. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu
6. Giúp con loại bỏ tâm lý lo sợ thi cử
Ngày nay, việc trẻ em sợ thi cử đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến. Trước khi thi trẻ thường có tâm lý lo lắng, sợ hãi, mất ngủ… Có một số trẻ bình thường vốn rất chăm chỉ học tập, trước ngày thi cũng ôn tập lại, chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng đến khi thực sự bước vào phòng thi thì lại thấy hoa mắt chóng mặt, trống ngực đập liên hồi, toát mồ hôi tay… dường như tất cả kiến thức đều quên sạch, sau khi nộp bài xong mới nhớ lại thì đã muộn.
Thông thường có hai loại áp lực khiến trẻ mắc “chứng sợ thi cử”. Loại thứ nhất xuất phát từ việc đứa trẻ có hy vọng quá cao vào bản thân; còn loại thứ hai là do đứa trẻ chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức, từ đó dẫn đến việc lo lắng, không làm được bài thi, trong quá trình học thường có biểu hiện lo lắng bất an. Ngay cả những đứa trẻ thường xuyên có thành tích đứng đầu lớp cũng có thể lo lắng quá mức về kết quả bài thi.
Những đứa trẻ này vốn có thành tích tốt nên luôn đặt ra yêu cầu quá cao đối với bản thân, tâm lý hiếu thắng cũng rất mạnh, lúc nào cũng chỉ muốn xếp thứ nhất, hy vọng bản thân có thể đạt được thành tích tốt, khó lòng chấp nhận kết quả thi không cao, nhưng càng hy vọng đạt được điểm cao thì kết quả lại thường ngược lại. Khi phải đối diện với lượng kiến thức lớn, kỳ vọng cao của cha mẹ và mong ước mãnh liệt có được một tương lai tốt đẹp của chính bản thân, mâu thuẫn trong nội tâm của trẻ khiến chúng thấy sợ việc thi cử, từ đó gây ra tâm lý sợ hãi. Tóm lại, mức độ hy vọng là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng sợ thi cử của các thí sinh. Hiện tượng này phần lớn là do các thí
sinh có yêu cầu quá cao, vượt quá trình độ của bản thân, trước khi thi bị mất tự tin, ảnh hưởng đến khả năng phát huy và kết quả bài thi. Có những đứa trẻ thậm chí khi bối rối còn không thể tập trung đầu óc, không thể phát huy trình độ của bản thân ngay cả ở mức bình thường.
Tiểu Yến năm nay phải thi tốt nghiệp cấp 2, gần đến ngày thi cô bé liên tục nói với mẹ: “Mẹ ơi, con mong mình sẽ nhanh chóng trở thành người lớn”. Bà mẹ rất ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao con lại muốn làm người lớn? Cuộc sống hiện tại có gì không tốt hay sao?”. Chỉ thấy Tiểu Yến lắc đầu, tỏ vẻ không đồng ý.
Sau khi hỏi rõ nguyên nhân, bà mẹ mới biết, thì ra câu trả lời hết sức đơn giản: “Người lớn thì không cần đi thi”.
Tiểu Yến vốn rất sợ phải đi thi, bởi vậy tình cảm của cô bé rất không ổn định, thành tích cũng thất thường. Khi phải đối diện với tình huống này, bà mẹ nhất thời không biết nên làm thế nào.
Chứng sợ thi cử của Tiểu Yến chỉ là một hiện tượng rất phổ biến trong cuộc sống. Vậy nên giải quyết vấn đề này như thế nào? Cha mẹ phải làm thế nào mới có thể giảm bớt áp lực học tập của con cái? Các chuyên gia cho rằng, khi gặp phải tình huống như vậy, vừa phải xử lý phần ngọn, đồng thời cũng cần trị tận gốc.
