. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu
3. Xử lí nghiêm khắc với hành vi trộm cắp của con
Ăn cắp một thanh kẹo trong siêu thị, lấy bút máy của bạn đem về, giấu đồ chơi của bạn đi… Dường như thuở nhỏ ai cũng đã từng có những hành vi tương tự. Có thể coi đây chỉ là những việc làm bồng bột của con trẻ, nhưng cha mẹ thì không thể không chú ý. Người xưa đã từng nói: Lúc nhỏ chỉ ăn cắp cái kim, nhưng lớn lên sẽ ăn cắp tiền. Vì tương lai của con, cha mẹ phải có thái độ nghiêm khắc đối với hành vi trộm cắp của trẻ.
Trẻ em rất dễ bị tác động của thế giới bên ngoài, nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện và sửa chữa khuyết điểmcũng như lỗi lầm của trẻ thì rất dễ khiến chúng ngày càng lún sâu vào sai lầm. Nhưng muốn làm được như vậy không hề đơn giản, trẻ có cá tính và suy nghĩ riêng của mình, chưa chắc đã chịu nghe theo những lời dạy bảo của cha mẹ.
“Thưa cô, em bị mất bút máy ạ”, “Thưa cô, vở bài tập của em không thấy đâu nữa”. Ở trường tiểu học, những chuyện như thế này dường như ngày nào cũng có, khiến các thầy cô giáo hết sức đau đầu. Những đồ vật bị mất này có thể liên quan đến chính các học sinh khác.
Cha mẹ cần tiến hành phân tích cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể.
Cha mẹ của bé Lượng là những người làm ăn buôn bán, gia đình rất giàu có. Do cha mẹ bận công việc nên ngay từ nhỏ bé Lượng đã lớn lên cùng ông bà. Ấn tượng mà cha mẹ để lại trong ký ức của cậu bé chỉ là mỗi lần cha mẹ về thăm đều cho rất nhiều tiền. Mẹ cậu còn dặn dò: “Con thích mua gì thì cứ mua”. Vậy là trong cặp sách của Lượng lúc nào cũng có đầy đồ chơi đẹp, khiến bạn bè vô cùng ngưỡng mộ, có lúc cậu còn rất hào phóng đem đồ chơi cho các bạn, bạn bè đều gọi cậu là “công tử nhà giàu”. Nhưng không ai ngờ được cậu “công tử nhà giàu” không thiếu thốn thứ gì lại có thể đi ăn cắp đồ dùng học tập của bạn cùng lớp. Cần phải biết rằng đồ dùng học tập của cậu còn nhiều hơn bất kỳ bạn nào trong lớp. Khi các thầy cô giáo đang thấy vô cùng khó hiểu thì một thầy giáo hướng dẫn chuyên về tâm lý trẻ em đã đưa ra lời giải đáp: thực ra, hành vi của bé Lượng là một biểu hiện rất điển hình của tâm lý lệch lạc. Cha mẹ của bé Lượng chỉ biết cho con tiền mà bỏ qua việc giáo dục con cách tiêu tiền, hơn nữa lại hình thành nên một thói quen xấu ở cậu bé là thích gì thì mua cái ấy, vô hình trung đã tạo cho cậu bé cảm giác tự cho mình hơn tất cả. Nếu thấy
người khác có đồ gì đẹp hơn của mình thì nảy sinh tâm lý đố kỵ, do đó cậu bé liền lấy trộm đồ của bạn.
Hành vi lấy trộm đồ của bé Lượng rõ ràng là do cách giáo dục không đúng của cha mẹ gây ra. Trong cuộc sống thực tế rất nhiều đứa trẻ có hành vi trộm cắp đều có liên quan mật thiết đến hoàn cảnh gia đình. Khi đối mặt với hành vi trộm cắp của con cái, cha mẹ nên phân tích cụ thể từng vấn đề, không nên chụp cho con cái mũ kẻ trộm. Đối với hành vi của bé Lượng, cha mẹ cậu bé nên giúp cậu hiểu rằng, cái gì của người khác có nghĩa là cái đó không thuộc về mình, không thể tùy tiện lấy về được. Thông thường lúc này trẻ đều đã cảm thấy xấu hổ day dứt, chỉ cần cha mẹ kiên nhẫn dạy bảo thì sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn.
Dạy trẻ học cách đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ.
