Tự kiểm điểm những hành vi không đúng của bản thân giúp trẻ lý giải, hợp tác, quan tâm đến các hành vi xã hội quen thuộc một cách hiệu quả; tạo cơ sở vững chắc cho giao tiếp xã hội sau này. Ngoài ra, trẻ còn học được cách chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân, trở thành người có năng lực phán đoán chính xác.
Khi còn nhỏ Lê nin đã rất thông minh hoạt bát. Có lần mẹ đưa cậu bé đến nhà cô chơi, do không cẩn thận nên cậu đã làm vỡ một chiếc bình cắm hoa. Lúc đó không có ai nhìn thấy, chỉ có một mình cậu bé. Sau đó, khi người cô hỏi lũ trẻ: “Ai đã làm vỡ bình hoa?”, lũ trẻ đồng thanh trả lời: “Không phải cháu”. Lênin do sợ bị phạt nên cũng nói rằng: “Không phải cháu”, nhưng cậu bé nói rất khẽ, chỉ một mình cậu nghe thấy. Chi tiết nhỏ này đã khiến người mẹ đoán ra chính Lênin đã làm vỡ bình hoa, bởi bà biết Lênin từ nhỏ đã rất hiếu động. Mẹ của Lênin cảm thấy nên tìm hiểu xem con mình sau khi phạm lỗi có nhận thức được hành vi không thật thà của mình hay không, đồng thời cũng nên để cậu bé tạo thói quen tự kiểm điểm bản thân. Bởi vậy bà quyết định khi đó không nói ra việc Lênin làm vỡ bình hoa.
Từ nhà người cô trở về đã được gần ba tháng, trong khoảng thời gian ba tháng đó, cả bà mẹ và Lênin đều không nhắc đến việc này. Bà mẹ bề ngoài tỏ ra im lặng, nhưng trong lòng đang chờ đợi Lênin tự phát hiện ra lỗi lầm của mình và dũng cảm nhận lỗi. Quả nhiên sự im lặng của mẹ làm cho Lênin cảm thấy rất day dứt. Cậu bé luôn do dự có nên nói cho mẹ biết lỗi lầm của mình hay không. Một hôm trước khi đi ngủ, bà mẹ như lệ thường đến bên giường của Lênin xoa đầu cậu bé.
Lênin không thể chịu đựng được sự giày vò của bản thân, đột nhiên khóc òa lên. Cậu bé nói với mẹ: “Con đã nói dối cô, bình hoa là do con làm vỡ đấy!”. Thấy con trai sau khi trải qua sự dày vò về tâm lý và tự kiểm điểm bản thân đã dũng cảm nhận lỗi, người mẹ nở nụ cười mãn nguyện. Bà an ủi con trai: “Con đã biết nhận lỗi chứng tỏ con là một cậu bé ngoan, mẹ sẽ viết thư cho cô, chắc chắn cô sẽ tha thứ cho con”.
Từ câu chuyện trên chúng ta có thể thấy, dẫn dắt con cái tự kiểm điểm bản thân nghĩa là sau khi cha mẹ phát hiện con mình mắc lỗi thì không trực tiếp chỉ ra lỗi lầm của con trước mặt người khác,
cũng không vội vàng dạy bảo con, mà lựa chọn phương pháp xử lý “tĩnh”, im lặng quan sát. Đồng thời khi đối diện với con, cha mẹ cũng cần biểu hiện thái độ im lặng, chờ đợi, để đứa trẻ thông qua thái độ của cha mẹ đối với mình mà nhận thức được hành vi sai trái của bản thân, một thời gian sau cần nhân thời cơ thích hợp mà tiến hành giáo dục trẻ.
Khi rèn luyện năng lực tự kiểm điểm bản thân của con cái, cha mẹ cần chú ý những điểm sau: Thứ nhất: Không trực tiếp chỉ trích sai lầm của trẻ.
Khi trẻ làm sai việc gì, cha mẹ không nên chỉ trích và đánh mắng quá đà, như vậy rất dễ gây ra ác cảm ở trẻ, từ đó nảy sinh những tình cảm tiêu cực, đồng thời hành động này cũng khiến thế giới nội tâm của trẻ bị ức chế. Cha mẹ nên áp dụng một số phương pháp giáo dục “tĩnh”, gián tiếp dẫn dắt trẻ tự kiểm điểm bản thân, phân biệt phải trái đúng sai.
Thứ hai: Để trẻ tự giải quyết hậu quả sai lầm của mình.
Trong cuộc sống hiện nay, khi trẻ em phạm lỗi, phần lớn các bậc cha mẹ đều gánh hết trách nhiệm thay con mình. Cách làm này khiến trẻ nghĩ rằng: “Về sau có làm sai chuyện gì cũng không sao, đã có cha mẹ thay mình chịu trách nhiệm rồi”. Dần dần chúng sẽ mất đi tinh thần trách nhiệm, không có lợi cho việc rèn luyện khả năng tự kiểm điểm của trẻ. Cha mẹ nên để trẻ tự gánh lấy hậu quả của việc mình đã làm, để chúng trải nghiệm sâu sắc rằng, hành vi sai trái của bản thân đã tạo ra những tổn thất không thể tránh khỏi.
Cuối cùng: Coi trọng tác dụng của tình cảm đạo đức tiêu cực.
Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ nên rèn luyện cho con nhiều tình cảm đạo đức tích cực như thẳng thắn, lương thiện, dũng cảm, giúp đỡ người khác… từ đó khiến trẻ có một tâm hồn tốt đẹp. Nhưng đồng thời, cần giúp trẻ có trải nghiệm sâu sắc về những tình cảm đạo đức tiêu cực như xấu hổ, áy náy… So sánh tình cảm đạo đức tiêu cực như xấu hổ, áy náy với tình cảm tích cực sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn trẻ, thúc đẩy chúng không ngừng tự kiểm điểm bản thân, phân biệt tốt xấu, đúng sai, kịp thời sửa chữa sai lầm.
Bởi vậy, khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ nên để chúng hiểu được sự khác biệt giữa xấu hổ, áy náy và lương thiện, dũng cảm. Việc này sẽ giúp bản thân trẻ có được khả năng phân biệt đúng sai. Nếu trẻ làm sai việc gì, cha mẹ có thể bình tĩnh trực tiếp chỉ ra lỗi lầm của trẻ, khiến chúng tự kiểm điểm bản thân, kích thích cảm giác xấu hổ và áy náy của chúng. Trong lòng chúng cũng sẽ ngầm trách móc bản thân, về sau tuyệt đối không được phạm sai lầm như vậy nữa.