Thưởng và phạt sao cho thích hợp

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 41)

Phần lớn các gia đình hiện nay đều chỉ có một con, cha mẹ kỳ vọng rất cao vào con cái, từ đó dẫn đến thuyết giáo đạo đức quá nhiều, quản lý quá nghiêm khắc, lạm dụng hành vi thưởng phạt… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý phản kháng ở trẻ, thậm chí khiến chúng có sự lệch lạc về tâm lý.

Thưởng, phạt cần vừa phải, biết dừng đúng lúc. Thưởng phạt dù lớn hay nhỏ đều gây ra phản ứng tâm lý của trẻ, cũng giống như việc uống quá nhiều thuốc sẽ sinh ra nhờn thuốc, trẻ em cũng có tính thích ứng đối với việc thưởng phạt.

Khi thưởng cho trẻ, cha mẹ nên kết hợp giữa phần thưởng có điều kiện và phần thưởng vô điều kiện. Phần thưởng có điều kiện tức là việc gì cũng cần bàn bạc với trẻ, bây giờ nên làm việc gì, cần đạt tiêu chuẩn như thế nào, sẽ có phần thưởng là gì. Phần thưởng vô điều kiện là phần thưởng dành cho những hành vi tốt ngoài dự tính của trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên bất kỳ lúc nào cũng dùng đến phần thưởng, như vậy sẽ phản tác dụng đối với việc giáo dục trẻ sau này. Các bậc cha mẹ cần biết rằng thưởng quá nhiều sẽ khiến đứa trẻ khi làm bất kỳ việc gì cũng nghĩ tới phần thưởng, như vậy mục đích cuối cùng của những việc chúng làm cũng là vì “phần thưởng”. Bởi vậy, việc thưởng phạt trẻ không chỉ cần hợp lý mà còn cần có mức độ phù hợp.

Thưởng, phạt cần có lý do, có mức độ và có hiệu quả.

Một số bậc cha mẹ máy móc áp dụng biện pháp quản lý hiện đại, không suy nghĩ thấu đáo mà chỉ căn cứ vào hiện tượng để thưởng phạt, thậm chí đến cuối tuần còn dựa vào mức xếp thứ hạng của con ở trường để thưởng hay phạt, không suy tính đến những tình huống đặc biệt. Cách làm này rõ ràng là không thích đáng, sẽ khiến trẻ có tâm lý không phục. Bởi vậy, thưởng phạt vừa có lý do, có mức độ, lại vừa có hiệu quả mới là điều quan trọng nhất.

Việc thưởng phạt con trẻ phải hợp lý, nên thưởng thì thưởng, đáng phạt thì phạt. Có thưởng, phạt hay không thì cha mẹ trước hết cần xem xét đến tình hình thực tế của con cái, dựa vào đó để quyết định thưởng gì hay phạt gì.

Việc trừng phạt cũng vậy, cha mẹ cần có thái độ thống nhất, rõ ràng. Cần biết rằng sự trừng phạt không công bằng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến thế giới nội tâm của trẻ. Điều này không những có thể thay đổi sự đánh giá của trẻ đối với bản thân mà còn có thể tạo ra tâm lý oán hận cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ cần thận trọng khi sử dụng các biện pháp trừng phạt. Khi đứa trẻ nhiều lần phạm cùng mội lỗi, khi những lời giảng dạy nhẹ nhàng không có tác dụng, khi trẻ không chịu nghe lời thì cha mẹ có thể phạt chúng một cách vừa phải.

Đồng thời cha mẹ cần nói rõ cho trẻ hiểu chúng nên làm như thế nào, cần đạt được yêu cầu hoặc tiêu chuẩn gì, nếu không đạt được yêu cầu đó thì sẽ như thế nào. Ví dụ, trẻ có thói quen vứt đồ đạc bừa bãi thì cha mẹ có thể phạt trẻ bằng cách yêu cầu chúng thu dọn quần áo…

Cha mẹ tuyệt đối không nên bắt trẻ tự suy nghĩ mà phải đưa ra cho chúng cách giải quyết. Nếu trẻ không có mục tiêu sửa chữa lỗi lầm thì hiệu quả đạt được sẽ không cao.

