Napoleon đã từng nói: “Những binh sĩ không muốn làm tướng là những binh sĩ tồi”. Có thể thấy, một binh sĩ nếu không có chí tiến thủ thì sẽ nghiêm trọng như thế nào. Chí tiến thủ là một sức mạnh vô cùng lớn, khiến con người không cảm thấy sợ hãi khi phải đối mặt với vất vả, khó khăn. Chí tiến thủ có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trong việc học tập của trẻ em. Những đứa trẻ có chí tiến thủ thì sau này bất kể làm công việc gì cũng sẽ chăm chỉ, luôn sẵn sàng đối diện với cuộc sống.
Chí tiến thủ của trẻ là một dạng biểu hiện cụ thể của ý thức cá nhân, là động lực quan trọng giúp trẻ trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Vậy cha mẹ nên làm thế nào để kích thích chí tiến thủ của trẻ?
Thứ nhất: Cha mẹ cần hiểu rõ, không có chí tiến thủ và không yêu thích học hành là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, sau khi làm rõ sự khác biệt giữa chúng mới có thể tìm ra cách giải quyết.
Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng con mình không thích học là do không có chí tiến thủ. Thật ra đây là một cách nghĩ hết sức chủ quan. Chí tiến thủ chính là một dạng phẩm chất tâm lý nỗ lực tiến lên phía trước, quyết tâm làm nên công trạng nào đó. Chí tiến thủ của trẻ em trên thực tế chính là một dạng “thuốc kích thích” tích cực tiến lên. Đối với trẻ em, chỉ những việc mà chúng thấy thích thú mới quan trọng. Đương nhiên cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những việc mà cha mẹ chúng quan tâm là không quan trọng. Nếu trẻ em thực sự không thích những việc mà cha mẹ yêu cầu chúng thực hiện thì kết quả thu được không tốt là điều hết sức bình thường. Trong thế giới của trẻ thì sở thích tự nhiên quan trọng hơn tất cả, bởi vậy việc chúng không thích học không có nghĩa là chúng không có chí tiến thủ.
Trong cuộc sống, một số trẻ em có chí tiến thủ nhưng kết quả học tập lại không cao, nguyên nhân chủ yếu là do phương pháp học tập không đúng. Cha mẹ cần nhanh chóng giúp trẻ điều chỉnh phương pháp học tập cho phù hợp, tập trung vào việc phân tích giải quyết các vấn đề cụ thể chứ không nên trách mắng con cái. Cha mẹ cần đứng ở vị trí của con cái để suy nghĩ, loại bỏ tình cảm đối địch, có được sự tin tưởng của chúng, cùng con tìm ra nguyên nhân của vấn đề và giải quyết. Cha mẹ cần căn cứ vào đặc điểm của mỗi đứa trẻ, áp dụng phương pháp giáo dục kết hợp với yêu thương, đề cao thế giới tư duy của chúng. Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con cái về thế giới muôn màu muôn vẻ, giúp chúng hiểu biết về tương lai, suy ngẫm đạo lý làm người và con đường phía trước của mình, từ đó tạo ra sức mạnh để tích cực tiến lên phía trước. Cần nhớ rằng, ngọc bất trác bất thành khí, chí tiến thủ của trẻ cũng vậy, không phải tự nhiên mà có, trẻ cần được cha mẹ kích thích, khiến cho áp lực bên ngoài chuyển hóa thành động lực bên trong của trẻ.
Thứ hai: Để kích thích chí tiến thủ của trẻ, cha mẹ cần thấu hiểu và quan tâm đến con cái, thường xuyên khẳng định sự tiến bộ và ưu điểm của trẻ.
