Giáo dục để con không trở thành người háo danh

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 96)

. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu

4. Giáo dục để con không trở thành người háo danh

Dường như con người ai cũng có tính sĩ diện. Ở mức độ vừa phải thì điều đó có lợi, bởi xét trên một khía cạnh nào đó, điều này thể hiện ý thức về cái tôi cá nhân trong quá trình trưởng thành đã được nâng cao, mong muốn thể hiện một mặt tốt đẹp nào đó của mình để được người khác công nhận. Do đó, cha mẹ cần dùng tấm lòng khoan dung để thấu hiểu và thông cảm với biểu hiện này của con cái. Tuy nhiên, khi tính sĩ diện vượt quá một giới hạn nào đó thì sẽ có hại cho bản thân. Những người quá háo danh thường có biểu hiện là không thể nhận thấy những thiếu sót của bản thân, thường đem cái được của mình đi so sánh với cái chưa được của người khác và thấy thỏa mãn với điều đó. Họ dễ coi thường người khác, từ chối sự giúp đỡ của mọi người, sợ người khác vượt qua mình, khiến cho các mối quan hệ xã giao thường không được tốt đẹp. Có thể đối với trẻ em thì những yếu tố bất lợi này chưa có ảnh hưởng nhiều, nhưng sau khi chúng trưởng thành, bước vào xã hội thì hậu quả của việc quá chuộng hư vinh mới bắt đầu hiện rõ, ảnh hưởng đến công việc thường ngày và sự tiến bộ của chúng.

Hoàn cảnh gia đình không tốt tạo nên tính sĩ diện ở trẻ.

Bé Lệ năm nay học lớp 4. Một hôm đi học về, cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, ngày mai lớp con họp phụ huynh, mẹ nhớ phải đến nhé”. Cô bé còn nói thêm một câu: “Mẹ phải trang điểm đẹp vào, mặc quần áo đắt tiền vào nhé”. Bà mẹ nghe xong thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi: “Họp phụ huynh và trang điểm đẹp thì có liên quan gì đến nhau?”. Bé Lệ trả lời: “Nếu mẹ ăn mặc xuềnh xoàng quá, mọi người sẽ cho con là con nhà nghèo thì sao?”. Bà mẹ lại hỏi: “Nhà nghèo thì đã sao? Nhà nghèo thì không tốt à?”. Cô bé đáp: “Người nghèo thì mặc quần áo rách rưới cũ kỹ, các bạn nhìn thấy sẽ cười con. Trước đây con đã nói với các bạn là nhà mình rất giàu”. Bà mẹ nghe xong không biết nên nói thế nào, bà nghĩ: “Con mình còn nhỏ mà đã háo danh như vậy, sau này lớn lên không biết sẽ thế nào?”.

Tính sĩ diện thật ra là một hiện tượng hết sức phổ biến ở nhiều trẻ em. Mức sống của con người ngày càng được nâng cao, phương tiện đi lại ngày càng hiện đại. Mỗi dịp cuối tuần, trước cổng các trường học không thiếu xe ô tô con đưa đón các em học sinh. Những đứa trẻ nhà có ô tô tự nhiên sẽ cảm thấy mình hơn hẳn người khác, vô tình nảy sinh cảm giác kiêu ngạo. Tương tự, những đứa trẻ chỉ đến trường bằng xe đạp hay xe máy tự nhiên sẽ có cảm giác thua kém, hình thành nên tâm lý so bì. Ngày nay, trẻ em tầm 8-9 tuổi đã bắt đầu biết so bì chuyện ăn mặc: “Bạn ấy mua một bộ quần áo đẹp thì mình phải mua một bộ đẹp hơn nữa”, “bạn ấy có cái hộp bút xịn thì mình phải có cái hộp bút xịn hơn nữa”, hiện tượng so bì này ngày càng trở nên phổ biến trong trẻ em. Cha mẹ nếu không lưu ý thì tính sĩ diện sẽ dễ dàng nảy sinh trong tâm lý của trẻ.

Do vậy, những gia đình có điều kiện không khá giả càng phải quan tâm đến con cái, chú ý từng hành vi lời nói của con. Cần nói cho trẻ hiểu rằng, giàu không có nghĩa là cao quý, nghèo không có nghĩa là hèn hạ, không nên nghĩ đến chuyện so bì với người khác.