Thứ nhất: Cha mẹ không được lạm dụng việc trừng phạt, khi trừng phạt phải nghĩ đến lòng tự tôn của con. Đa số các bậc cha mẹ khi thấy con cái phạm lỗi là lập tức đánh mắng. Thực ra cách làm này không có lợi cho việc giáo dục trẻ. Đánh mắng tùy tiện cũng giống như khen thưởng tùy tiện, đều có thể làm giảm tác dụng của việc thưởng phạt. Chúng ta đều biết, mục đích cuối cùng của việc trừng phạt trẻ là giúp chúng trở nên tốt hơn, bởi vậy, cần căn cứ vào hành vi của trẻ để đưa ra mức độ trừng phạt phù hợp. Trừng phạt quá nghiêm khắc sẽ khiến trẻ nảy sinh tinh thần chống đối, còn nếu quá nhẹ thì lại không có tác dụng răn đe.

Bởi vậy, việc trừng phạt trẻ cần lấy nguyên tắc là đạt được mục đích, không nên quá nhẹ nhàng nhưng cũng không nên lúc nào cũng phạt trẻ. Kết quả điều tra của các bộ ngành liên quan đã cho thấy, một số trẻ em hay nói dối chính là vì muốn tránh bị cha mẹ trách mắng và đánh đòn. Trong suy nghĩ của trẻ thì chỉ nói dối mới che giấu được lỗi lầm của bản thân, mới bảo vệ được bản thân. Nếu lần đầu trẻ nói dối thành công thì chúng sẽ tiếp tục những lần sau và mức độ nói dối ngày càng trắng trợn hơn. Những trường hợp như vậy trong thực tế rất nhiều, bởi vậy cha mẹ cần hết sức chú ý đến mức độ vừa phải khi trừng phạt con cái.

Không giống với người lớn, khả năng chịu đựng của trẻ em chỉ có giới hạn. Ví dụ, những lời châm biếm, đả kích hay mắng nhiếc đều vượt quá phạm vi chịu đựng của trẻ, dễ làm tổn thương lòng tự tôn của chúng. Bởi vậy, cha mẹ cần nhớ kỹ mục đích cuối cùng của việc trừng phạt trẻ, không nên sử dụng uy quyền của mình một cách mù quáng.

Trẻ em cũng có lòng tự tôn, thậm chí lòng tự tôn của chúng còn mạnh mẽ và nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều. Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ phê bình con cái thường dùng những lời lẽ không văn minh. Điều này không những ảnh hưởng xấu đến hiệu quả giáo dục mà còn làm giảm tính thuyết phục.

Thứ hai: Nguyên tắc thời gian có hiệu lực của phần thưởng.

Cha mẹ cần biết, quá trình biến đổi tâm lý của trẻ xảy ra rất nhanh, sau một thời gian trẻ sẽ quên mất vì sao lại được thưởng. Như vậy không thể hình thành nên mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tốt và phần thưởng, khiến phần thưởng bị giảm giá trị. Không kịp thời khen thưởng sẽ ảnh hưởng đến tính tích cực và lòng tự tôn của trẻ, bởi chúng sẽ cảm thấy trong mắt cha mẹ, mình không quan trọng, dẫn đến việc những hành vi tốt sẽ không được tiếp tục duy trì.

Trong cuộc sống thực tế cũng có một số bậc cha mẹ không thực hiện những điều đã hứa với con cái. Những việc đã nói hôm nay sẽ làm lại để đến ngày mai, ngày kia... Cách làm như vậy không có lợi đối với việc phát huy tác dụng của phần thưởng. Cha mẹ thất hứa hết lần này đến lần khác, về lâu dài sẽ khiến đứa trẻ mất lòng tin. Để phần thưởng thực sự phát huy tác dụng thì cha mẹ cần thực hiện lời hứa.

Tóm lại, cha mẹ thưởng phạt không hợp lý sẽ mang đến cho trẻ một số quan niệm và tin tức sai lầm, khiến trẻ sinh ra những thói quen không tốt. Để việc thưởng phạt đạt được hiệu quả cao nhất thì cần áp dụng cách thức thưởng phạt hợp lý, nắm bắt đúng thời cơ thưởng phạt. Tóm lại, phần thưởng không phải là đưa cho trẻ một món quà nhỏ nào đó và trừng phạt cũng không phải đánh trẻ vài roi là xong. Thưởng và phạt trẻ là một nghệ thuật giáo dục gia đình, thưởng phạt muốn đạt được hiệu quả thì điểm mấu chốt là cha mẹ phải biết sử dụng phương pháp này một cách thích đáng.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w