Trước hết: Cha mẹ nên thay đổi quan niệm giáo dục truyền thống, xây dựng quan niệm giáo dục mới, phát triển tố chất một cách toàn diện cho trẻ. Thông thường, có một số trẻ trước khi thi cử thường có tâm lý lo lắng do không đủ lòng tự tin. Chúng đánh giá quá tiêu cực đối với chính bản thân mình. Lúc này cha mẹ nên dạy trẻ cách thổ lộ những tâm tư tình cảm trong lòng, thay đổi sự đánh giá tiêu cực về bản thân để khắc phục áp lực trong học tập và chứng sợ hãi thi cử.
Thứ hai: Muốn loại bỏ chứng sợ thi cử của trẻ, cha mẹ nhất thiết phải có lòng kiên nhẫn. Thường ngày cần chú ý đến nhất cử nhất động của con, kịp thời hướng dẫn trẻ thoát khỏi những trạng thái tâm lý không tốt. Thông thường, trước các kì thi trẻ đều có tâm lý lo lắng, sợ hãi. Khi đó cha mẹ nên giúp con chuyển sự chú ý vào những việc mà chúng có hứng thú. Ví dụ, để trẻ hát những bài mà chúng yêu thích, dẫn chúng đến những nơi chúng muốn, hoặc thay đổi lại cách sắp xếp đồ đạc trong phòng riêng… Những biện pháp này đều có tác dụng hết sức quan trọng giúp trẻ cải thiện tâm lý. Tạo ra bầu không khí gia đình vui vẻ đầm ấm, giúp trẻ đối diện với kỳ thi một cách bình tĩnh.
Trước các kì thi, nếu chú ý quan sát cha mẹ có thể nhận thấy ở một số trẻ mặc dù rất muốn học hành chăm chỉ nhưng học lại không có hiệu quả, đặc biệt là khi phải học đi học lại cùng một nội dung kiến thức nào đó sẽ dẫn đến tâm lý nhàm chán. Còn có một số trẻ càng đến sát kỳ thi thì thành tích học tập càng giảm sút, trí nhớ cũng kém đi…
Lúc này việc cha mẹ cần làm chính là cố gắng hết sức giúp trẻ có được tâm lý thoải mái, nói ra những điều u uất phiền muộn hay sợ hãi trong lòng, giúp trẻ hiểu rằng thi cử chỉ là một cách để kiểm tra tình hình học tập thường ngày của chúng chứ không thể hiện tương lai của chúng, như vậy mới có thể thay đổi tình trạng cảm xúc không vui của trẻ. Có một số bậc cha mẹ rất coi trọng kết quả thi của con, lấy đó làm thước đo để đánh giá khả năng của con mình. Có người thấy con đạt được thành tích tốt thì hết sức vui mừng, khen ngợi không hết lời; thấy con thi không tốt thì lập tức mắng con là “dốt nát”, như vậy càng tăng thêm áp lực cho trẻ.
Nếu cha mẹ chỉ nhìn vào điểm số thì trẻ sẽ rất coi trọng các kỳ thi, vô tình tự tạo thêm áp lực cho bản thân, dần dần sẽ sinh ra tâm lý sợ thi cử. Cha mẹ cần hiểu rằng áp lực học tập và chứng sợ hãi thi cử luôn đồng hành với nhau.
Chứng sợ hãi thi cử là một dạng trạng thái tình cảm lo lắng, sợ hãi phức tạp và kéo dài thường thấy ở các thí sinh. Cũng giống như áp lực học tập hàng ngày, việc sợ hãi quá mức có mối quan hệ trực tiếp với kết quả thi. Bởi vậy, trong thời gian chuẩn bị tới kỳ thi của trẻ, cha mẹ nên cố gắng hết sức giúp trẻ loại bỏ những ảnh hưởng không tốt từ bên ngoài, giữ được tâm trạng tương đối bình tĩnh, điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp trẻ ổn định tình cảm, tâm lý để đối mặt với kỳ thi.