Trẻ có tính háo danh hay không có liên quan rất lớn đến việc dạy dỗ của cha mẹ. Có một số bậc cha mẹ là người rất háo danh, thấy kết quả thi của con mình không cao bằng con nhà hàng xóm thì cảm thấy mất mặt, quay ra trách mắng con, thậm chí còn mang chúng ra so sánh; con có hành vi không hay trước mặt khách thì cha mẹ thấy xấu hổ, liền mắng con, con thi trượt đại học khiến cha mẹ thấy mất thể diện, bèn đối xử lạnh nhạt với con… Một số bậc cha mẹ lại thường mang con tới những nơi sang trọng, là nơi diễn ra các hoạt động xã giao của người lớn để khoe khoang sự cao quý của mình. Ngay khi conmới chào đời, họ đã trống giong cờ mở tổ chức nào là “tiệc đầy tháng”, rồi đến “tiệc thôi nôi”, “sinh nhật tròn một tuổi”… Tóm lại, con mình tuyệt đối không thể thua kém con người khác. Có thể nói rằng, trong ký ức của trẻ, lúc nào chúng cũng là trung tâm của vũ trụ. Khi lớn lên, được cha mẹ dung túng, trẻ tự nhiên sẽ hình thành thói quen.

Dần dần thói quen này sẽ được thay thế bởi tính sĩ diện, mong muốn của chúng cứ thế phát triển không ngừng. Còn có một số bậc cha mẹ rõ ràng hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhưng do sợ con mình bị thiệt thòi nên không tiếc tiền để con được “bằng bạn bằng bè”. Thiết nghĩ, nếu một đứa trẻ trưởng thành trong môi trường như vậy thì sao lại không hình thành nên tính sĩ diện cho được?

Rèn luyện tình yêu của trẻ

Cha mẹ nên chú ý rèn luyện tình yêu của trẻ, để trẻ nảy sinh tình yêu với thế giới, với mọi người xung quanh, dưới ảnh hưởng của tình yêu đó, tính sĩ diện của chúng sẽ dần biến mất, lòng tự tin được tăng cường.

Do việc làm ăn ở nhà máy không được thuận lợi, bà Lưu và chồng lần lượt thôi việc. Điều này khiến gia đình bà vốn đã không giàu có gì nay lại càng thêm khó khăn. Họ chỉ có một cậu con trai 13 tuổi. Tuy cuộc sống khá khó khăn nhưng hai vợ chồng từ trước đến nay chưa từng để con trai phải chịu thiệt thòi, có đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp đều nghĩ đến cậu bé trước tiên. Sau khi nghỉ việc được mấy tháng, bà Lưu nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh đã xin được vào làm công nhân vệ sinh, lương tháng cũng tạm đủ dùng. Nhưng không ngờ cậu con trai 13 tuổi sau khi biết chuyện thì kịch liệt phản đối. Bà mẹ hỏi nguyên nhân tại sao, cậu bé nói: “Làm công nhân vệ sinh thì thật là mất mặt, nếu để các bạn con nhìn thấy, chúng sẽ cười nhạo con mất!”. Lúc đầu bà Lưu tưởng con trai chỉ nói vậy thôi chứ không để bụng, nhưng không ngờ khi bà lấy đồ nghề chuẩn bị đi làm thì cậu con trai bảo mẹ: “Nếu mẹ mà đi làm thì con sẽ không đi học nữa”. Không còn cách nào khác, bà Lưu đành phải từ bỏ công việc mới khiến con trai ngoan ngoãn đến trường.