Trong cuộc sống thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ luôn có những biểu hiện không hài lòng về con mình. Việc này không những không thể kích thích chí tiến thủ của trẻ mà ngược lại, khiến nhân cách của chúng bị tổn thương, thậm chí trẻ còn cam chịu thất bại. Mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu bức thiết được công nhận, được coi trọng, được quan tâm, động viên và ủng hộ; mỗi đứa trẻ đều có khát vọng đạt được thành tựu, sự tin tưởng của mọi người. Nếu một trong những điều này được đáp ứng thì đứa trẻ sẽ biết quý trọng và chuyển sự quý trọng đó thành một dạng động lực để cố gắng. Đôi lúc trẻ cố ý làm một số việc không đúng, một sự phá phách nho nhỏ, thực ra là để thu hút sự chú ý của người lớn với mình, cha mẹ vì không hiểu con nên có những nhận định sai lầm, cho rằng con mình không có chí tiến thủ. Đứa trẻ nào cũng hy vọng mình là đứa trẻ ngoan, được mọi người yêu quý, bởi vậy cha mẹ cần phải hiểu rõ tình hình thực tế rồi mới đưa ra hành động, không nên kết luận sự việc một cách vội vàng.
Nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong học tập có thể do chúng bị yếu về một kỹ năng nào đó. Ví dụ, muốn học giỏi môn văn thì cần có khả năng đọc hiểu tốt và khả năng ghi nhớ nhất định. Những đứa trẻ giỏi môn toán thì có năng lực tư duy khá tốt. Cha mẹ cần giúp trẻ rèn luyện những khả năng này. Ngoài ra, do trẻ còn nhỏ tuổi, bản tính thích chơi đùa, đồng thời không thể đưa ra sự đánh giá chính xác đối với bản thân nên không có khả năng tự điều chỉnh, tự đôn đốc, tự giáo dục hay tự động viên bản thân.
Thứ ba: Muốn kích thích chí tiến thủ của trẻ, cha mẹ cần chú ý đến phương pháp giáo dục, hạn chế châm biếm hay nói kháy, tăng cường động viên và tin tưởng trẻ.
Châm biếm hay nói kháy trẻ là phương pháp giáo dục hết sức sai lầm, đi ngược lại lý luận giáo dục đúng đắn. Những lời nói mang tính châm biếm có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn và chí tiến thủ của trẻ, thậm chí khiến chúng trượt dài trên sai lầm. Điều này có ảnh hưởng xấu đến tính tích cực của trẻ, thậm chí có những đứa trẻ còn từ bỏ tất cả những nỗ lực trước đây. Chỉ khi cha mẹ học được cách động viên và hướng dẫn con cái thì mới có thể kích thích chí tiến thủ của chúng. Mọi đứa trẻ đều có chí tiến thủ, bao gồm cả những đứa trẻ phạm sai lầm, chúng hy vọng được cha mẹ khen ngợi, động viên và ủng hộ. Khi đứa trẻ có tiến bộ hoặc làm việc tốt mà được cha mẹ động viên, khen ngợi thì tinh thần vui vẻ, lòng tự tin, tự tôn và chí tiến thủ được tăng cường, từ đó nảy sinh mong muốn tiếp tục cố gắng và làm nhiều việc tốt.
Trong một số gia đình, bản thân cha mẹ cũng không có chí tiến thủ, họ không chịu cố gắng trong công việc, càng không coi trọng nhu cầu về mặt tình cảm và trí tuệ của con cái, trong cách dạy dỗ con cái cũng không có mục tiêu rõ ràng, họ rất ít khi trò chuyện với con, cùng con chơi trò chơi hay đọc truyện cho con nghe, việc đó đã góp phần gây trở ngại cho chí tiến thủ của trẻ. Do đó, cha mẹ cần có chí tiến thủ trong công việc cũng như trong cuộc sống để làm gương cho con cái.
Thứ năm: Khích lệ lòng ham hiểu biết của trẻ, từ đó kích thích chí tiến thủ của chúng.