Do bị hạn chế về tuổi tác nên trẻ có thể chưa hiểu rõ hai từ “trộm cắp” có ý nghĩa như thế nào, cha mẹ nếu chỉ giảng giải đạo lý cho trẻ thì chưa chắc đã đạt được hiệu quả cao. Thay vào đó, cha mẹ nên dạy trẻ cách đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ, có thể nói với trẻ rằng: “Nếu con lấy đồ của bạn thì bạn sẽ rất buồn. Nếu đồ của con bị người khác lấy mất, bản thân con cũng sẽ không vui”. Đồng thời để trẻ hiểu được rằng: có rất nhiều cách để thu hút sự chú ý của người khác, nhưng trộm cắp là một việc làm sai trái, bị mọi người ghét bỏ. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng hiểu và tiếp thu.
Không nên tìm lý do biện minh cho trẻ .
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con mình vẫn còn nhỏ, có lấy đồ của người khác cũng là chuyện khó tránh, sau này khi chúng lớn lên tự khắc sẽ thay đổi. Còn một số bậc cha mẹ lại cho rằng, trẻ lấy trộm đồ chỉ vì muốn thể hiện với bạn bè, hoặc muốn thu hút sự chú ý của người khác, chứ hoàn toàn không phải là vì muốn lấy trộm, do đó thường không coi trọng chuyện này. Dung túng cho trẻ như vậy là hoàn toàn sai lầm, rất dễ cổ vũ thêm cho hành vi trộm cắp của trẻ, đến khi chúng lớn lên sẽ rất dễ đi theo con đường sai trái.
Trừng phạt không nên quá nghiêm khắc.
Có một số bậc cha mẹ tính cách rất thẳng thắn chính trực, đòi hỏi con cái cũng rất nghiêm khắc, một khi thấy trẻ lấy trộm đồ của người khác thì lập tức đánh mắng chúng. Đương nhiên, chúng ta có thể hiểu được tấm lòng của cha mẹ, nhưng phương pháp giáo dục này thường không mang lại hiệu quả. Nếu làm không tốt còn khiến trẻ nảy sinh tâm lý chống đối, có ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục sau này.
Cha mẹ cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề, nhiều khi trẻ không ý thức được hành vi của chúng, đặc biệt là những đứa trẻ dưới 5 tuổi. Chúng cũng không hiểu rõ sự khác biệt giữa “của mình” và “không phải của mình”, thường cho rằng “cái gì mình thích là của mình”, cũng chưa hình thành nên quan niệm đạo đức đúng đắn. Chúng chỉ cho rằng đó là những đồ vật mà mình yêu thích, có thể xuất phát từ tính hiếu kỳ mà nảy sinh hành động trộm cắp. Do vậy, việc “lấy đồ” lúc này không được coi là “lấy trộm”. Nếu cha mẹ có phản ứng quá gay gắt sẽ rất dễ làm tổn thương đến tâm lý của trẻ, khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Lúc này cha mẹ có thể dẫn trẻ đi mua đồ, để trẻ hiểu rằng: chỉ khi đi mua về thì đồ vật mới là của mình. Đương nhiên cũng có thể để trẻ tự trải nghiệm bằng cách để chúng tự trả tiền cho món đồ đó.
Ngoài ra cha mẹ cũng cần chú ý, không được trách mắng con cái ở nơi công cộng vì trẻ cũng có lòng tự trọng của chúng, hơn nữa trẻ rất nhạy cảm. Nếu làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ sẽ
khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Cha mẹ cần cố gắng hết sức để giúp trẻ hiểu rằng việc mà chúng làm là không đúng, chúng không được tự tiện lấy đồ của người khác, nếu muốn lấy thì phải được sự đồng ý của người đó… Nếu trẻ vẫn không nghe lời thì cha mẹ có thể trừng phạt chúng một cách nhẹ nhàng, ví dụ không cho chúng xem tivi…
Không được sĩ diện.
Một số cha mẹ có tính sĩ diện, sợ người khác biết được hành vi không tốt của con thì sẽ cười nhạo cha mẹ, bởi vậy họ nghĩ đủ mọi cách dạy con làm thế nào để che giấu, kết quả khiến trẻ cảm thấy không còn gì áy náy với hành vi của mình nữa. Dần dần hành vi của trẻ được dung túng, một khi đã hình thành nên thói quen xấu thì sẽ rất khó để thay đổi.
Hiểu rõ động cơ “ăn cắp” của con cái.