Bà Lưu và chồng không thể ngờ rằng tính sĩ diện của con trai lại lớn như vậy. Làm thế nào để cậu bé bỏ được tính này? Hôm đó cả nhà đang ngồi ăn cơm, trên tivi đang phát một chương trình nói về tấm gương lao động nổi tiếng tên là Từ Hổ, được mọi người gọi một cách thân mật là “mặt trời lúc 7 giờ tối”. Hai vợ chồng bà Lưu bèn nhân cơ hội này kiên nhẫn nói chuyện với con trai: “Thực ra quét đường không phải là một việc đáng xấu hổ, nếu không có những người công nhân vệ sinh thì cuộc sống của con người sẽ ra sao? Con thử xem, chú Từ Hổ tuy chỉ là một công nhân sửa đường nhưng không phải cũng được biết bao người kính trọng hay sao?”. Nhờ sự dạy bảo của cha mẹ, thái độ của cậu con trai đã dần dần thay đổi. Những ngày sau đó, hai vợ chồng bà Lưu luôn tranh thủ thời cơ kể những câu chuyện điển hình để giáo dục con trai. Dần dần cậu bé đã nhận thức được việc mình làm trước kia là sai. Bà Lưu cảm thấy lúc này thời cơ đã chín muồi, bèn nhắc lại chuyện đi làm công nhân vệ sinh với con trai, quả nhiên lần này cậu bé không phản đối nữa, ngược lại còn hết sức ủng hộ mẹ.

Khi xem ví dụ trên, có thể rất nhiều người sẽ cho rằng hành vi lúc đầu của cậu con trai thật chẳng ra gì, dùng lý do bỏ học để ép mẹ bỏ việc, mà nguyên nhân cũng chỉ vì công việc đó kiến cậu

bé cảm thấy mất mặt. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ sẽ nhận thấy đây chính là tình cảnh không ít người đã gặp phải. Từ bản thân cậu con trai của bà Lưu có thể suy ra quan niệm về giá trị và nhân sinh của không ít thanh thiếu niên. Như hiện nay, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không thể chịu được gian khổ, hơn nữa lại có tính sĩ diện, thà ở nhà chờ việc còn hơn phải làm những công việc có thu nhập thấp hoặc khiến họ cảm thấy xấu hổ. Còn có một số người vì giấc mộng giàu sang mà quyết tâm mạo hiểm, cuối cùng đã đi theo con đường phạm tội.

Có người từng nói: “Tất cả tội ác đều do tính sĩ diện mà ra”. Rất may, hai vợ chồng bà Lưu đã biết dạy bảo con một cách đúng đắn, khiến cậu bé nhận thức được tầm quan trọng của tình yêu và sự cống hiến.

Phải khách quan khi đánh giá, nhận xét con cái

Có một số cha mẹ rất thích thể hiện, trước mặt bạn bè hay người thân thường khen ngợi con mình quá mức, chỉ nói đến ưu điểm mà không nhắc tới khuyết điểm. Trẻ sẽ thấy rằng, trong con mắt của cha mẹ, bản thân mình là người rất hoàn mĩ, thêm vào đó, khả năng tự nhận xét bản thân của chúng còn yếu, dần dần trẻ sẽ nhận định rằng mình là người “mười phân vẹn mười”, đương nhiên sẽ không thấy được người khác giỏi hơn mình. Do đó, cha mẹ nên nhận xét con một cách khách quan, không nên quá thổi phồng ưu điểm của con, cũng không nên che giấu khuyết điểm của chúng, để trẻ có nhận thức về bản thân một cách chính xác.

Tạo cho con quan niệm đúng đắn

Cha mẹ nên chịu khó giảng đạo lý cho trẻ, nói với chúng rằng: ăn ngon, mặc đẹp không có nghĩa là địa vị cao quý, chỉ có tự dựa vào bản thân mình để đạt được thành công thì mới thực sự được người khác kính trọng.

Khi mua đồ nên dựa vào nhu cầu của bản thân, không nên so bì với các bạn khác. Nếu trẻ vẫn không chịu tiếp thu, cha mẹ có thể làm một bảng ghi rõ thu nhập và chi tiêu của gia đình, để trẻ xem xét kỹ, rất có thể chúng sẽ bị tác động mạnh mẽ.

Một người có tính ưa sĩ diện thường chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, so đo tính toán thiệt hơn chứ không nghĩ đến việc thực sự bỏ công sức ra để đạt được thành công. Do đó, cha mẹ cần để ý tới mọi hành vi lời nói của con, nếu thấy chúng có biểu hiện của tính sĩ diện thì lập tức dạy dỗ và hướng dẫn chúng bằng các biện pháp thích hợp. Cha mẹ cần hiểu rằng, điều quan trọng và mấu chốt là ở chỗ làm thế nào để biến “háo danh” thành “thực tế”.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w