Ngày nay, rất nhiều người cho rằng trẻ em ngày càng ích kỷ, cô độc, luôn cho mình là đúng, tự tư tự lợi, không biết chia sẻ với người khác. Tính ích kỷ này cũng không phải là một tính xấu quá nghiêm trọng, nhưng nếu không kịp thời sửa đổi thì sẽ hình thành nên thói quen không biết cách chia sẻ với người khác, chỉ biết độc chiếm cho bản thân. Như vậy sau này trẻ rất khó có được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, không biết cách hợp tác với người khác, chắc chắn sẽ bị xã hội đào thải. Bởi vậy cha mẹ nên rèn luyện cho con mình thói quen quan tâm đến cảm nhận của người khác trong khi giao tiếp, cần chân thành, thân thiện và cảm thông với mọi người. Trong quá trình hợp tác với người khác cần học cách chia sẻ thành công và thất bại. Cha mẹ cần rèn luyện con mình trở thành người hòa nhập với xã hội, lạc quan yêu đời, tích cực vươn lên trong cuộc sống.
Dạy trẻ học cách hợp tác với người khác, cùng nhau chia sẻ cũng giống như dạy trẻ học nói, cha mẹ cần bắt đầu từ khi chúng còn nhỏ. Cha mẹ cần để trẻ ngay từ nhỏ hiểu rằng mình là một phần tử trong tập thể, là một thành viên trong xã hội. Tất cả mọi người cùng sống trong tập thể phải giúp đỡ lẫn nhau, hòa thuận thân ái. Đồng thời cần dạy trẻ chia sẻ những suy nghĩ trong lòng với bạn bè, đem những niềm vui nỗi buồn của mình tâm sự cùng các bạn, giao lưu giúp đỡ lẫn nhau. Cần dạy trẻ biết cách chúc mừng khi bạn bè có chuyện vui; kịp thời giúp đỡ ủng hộ, làm cho bạn vui lên khi bạn bè gặp chuyện buồn. Học được cách chia sẻ thì trong tương lai, dù đứng ở góc độ nào trẻ cũng sẽ hòa hợp được với mọi người xung quanh, từng bước trở thành người có ích trong xã hội.
Bé Diệp năm nay 4 tuổi, là một cô bé dễ thương nhưng rất ích kỷ. Cho dù cha mẹ có khuyên bảo thế nào, cô bé cũng nhất định không để các bạn nhỏ khác đọc truyện của mình, cùng ngồi nghe mẹ mình kể chuyện, chơi đồ chơi của mình, và nhất là đồ ăn thì càng không bao giờ chia cho người khác. Có một lần cha mẹ dẫn bé đi siêu thị, khi cả nhà đang xách hai túi to đầy đồ ăn ra ngoài thì tình cờ gặp một đồng nghiệp cũ của mẹ dẫn theo một đứa con trai 2 tuổi. Người mẹ liền bảo bé Diệp lấy một ít bánh kẹo chia cho cậu bé kia, nhưng bé Diệp nhất định không nghe.
Người mẹ đành tự lấy bánh kẹo đưa cho cậu con trai của người đồng nghiệp thì bé Diệp gào khóc, còn đưa tay định đòi lại. Việc này khiến người mẹ cảm thấy vô cùng xấu hổ, bởi vậy mỗi lần cha mẹ của bé Diệp thấy con nhà người khác hào phóng, rộng rãi thì lại thấy vô cùng ngưỡng mộ. Một đứa trẻ không biết chia sẻ với người khác thì sẽ không được ai yêu quý. Cha mẹ bé Diệp nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy vấn đề này chính là lỗi của mình, từ khi bé Diệp được sinh ra đã hết lòng thương yêu chiều chuộng con gái. Món ăn ngon, đồ chơi đẹp, sách truyện hay, tất cả đều là của cô bé, bởi vậy mới dẫn đến việc cô bé có tính cách ích kỷ như hiện nay.
Cha mẹ cô bé quyết định thay đổi chính bản thân mình để giúp con gái thay đổi. Họ bắt đầu thường xuyên kể cho cô bé nghe những câu chuyện về đức tính nhường nhịn, chia sẻ với người khác. Trong nhà có đồ ăn ngon hay đồ chơi đẹp thì chia đều cho mọi người, dần dần khiến cô bé hiểu và chấp nhận rằng người khác cũng như cô bé đều thích những thứ đó. Cha mẹ tìm mọi cách để giúp con gái cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ với người khác, vì khi biết chia sẻ chúng ta sẽ có thêm nhiều bạn bè, thêm nhiều niềm vui.
Đến bây giờ, bé Diệp đã biết chủ động mời các bạn đến nhà mình cùng chơi đồ chơi, cùng đọc những quyển truyện mà mình yêu thích, khi uống sữa đã biết chia cho các bạn. Thấy vậy, cha mẹ cô bé cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Dạy con biết cách chia sẻ với người khác là việc mà cha mẹ bắt buộc phải làm. Chia sẻ không chỉ là một dạng lễ nghi mà còn là một trạng thái tâm lý lành mạnh, là sự thể hiện một cách hoàn mĩ nhân cách con người trong xã hội tiến bộ và hài hòa. Trong gia đình cũng như vậy, việc chia sẻ phải đến từ hai chiều. Con cái không chỉ học cách đón nhận tình yêu của cha mẹ mà còn cần học cách yêu thương, biết ơn và báo đáp. Để rèn luyện cho trẻ cách chia sẻ, cha mẹ cần hết sức nhẫn nại, có kế hoạch tỉ mỉ chu đáo. Tóm lại, sự chia sẻ chứa đựng những tình cảm đạo đức cao đẹp nhất của con người. Chia sẻ đạo đức rất khó có thể biểu đạt thông qua lời nói, bởi vậy, cha mẹ muốn con mình học được cách chia sẻ thì điều quan trọng nhất là phải để trẻ tự trải nghiệm.
