Giám đốc Trương phát hiện thấy siêu thị của mình không được nhiều trẻ em yêu thích. Điều này khiến ông suy nghĩ rất nhiều mà vẫn không lý giải được. Một hôm khi đang đi kiểm tra hàng, thấy dây giày bị tuột, ông bèn cúi xuống để buộc lại. Khi vừa cúi xuống thì ông chợt hiểu ra, câu trả lời mà bấy lâu ông vất vả tìm kiếm giờ đã hiện ra trước mắt. Do chiều cao của trẻ em có hạn nên thông thường chỉ nhìn được những giá để hàng ở bên dưới, mà những giá để hàng này phần lớn đều là thùng đựng hàng hoặc một số đồ dùng hàng ngày, rõ ràng là những thứ này không thu hút được sự yêu thích của trẻ. Vậy là ông Trương liền điều chỉnh lại cách sắp xếp hàng hóa, việc làm này quả nhiên đã thu được hiệu quả rất tốt.
Câu chuyện trên đã cho thấy một vấn đề vô cùng quan trọng nhưng thường bị mọi người bỏ qua. Đó chính là việc khi cha mẹ giáo dục con cái nên đứng ở địa vị của con để suy nghĩ, lý giải thế giới nội tâm của chúng, như vậy mới đạt được hiệu quả giáo dục tốt.
Nhiều lúc cách nghĩ của trẻ em trong con mắt của người lớn là hoang đường và buồn cười, nhưng chúng lại có đạo lý riêng của mình. Có lúc những quan niệm mà người lớn cho là đúng đắn lại không thể áp dụng đối với trẻ. Bởi vậy, người lớn không nên dùng con mắt của mình để nhìn thế giới ngây thơ của trẻ, bởi lũ trẻ nhìn thế giới ở địa vị của bản thân chúng, do vậy cách phân tích và xử lý vấn đề của trẻ hoàn toàn khác với người lớn.
Cần học cách lắng nghe tâm sự của trẻ, bước vào thế giới nội tâm của chúng
Thông thường cha mẹ hay trách mắng hành vi của con cái là do chúng không thực hiện theo cách mà cha mẹ mong muốn. Vậy tại sao trẻ đi ngược lại mong muốn của cha mẹ, không làm theo những quy định của cha mẹ? Vấn đề này đáng để các bậc cha mẹ tập trung suy nghĩ.
Người lớn làm việc gì cũng có lý do, trẻ em cũng vậy. Nếu cha mẹ chịu khó quan sát sẽ phát hiện thấy góc độ nghiên cứu vấn đề của trẻ em và người lớn là hoàn toàn khác nhau. Nếu đứng trên lập trường của cha mẹ để trách mắng con cái thì đối với trẻ là hết sức bất công. Nếu cha mẹ ý thức được điều này có nghĩa là họ đã có sự cảm thông bước đầu với con cái.
Giả sử cha mẹ có thể đứng trên lập trường của con cái để suy xét vấn đề thì sẽ không trách móc, đánh mắng con như trước kia nữa. Khi đó, trẻ sẽ thành thật tâm sự hết với cha mẹ mọi suy nghĩ và tình cảm trong lòng mình. Giới giáo dục gọi những trường hợp như vậy là “đứa trẻ hoàn toàn thành thật”. Sự lý giải của cha mẹ đối với con cái là điều kiện quan trọng để chúng phát triển lành mạnh, là tiền đề để giáo dục gia đình đi vào quỹ đạo đúng. Trong cuộc sống thực tế, nhiều bậc cha mẹ thường oán trách con cái không hiểu lòng mình, nhưng họ liệu có thực sự hiểu con cái không? Họ chỉ đứng ở địa vị bề trên để suy nghĩ, nhưng những điều sâu kín trong tâm tư của con cái thì không thấu hiểu. Stevens đã từng nói: “Cho dù chúng ta có cố gắng thế nào thì cũng chỉ hiểu được 25% suy nghĩ của người nói”. Bởi vậy, cha mẹ cần đứng trên lập trường của trẻ để suy nghĩ và lý giải lời nói của chúng, không những cần lắng nghe lời nói của con cái mà còn phải cảm nhận tình cảm của chúng.
