

Con gái của bà Triệu trước đây rất nghe lời, ở trường thì kính trọng thầy cô, quý mến bạn bè, về nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, nói năng với người khác rất chừng mực lễ phép. Từ xưa đến nay bà Triệu vốn rất tự hào về con gái, nhưng gần đây bà vô tình phát hiện thấy cô bé đã học được những câu nói bậy ở trường. Việc này khiến bà vô cùng kinh ngạc.

Sự việc là như thế này: Một hôm có mấy người bạn của bà Triệu đến nhà chơi,vì hôm đó là chủ nhật nên cô bé cũng có ở nhà. Khi tiếp khách, cô bé có biểu hiện hết sức lễ phép, khách khứa đều khen cô bé thật ngoan. Nhưng ngay lúc đó chuông điện thoại reo lên, thì ra bạn cùng lớp của cô bé gọi điện tới, và trong lúc nói chuyện với bạn, cô bé đã có những câu khá chướng tai. Bà Triệu và khách khứa ngơ ngác nhìn nhau, bầu không khí dường như chùng hẳn xuống. Đợi khách về rồi, bà Triệu mới gọi con gái đến hỏi cô bé tại sao lại học những câu nói bậy như vậy. Cô bé trả lời: “ Rất nhiều đứa bạn con đều nói như vậy, chẳng có gì là ghê gớm. Hơn nữa, nói bậy không phải là không có cái hay của nó, khi trong lòng con cảm thấy bực bội khó chịu, mắng chửi vài câu xong thì cảm thấy khá hơn nhiều”. Câu trả lời của con gái khiến bà Triệu kinh ngạc vô cùng.

Rõ ràng những câu nói bậy của con gái bà Triệu xuất phát từ bạn bè của cô bé. Bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ, nhưng cha mẹ không thể lúc nào cũng biết được con mình giao du với những ai, bởi vậy, để ngăn ngừa tình trạng nói bậy ở trẻ, cha mẹ không nên dùng biện pháp ngăn cấm con kết bạn. Cha mẹ tuy không thể can thiệp vào quyền tự do kết bạn của con nhưng có thể đưa ra một số gợi ý đối với con, giống như câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, để trẻ hiểu rằng môi trường tốt có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng sau này. Khi trong lòng trẻ cảm thấy không vui, cha mẹ cần dạy trẻ cách làm thế nào để giải tỏa trạng thái tâm lý một cách văn minh, tích cực, nếu không trẻ có thể sẽ dùng những câu nói bậy để bộc lộ tâm trạng không vui của mình.

Cha mẹ cần lấy mình làm gương

Trước mặt trẻ, cha mẹ nên lấy bản thân mình làm gương, luôn chú ý đến từng hành vi lời nói của mình. Khi ở nhà, mỗi người đều phải hình thành thói quen nói chuyện sao cho lịch sự, lễ phép, tạo cho trẻ môi trường ngôn ngữ tốt để học tập, không nên để trẻ bị tiêm nhiễm những lời nói không hay do chính người thân của chúng nói ra. Ngoài ra, nếu cha mẹ đưa trẻ tới những nơi công cộng cũng cần chú ý tránh những chỗ “uế tạp”, càng không nên đưa trẻ tới nơi có người đang đánh chửi

nhau, nếu không rất có khả năng trẻ sẽ nghe thấy những câu nói không hay và học theo. Nếu không thể trực tiếp tránh đi thì cha mẹ cần tìm cách để hướng sự chú ý của trẻ vào việc khác.

Tạo “lá chắn” cho tâm hồn của trẻ

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên dạy chúng khái niệm về cách nói chuyện văn minh lịch sự, để những điều đó khắc sâu vào tâm trí chúng, giống như tâm hồn trẻ đã được trang bị một tấm lá chắn giúp tránh tiêm nhiễm các thói quen xấu, khi trưởng thành trẻ sẽ hiểu được cái hay của việc đối xử lịch sự với người khác, dù trẻ có nghe thấy những lời nói bậy thì cũng sẽ nhận biết được đó là điều không hay để tránh không học theo.

Giảng giải lý lẽ cho trẻ bằng những ví dụ cụ thể

Trong cuộc sống thực tế không thiếu những trường hợp do lời qua tiếng lại mà dẫn đến đánh chửi nhau, thậm chí là “lấy mạng” người khác. Cha mẹ nên dùng những ví dụ như vậy để giáo dục trẻ, khiến chúng hiểu được tính nguy hại của việc nói bậy. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ xem một số quảng cáo, chương trình tivi hay sách báo có tính giáo dục, để những lời văn minh trong đó giúp chúng trưởng thành. Được xem nhiều lần chúng tự nhiên sẽ cảm thấy xấu hổ với những lời lẽ không hay mà mình đã nói ra.