Đương nhiên sau khi trẻ ăn trộm đồ, nếu cha mẹ chỉ bắt chúng đem trả lại món đồ đó và xin lỗi người bị mất thì chỉ có thể chữa được căn bệnh bên ngoài chứ chưa trị được tận gốc. Nếu muốn chữa trị tận gốc, cha mẹ cần tìm hiểu động cơ nào đã khiến con mình ăn trộm. Có phải do bình thường cha mẹ không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của con, khiến chúng khi nhìn thấy người khác có thứ mà mình muốn thì lấy? Do trẻ muốn bắt nạt bạn khác? Hay do tâm lý coi mình là trung tâm, khi thấy thứ gì mà mình không có thì sẽ tìm cách để có được? Hoặc do chúng cho rằng đây là một hành vi thể hiện sự dũng cảm, cho rằng việc ăn trộm là một hành vi thể hiện bản lĩnh của mình?
Tóm lại, cần tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thì mới có thể giúp trẻ từ bỏ hoàn toàn hành vi xấu.
Bé Ba năm nay 7 tuổi. Gần đây những hành vi của cậu bé khiến cô giáo hết sức thất vọng. Cậu thường lấy những đồ như bút máy, vở bài tập, giấy màu, đồ chơi… của các bạn, ở nhà thì lục quần áo của cha mẹ, ở trường thì lục ngăn bàn của bạn, thậm chí có lần còn lén vào văn phòng lục ngăn kéo của cô giáo. Tóm lại, chỉ cần là những thứ mà cậu bé thích thì cậu sẽ tìm đủ mọi cách để lấy cho bằng được. Cô giáo đã nhắc nhở cậu rất nhiều lần, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, khiến cô giáo hết sức đau đầu. Cuối cùng cô quyết định đến gặp cha mẹ của cậu bé để tìm hiểu tình hình. Ba vốn là con một trong gia đình nhưng từ nhỏ đã không được hưởng tình yêu thương của cha mẹ, do từ khi cậu bé còn rất nhỏ, cha mẹ cậu đã ly hôn và sau đó cả hai đều có gia đình riêng. Do vậy, từ khi còn nhỏ cậu bé đã phải sống cùng ông bà. Trong lòng cậu bé luôn tràn ngập tâm lý bất mãn: “Tại sao mình không được cha mẹ thương yêu? Tại sao hàng ngày mình không được uống sữa? Tại sao cô giáo không bao giờ khen mình?”. Vậy là cậu bé ngày càng buông thả và khác người, để thu hút sự chú ý của người khác, cậu đã chọn cách “ăn trộm”. Vậy là bé Ba ngày càng không thể khống chế nổi bản thân, dần dần bị mọi người xa lánh.
Nhiều món đồ mà trẻ ăn trộm có giá trị rất thấp, chỉ với mục đích là thỏa mãn tính hiếu kỳ của bản thân. Một số trẻ lại đi ăn trộm những thứ mà trong nhà mình cũng có. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đây là biểu hiện của sự xáo trộn tình cảm ở trẻ. Có thể chúng ăn trộm nhằm thỏa mãn một tâm lý nào đó. Một số đứa trẻ để lấy lòng bạn bè đã không ngại lấy trộm tiền ở nhà đi mua đồ ăn vặt chia cho các bạn, nhằm tạo nên tình cảm tốt đẹp với các bạn, loại bỏ cảm giác cô đơn và phiền muộn. Việc “ăn trộm” của chúng chỉ nên coi là một dạng hành vi chiếm hữu không thành thật. Khi gặp phải tình huống này, chamẹ cần kiểm điểm lại chính bản thân, liệu có phải mình đã quản lý con cái quá nghiêm khắc hay không? Nên chăng cho con một ít tiền tiêu vặt? Cha mẹ cần kịp thời chấn chỉnh những tâm tư tình cảm không tốt của con, hàng ngày cần quan tâm đến việc học tập và sinh hoạt của chúng, những ngày nghỉ lễ cần dành thời gian đưa trẻ đi chơi, tạo nên bầu
không khí gia đình hòa thuận vui vẻ, không được để “ăn trộm” trở thành một thói quen xấu của con cái.
Thường xuyên trò chuyện với con cái.
Trò chuyện là cách hữu hiệu để hiểu được thế giới nội tâm của trẻ. Cha mẹ cần chú ý học cách bảo vệ lòng tự trọng dễ bị tổn thương của con cái, để chúng tự giác nói ra những suy nghĩ thật của mình. Như vậy cha mẹ mới có thể trò chuyện, dạy dỗ con cái có hiệu quả.