Ví dụ khi con bạn nói: “Hôm nay ở trường con bị cô giáo phê bình”, thì thông thường cha mẹ sẽ nói rằng: “Con lại phạm lỗi gì rồi?”. Cách làm này chỉ khiến đứa trẻ thêm buồn. Lúc đó cha mẹ nên biểu thị sự thông cảm của mình đối với con: “Sao con bị cô phạt vậy?”. Đợi khi trẻ kể lại hết sự việc thì tiếp tục thông qua trò chuyện để tìm ra biện pháp giúp trẻ tự kiểm điểm bản thân hoặc giải quyết vấn đề. Như vậy trẻ sẽ không có tâm lý chống đối cha mẹ. Hoặc khi trẻ tan học về nhà muộn, nếu cha mẹ nói: “Sao ngày nào con cũng về nhà muộn thế hả?”, đứa trẻ lập tức có tinh thần chống đối, phản kháng lại cha mẹ, tất nhiên sẽ cãi: “Con về muộn thì có sao?”. Lúc đó cha mẹ nên đổi
cách nói khác, ví dụ như hỏi con: “Sao con về muộn thế? Làm mẹ lo quá. Đã xảy ra chuyện gì phải không?”.
Như vậy con bạn không những cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình mà còn thành thật xin lỗi cha mẹ, đồng thời lần sau sẽ không về muộn nữa. Họa sĩ, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Phong Tử Khải đã từng viết trong một bài tản văn của mình rằng: “Nhờ tình yêu thương và thân thiết với con, tôi đã cảm nhận được sâu sắc tâm lý của con, phát hiện ra thế giới trẻ thơ hoàn toàn khác so với thế giới của người lớn chúng ta”. Phong Tử Khải sở dĩ có thể viết được những câu văn sâu sắc này hoàn toàn là do ông đã dùng cái nhìn độc đáo của mình để quan sát con. Ví dụ, khi đứa trẻ vừa thức dậy đã đòi mặc quần áo mới mua ngày hôm qua, cha mẹ không nên trực tiếp từ chối con: “Đợi đến ngày mai hãy mặc không được à?”. Nếu đứng từ góc độ của đứa trẻ thì sẽ là: “Hôm nay mặc thì đã sao? Hôm nay mặc là lựa chọn của con, ngày mai mặc là lựa chọn của cha mẹ, tại sao con phải nghe theo cha mẹ, bản thân con không có quyền quyết định nào cả”. Đứa trẻ vì thế sẽ đòi mặc bằng được. Nếu cha mẹ suy nghĩ từ góc độ khác, đáp ứng yêu cầu của con thì đứa trẻ nhất định sẽ rất vui, ngày hôm đó làm việc gì cũng sẽ rất tích cực, nghe lời cha mẹ, có biểu hiện rất tốt. Sự từ chối của cha mẹ chỉ khiến trẻ nảy sinh tâm lý oán trách.
Việc cha mẹ đáp ứng những yêu cầu của con một cách thích hợp có lợi nhiều hơn hại. Trẻ còn nhỏ nên cảm thấy mọi vật xung quanh đều vô cùng mới lạ, cách nghĩ của trẻ và của người lớn hoàn toàn khác nhau, đôi lúc ngay chính cha mẹ cũng không hiểu rõ rốt cuộc là ai đúng ai sai. Trong cuộc sống có không ít trẻ em cho rằng: “Mỗi lần ý kiến của mình và của bố không giống nhau là bố đều không cho mình nói nữa, có lúc mình còn bị mắng oan”. Cha mẹ không cho con cái được quyền phát biểu ý kiến của bản thân, lại không làm rõ nguyên nhân của vấn đề, chỉ biết quát mắng con cái, cách làm này đi ngược lại với tôn chỉ giáo dục. Trẻ em do còn nhỏ nên khả năng chịu đựng tâm lý của chúng chỉ có hạn. Chỉ cần không đi ngược lại nguyên tắc của cha mẹ thì nên đáp ứng mong muốn của trẻ. Làm thế nào để thoát khỏi khuôn mẫu gò bó của người lớn, nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ là điều mà bậc cha mẹ nào cũng cần phải học.
Lần thi học kì trước, bé Thanh đạt 8 điểm môn Văn, nhưng Toán thì chỉ được 5. Mẹ cô bé sau khi xem kết quả của con thì thở dài mà nói rằng: “Chỉ cần môn Toán con được 6 điểm là mẹ cũng thấy hài lòng rồi”. Học kỳ này môn Toán bé Thanh thi được 6 điểm, nhưng môn Văn lại chỉ được 7,5 điểm. Mẹ cô bé không ngừng truy vấn tại sao môn Văn lại thụt lùi? Còn đối với kết quả môn toán, bà cũng chỉ buông một câu đơn giản: “Tiếp tục cố gắng”.