Chí tiến thủ là nguồn động lực quan trọng cho sự trưởng thành và nỗ lực học tập của trẻ, nhưng chí tiến thủ không phải bẩm sinh có sẵn mà phải thông qua sự rèn luyện, ví dụ như lòng ham hiểu biết có thể kích thích chí tiến thủ của trẻ. Lòng ham hiểu biết là liều thuốc kích thích chủ yếu cho chí tiến thủ của trẻ. Dưới tác động của lòng ham hiểu biết và mục tiêu phấn đấu, trẻ sẽ tích cực cố gắng, những khuyết điểm của bản thân sẽ ngày càng ít đi, ưu điểm ngày càng nhiều lên. Cha mẹ cần không ngừng khích lệ trẻ, giúp chúng giữ vững chí tiến thủ, sửa đổi tật xấu của bản thân, vượt qua mọi khó khăn trong học tập, từng bước thực hiện lý tưởng nhân sinh.
Cha của nhà bác học nổi tiếng thế giới Einstein một hôm đã mua cho con trai mình một chiếc la bàn. Cậu bé Einstein rất vui, lúc nào cũng cầm theo món đồ chơi đó bên mình. Đột nhiên, đôi mắt cậu bé bị thu hút bởi cây kim nhỏ màu đỏ khẽ chuyển động dưới lớp kính của chiếc la bàn, cậu liền cầm la bàn lật lên lật xuống, nhưng cây kim nhỏ đó lúc nào cũng chỉ theo hướng ban đầu, không thay đổi. Cậu bé Einstein cảm thấy rất hiếu kì bèn đi hỏi cha: “Cha ơi, cây kim nhỏ màu đỏ này tại sao lại không thay đổi phương hướng?”. Người cha không trả lời ngay mà nói với con trai rằng: “Con thử nghĩ xem sao”. Vậy là một cây kim la bàn nhỏ bé đã làm khơi dậy lòng hiếu kỳ tìm hiểu sự vật của cậu bé Einstein, kích thích sự nhiệt tình học hỏi và chí tiến thủ mạnh mẽ của cậu.
Lòng ham tìm hiểu của trẻ thường làm cho người lớn phải kinh ngạc. Bởi vậy, khi cha mẹ khen ngợi con mình thông minh cũng như khi mắng mỏ chúng không chịu cố gắng thì không được quên khích lệ lòng ham hiểu biết của trẻ một cách phù hợp.
Thứ sáu: Giúp trẻ đặt ra mục tiêu lâu dài.
Nguồn gốc chí tiến thủ mạnh mẽ của trẻ trước hết chính là sự theo đuổi những mục tiêu lâu dài. Cuộc sống nếu không có mục tiêu thì chẳng khác nào một con thuyền đi trên biển mà không có la bàn, trôi dạt không bến đỗ. Bởi vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con cái đặt ra những mục tiêu học tập rõ ràng, đồng thời tăng cường rèn luyện chí tiến thủ cho trẻ. Nếu trẻ có thể thực hiện được cả hai điều này thì chúng đã có đủ khả năng để vững bước vào đời. Có thể nói, nếu không có mục tiêu thì thành công chỉ là chuyện hão huyền.
Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không được nhầm lẫn chí tiến thủ, lòng tự tin mạnh mẽ của con với lòng kiêu ngạo.
Tinh thần dồi dào, tràn đầy tình cảm là điều kiện thiết yếu để trẻ nỗ lực học hành cũng như đạt được thành tích tốt. Cha mẹ không những không được làm tổn thương những tình cảm này mà còn phải ra sức bồi đắp. Nếu trẻ lúc nào cũng bị trách mắng, lúc nào cũng thấy trong lòng không vui thì tinh thần của chúng sẽ ngày càng xuống thấp, dần dần đánh mất lòng tự tin, tự tôn và chí tiến thủ.
Tóm lại, chí tiến thủ tích cực là động lực giúp trẻ không ngừng cố gắng vươn lên. Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Bậc thang vốn sinh ra không phải là nơi đặt chân, nó chỉ là chỗ cho người ta giẫm chân lên trong một thời gian ngắn, để bàn chân kia có thể tiếp tục bước lên cao hơn nữa”. Cha
mẹ phải để con mình biết được rằng, trên con đường đời của mỗi người, điều quan trọng không phải là vượt qua người khác mà là vượt qua chính bản thân mình.