Nếu để trẻ lúc nào cũng phải so sánh với người khác sẽ dễ gây thêm áp lực cho chúng. Cha mẹ cần phải khống chế tình cảm của mình, tuyệt đối không nên để lộ ra ngoài, nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý của trẻ.
Trong thực tế, có một số bậc cha mẹ quá quan tâm đến con cái, khi trẻ đang ôn bài lại đưa cho con cốc sữa, lát sau lại cho con miếng dưa. Có một số người thậm chí còn ngồi bên cạnh học bài cùng con. Quan tâm đến con là việc tốt, nhưng nếu quan tâm quá mức sẽ chỉ tạo thêm áp lực cho trẻ, khiến chúng càng nghĩ rằng chỉ có đạt được kết quả cao mới xứng đáng với sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, nhưng càng nghĩ như vậy thì trẻ càng khó đạt được kết quả cao. Do vậy, cha mẹ cần phải biết kiềm chế sự “quan tâm” của mình, để trẻ có thời gian và không gian riêng, học tập và nghỉ ngơi một cách độc lập, tự chủ.
Do trẻ còn ít tuổi nên khó có thể đối mặt với áp lực quá sớm trên nhiều mặt. Bởi vậy, cha mẹ nên căn cứ vào tình hình cụ thể của con, tiến hành phân tích cụ thể để trẻ học tập và nghỉ ngơi hợp lý, hiểu được con mình cần gì và không cần gì, hiểu biết và công bằng. Khi đối mặt với áp lực, nhiều đứa trẻ sẽ có biểu hiện đau khổ, hoang mang. Lúc đó cha mẹ phải làm tốt việc giảm bớt áp lực cho trẻ. Trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng thấy đôi lúc trẻ cãi lại cha mẹ, oán trách cha mẹ nói quá nhiều hoặc quá nghiêm khắc với chúng.
Lúc này cha mẹ không nên trách mắng trẻ quá nặng nề, bởi khi trẻ đã bộc lộ hết bực bội trong lòng thì áp lực sẽ được giảm bớt phần nào. Cha mẹ càng không nên lấy địa vị bề trên của mình để “trấn áp” trẻ, bắt chúng chỉ được phép nghe lời chứ không có quyền “thương lượng” với cha mẹ. Thật ra trẻ cũng có rất nhiều điều muốn nói. Tại sao cha mẹ không thử làm những người bạn lắng nghe trẻ tâm sự, để chúng thổ lộ hết mọi điều thầm kín trong lòng? Hãy để trẻ đi thi với tâm trạng nhẹ nhõm, kết quả không quan trọng, chỉ cần chúng làm hết sức của mình là được. Khi được cha mẹ an ủi, động viên và cổ vũ, tâm trạng của trẻ sẽ tốt lên rất nhiều. Cách trò chuyện tâm sự như vậy khiến tâm trạng của trẻ nhanh chóng chuyển từ xấu sang tốt.
Trước các kỳ thi, môi trường gia đình có tác dụng rất lớn đối với trẻ. Lúc này trẻ tương đối nhạy cảm, trạng thái tình cảm của cha mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của chúng. Nếu lúc này cha mẹ vì lo lắng cho con mà suốt ngày buồn rầu thì trẻ cũng sẽ thấy buồn rầu, cha mẹ lo lắng, sợ hãi thì trẻ cũng lo lắng, sợ hãi. Do vậy, trước kỳ thi cha mẹ phải giữ được tâm trạng lạc quan vui vẻ, luôn chú ý đến mọi lời nói cử chỉ của mình, truyền đến con một thông điệp nhẹ nhàng, thoải mái.
Chương 3: Giúp con có những thói quen tốt
Trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành, rất dễ uốn nắn, chỉ cần cha mẹ kịp thời chú ý hướng dẫn thì trẻ sẽ hình thành được các thói quen tốt. Đương nhiên, việc hình thành nên các thói quen tốt này không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần bắt nguồn từ những vấn đề cụ thể, trải qua một quá trình, như vậy thói quen tốt sẽ dần được hình thành.