Trước hết, nếu đứng từ góc độ của người mẹ mà nói thì, “không bị điểm dưới trung bình là yêu cầu thấp nhất rồi, có gì đáng để vui mừng đâu! Nhưng thụt lùi mới là điều đáng báo động, cần phải chú ý hơn nữa”.
Tuy nhiên bé Thanh lại không nghĩ như vậy, cô bé không thể hiểu nổi: “Tại sao mẹ chỉ quan tâm đến việc mình bị thụt lùi nửa điểm mà không khen ngợi sự tiến bộ trong môn Toán của mình? Tại sao mẹ nói chỉ cần được 6 điểm là đã hài lòng rồi, vậy mà khi mình được 6 điểm cũng chẳng có gì khá hơn lần trước?”. Có thể thấy được hai mẹ con đứng ở hai góc độ khác nhau để suy nghĩ cùng một vấn đề nên kết quả cũng hoàn toàn khác nhau.
Vậy cha mẹ có thật sự hiểu con mình không? Cha mẹ có thật sự quan tâm đến cảm giác của con sau mỗi kỳ thi không? Thay vì lo lắng, cha mẹ hãy thử thay đổi cách nhìn để nhận thấy rằng, thực ra mỗi đứa trẻ đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Nếu nhìn con cái từ những góc độ khác nhau thì cha mẹ sẽ vui mừng khi phát hiện ra rằng, thì ra con mình cũng có nhiều ưu điểm! Do đó
các chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên học cách khen ngợi con, bởi sự khen ngợi vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người!
Một bà mẹ trẻ đang ngồi xem phim hoạt hình cùng cô con gái còn chưa biết nói của mình. Đây là bộ phim hoạt hình mà cô bé yêu thích nhất, nhưng hôm nay không hiểu tại sao đứa trẻ không ngừng quấy khóc. Bà mẹ nghĩ mãi mà không hiểu có chuyện gì.
Con gái hôm nay bị làm sao vậy, hay là không được khỏe? Hay là do xem phim này nhiều lần nên đã chán rồi? Do đứa trẻ còn nhỏ, vẫn chưa biết nói nên không thể biểu đạt cảm xúc của bản thân, người mẹ cũng không thể hỏi cô bé. Lúc đó đột nhiên người mẹ nghĩ ra, thử ngồi ở vị trí của con gái để nhìn màn hình ti vi thì thấy không nhìn rõ, thì ra là như vậy!
Nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc Đào Hành Tri đã từng nói: “Chúng ta bắt buộc phải trở thành trẻ em thì mới có thể làm cha mẹ của chúng được”. Bởi vậy thỉnh thoảng cha mẹ cũng cần bước ra khỏi địa vị bề trên của mình, ngồi ngang bằng với trẻ, suy nghĩ cùng trẻ, dùng cách nghĩ của chúng để lý giải sự vật. Việc cha mẹ đặt vị trí của mình ngang bằng với con cái, đứng từ góc độ của chúng để nhìn nhận, xem xét vấn đề cũng tương đương với việc cha mẹ nắm được chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của trẻ, dễ dàng thấy được những điều bí ẩn thầm kín nhất trong tâm hồn chúng.
Giáo dục con cái không có khuôn mẫu nhất định Cha mẹ cần đứng ở góc độ của con cái để suy nghĩ, dùng trình độ nhận thức của con để phán đoán những sai sót nảy sinh trong quá trình giáo dục, tìm ra căn nguyên của vấn đề, có sự phân tích đối với từng vấn đề cụ thể. Ngoài ra, cha mẹ cần lắng nghe tâm sự của con, đứng từ góc độ của trẻ để suy nghĩ vấn đề.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ chỉ biết yêu cầu trẻ phải tôn trọng người lớn nhưng lại quên mất rằng chính bản thân chúng cũng cần được tôn trọng.
Phần 2: Làm gì trước thực trạng con cái không nghe lời?
“Điều kiện sống ngày càng tốt lên thì con cái lại ngày càng không nghe lời”. Đây là vấn đề khiến rất nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu. Tại sao trẻ không chịu nghe lời? Và cha mẹ phải làm thế nào để dạy con nên người?
Chương 1: Giúp con thoát khỏi ảnh hưởng xấu của sự chống đối
Khi cha mẹ nói việc này tốt thì trẻ lại cho là xấu, cha mẹ nói vật này màu đen thì trẻ cãi là màu trắng, khi phát hiện thấy con mình có những quan niệm tư tưởng khác với mọi người, cha mẹ không nên lo lắng mà cần nhẫn nại hướng dẫn, giúp đỡ con loại bỏ dần tâm lý chống đối này.