Phương pháp giáo dục phải xác đáng

Một bà mẹ vô tình phát hiện thấy cậu con trai mới 5 tuổi của mình nói bậy, bà quyết định giúp con sửa đổi tật xấu này. Bà hỏi cậu bé: “Con có yêu mẹ không?”. Cậu bé trả lời: “Tất nhiên là có ạ!”. Bà mẹ lại hỏi: “Vậy nếu có người khác mắng mẹ thì con sẽ làm gì?”. Cậu bé bèn trả lời không một chút do dự: “ Thì con sẽ mắng lại người đó”. Bà mẹ nói tiếp: “Nhưng nếu con thường xuyên mắng mẹ của người khác, thì bản thân mẹ sẽ bị người khác mắng lại”. Cậu bé 5 tuổi suy nghĩ làm thế nào để mẹ mình không bị người khác mắng. Bà mẹ liền tận dụng thời cơ này và nói: “Thật ra, khi con mắng mẹ của người khác cũng chính là đang mắng mẹ của mình, nếu con không muốn mẹ bị người khác mắng thì con không được tùy tiện dùng những lời lẽ không hay để mắng người khác, con biết không?”. Cậu bé liền gật đầu. Từ đó, cậu bé dần bỏ được thói quen nói bậy.

Nói bậy là một thói quen không lịch sự, cha mẹ nên phê bình chuyện này. Đương nhiên, việc giáo dục con cái không nói bậy cũng cần chú ý đến phương pháp. Có người khi nghe thấy con mình nói bậy thì lập tức nổi trận lôi đình, thậm chí còn đánh mắng trẻ. Đây không phải là biện pháp giáo dục hướng dẫn mà là bắt ép. Những biện pháp cứng rắn thô bạo có thể thấy được hiệu quả tức thời nhưng không thể kéo dài. Một số bậc cha mẹ khi thấy con mình nói bậy thì lại xem như không có chuyện gì, để mặc chúng muốn nói gì thì nói, cho rằng đây chỉ là chuyện vặt vãnh, không đáng lo ngại. Điều này không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.

Đáng ngại hơn nữa là một số bậc cha mẹ khi thấy con nói bậy thì không những không ngăn cấm mà còn cảm thấy buồn cười. Như vậy trẻ sẽ ngộ nhận rằng sự thể hiện của mình được cha mẹ hưởng ứng và cổ vũ và sẽ tiếp tục lặp lại nhiều lần nữa, tạo thành thói quen xấu, khi lớn lên rất khó bỏ. Lúc đó cha mẹ muốn sửa thì đã muộn.

Khi thấy trẻ nói bậy, cha mẹ nên nói cho con hiểu thái độ của mình, ví dụ như: “Cha mẹ không thích những đứa trẻ nói bậy một chút nào”, hoặc “Những đứa trẻ hay nói bậy sẽ bị mọi người ghét đấy”… Trẻ sợ bị mọi người “hắt hủi” nên sẽ bỏ thói quen xấu này. Nếu sau khi cha mẹ tận tâm bảo ban mà trẻ vẫn không nhận ra cái xấu của việc nói bậy, thậm chí còn có thái độ bất mãn hoặc chống đối thì tất cả mọi người trong gia đình cần bàn bạc với nhau, cả nhà cố tình xa lánh trẻ, khiến chúng

thử nếm trải cảm giác bị mọi người hắt hủi. Thông thường trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ về hành vi nói bậy của mình và dần từ bỏ thói quen xấu này.

Phải giáo dục ngay từ sớm.

Cần sửa đổi thói quen nói bậy của trẻ càng sớm càng tốt. Có một số trẻ ngay khi 3, 4 tuổi đã học được những câu nói bậy, song chúng không hiểu được ý nghĩa của những lời nói đó, càng chưa có quan niệm đúng sai rõ ràng, rất có thể chỉ là vô tình bắt chước người lớn nói mà thôi. Chúng nghĩ rằng nói như vậy là hay, hơn nữa, nếu cha mẹ càng ngăn cấm thì chúng sẽ càng nói nhiều hơn. Khi đó cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần nắm bắt thời cơ giáo dục trẻ, như vậy mới tránh được hậu quả sau này. Trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều bậc cha mẹ do không kịp thời giáo dục con nên đã bỏ lỡ mất cơ hội tốt nhất.

Có một cô bé mới 3 tuổi nhưng do vô tình đã nói ra một câu bậy, đối tượng nghe câu nói đó là một cậu bé có cha làm lãnh đạo. Cha cô bé sau khi nghe thấy con mình nói bậy thì hết sức tức giận, nhưng ông không tỏ ra bực tức với con gái mà nắm lấy cơ hội này để giáo dục con. Ông dẫn con gái đến nhà vị lãnh đạo kia, yêu cầu con gái xin lỗi cậu bé đó. Từ đó về sau, cô bé không còn nói bậy nữa.

Lần giáo dục đầu tiên bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng nhất, có thể khiến đứa trẻ nhận thức được sâu sắc hành vi của mình, trong cuộc sống sau này sẽ có ý thức khống chế hành vi của mình.

Không giáo dục bằng uy quyền

Rất nhiều bậc cha mẹ chọn cách giáo dục bằng uy quyền, cho rằng chỉ khi con cái phục tùng mình vô điều kiện thì giáo dục mới đạt được hiệu quả. Họ không biết rằng phương pháp giáo dục này là không công bằng đối với trẻ, khiến chúng không thể nói ra ý kiến của mình, do đó sẽ có ác cảm với ý kiến của cha mẹ. Khi sự bất mãn này được tích tụ tới một mức độ nhất định nào đó, trẻ có thể dùng những lời lẽ thô tục để thể hiện tình cảm của mình, dần dần hình thành nên thói quen xấu.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w