Thứ hai: Cần dạy trẻ học cách hợp tác
Muốn hoàn thành công việc một cách tốt đẹp thì chỉ dựa vào học thức và năng lực là chưa đủ, nếu biết rõ thực lực của mình còn yếu thì cần dựa vào tinh thần đồng đội. Chỉ khi học được cách hợp tác với người khác mới có thể đạt được hiệu quả cao. Một chuyên gia tâm lý nổi tiếng của phương Tây đã chỉ ra rằng: Nếu một đứa trẻ chưa học được cách hợp tác thì chắc chắn sẽ trở nên cô
độc, sinh ra cảm giác tự ti, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bản thân. Do đó có thể thấy, việc trẻ học được cách giao tiếp và hợp tác có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thành công của chúng sau này.
Các chuyên gia cho rằng, nếu đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có mối quan hệ bình đẳng thì đứa trẻ đó sẽ trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, vui vẻ hợp tác với người khác. Ngược lại, nếu cha mẹ không tôn trọng sự lựa chọn của con, dùng thái độ thiếu bình đẳng để ngăn cản, ép buộc chúng hoặc quá nuông chiều chúng thì sẽ rất bất lợi đối với sự trưởng thành của trẻ.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ có thể vô tình hoặc cố ý tạo ra cơ hội cho trẻ hợp tác, chia sẻ, ví dụ như hướng dẫn trẻ cùng chơi đồ chơi với bạn hoặc kể lại những việc mà chúng đã trải qua với các bạn nhỏ khác. Ban đầu trẻ có thể không biết phải kể gì hoặc kể như thế nào, cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ diễn đạt câu chuyện để trẻ thuật lại. Cha mẹ cũng có thể để con mình tham gia vào các hoạt động cần đến sự hợp tác, ví dụ như các trò chơi hợp tác về trí tuệ, nhằm rèn luyện cho trẻ tinh thần đồng đội và khả năng cạnh tranh.
Cuối cùng: Để trẻ tự trải nghiệm, học cách hợp tác và chia sẻ.
Tục ngữ có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Muốn dạy trẻ học cách hợp tác và chia sẻ thì trước hết bản thân cha mẹ phải hiểu được tác dụng quan trọng của việc hợp tác và chia sẻ, đồng thời làm tấm gương cho con cái, để trong cuộc sống hàng ngày, trẻ vô hình trung học được cách hợp tác và chia sẻ. Trẻ em thường thích học theo lời nói cử chỉ của cha mẹ và bạn bè xung quanh, cũng thích cùng mọi người làm việc. Những hành vi của người lớn có thể chỉ là vô tình nhưng trẻ lại ghi nhớ. Trong cuộc sống hàng ngày, người mà trẻ tiếp xúc nhiều nhất chính là cha mẹ của chúng, bởi vậy cha mẹ có thể thông qua lời nói và việc làm của bản thân để dạy trẻ hiểu được thế nào là chia sẻ và hợp tác.
Mẹ của bé Minh dù có bất cứ thứ gì tốt cũng đều đem chia phần cho con trai, cha mẹ và hàng xóm. Bà luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người, làm món ăn ngon cũng mang sang cho hàng xóm nếm thử, ai cần mượn đồ gì đều cho mượn. Những hành động này của mẹ đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng bé Minh. Đối với những chuyện vặt trong cuộc sống hàng ngày, bà mẹ thường nói với bé Minh rằng, đồ ăn khi đem chia sẻ với mọi người, với bạn bè sẽ thấy càng ngon hơn, nếu chỉ giữ lấy ăn một mình thì cho dù đồ ăn có ngon đến mấy cũng sẽ chẳng còn hương vị gì.
Dần dần bé Minh cũng đã học theo mẹ của mình, học cách quan tâm đến mọi người trong gia đình và bạn bè thân thuộc. Khi có món gì ngon hay có đồ chơi gì hay, cậu bé cũng đều nghĩ đến việc chia sẻ với người khác.
Mọi hành vi, lời nói của cha mẹ đều có thể ảnh hưởng đến thói quen và sự hình thành tính cách của con cái. Nếu = cha mẹ luôn vui vẻ chia sẻ cuộc sống với mọi người thì đứa trẻ nhất định cũng sẽ trở thành một người rộng rãi, hòa đồng. Nếu cha mẹ luôn vui vẻ hợp tác cùng đồng nghiệp khi làm việc thì đứa trẻ cũng sẽ trở thành một người biết cách hợp tác. Chỉ khi biết chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình với người khác, biết lắng nghe ý kiến của người khác, biết tiếp thu kiến nghị của người khác thì mới có thể được mọi người yêu mến.
Rèn luyện, hướng dẫn trẻ cách chia sẻ, hợp tác với người khác là một vấn đề quan trọng trong việc giáo dục gia đình. Tóm lại, chỉ khi để trẻ thích ứng với thế giới bên ngoài, học cách chia sẻ tâm tư tình cảm với bạn bè, học cách giao tiếp, hợp tác với mọi người thì trẻ mới có thể phát triển một cách lành mạnh, hoạt bát được.