Lo ngại, buồn rầu cần phải dịu dàng mềm mỏng, phê bình cũng cần phải thân mật

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 106)

. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu

2. Lo ngại, buồn rầu cần phải dịu dàng mềm mỏng, phê bình cũng cần phải thân mật

Cô bé Đường Uyển năm nay học lớp 12 đã viết trong nhật ký như sau:

“Bây giờ đang là giai đoạn quan trọng để thực hiện mục tiêu của cả đời người. Mỗi ngày áp lực đều rất lớn, cho dù ở trường hay ở nhà, mình đều cảm thấy mệt mỏi. Cha mẹ không hiểu mình chút nào, họ chỉ cho rằng mình không chịu khó học tập, năm nay đã là lớp 12 rồi mà vẫn không thấy lo lắng. Cha mẹ mang những kinh nghiệm đi học trước kia ra để trói buộc mình. Trong lòng mình lúc nào cũng thấy buồn phiền bực bội, nhưng họ là cha mẹ của mình, đối với tất cả những việc này mình chỉ có thể nhẫn nhịn mà thôi. Có lúc mình thực sự cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, cãi lại họ vài câu, vậy là họ lại có cách nói khác, rằng mình đã lớn rồi, đủ lông đủ cánh rồi, không quản nổi nữa, sau này họ già rồi không biết sẽ dựa vào ai để sống… Những câu nói như vậy khiến mình vô cùng đau khổ. Toàn là những chuyện chẳng đâu vào đâu, sao lại có thể đem vào để nói mình thế nhỉ? Lẽ nào mình giải thích phân trần cũng bị cho là bất hiếu hay sao? Có lúc mình thật sự không hiểu nổi cha mẹ sao lại có thể cố chấp như vậy. Không những thế, cha mẹ còn suốt ngày đem mình ra so sánh với con nhà hàng xóm, mình ghét nhất khi họ làm như vậy, lẽ nào hạ thấp con mình là việc khiến cha mẹ thấy tự hào hay sao?

Thật ra thành tích học tập của mình cũng không tồi, nhưng sau khi nghe những lời nói của cha mẹ, mình không còn muốn về nhà nữa. Mỗi lần bước vào cửa, mình đều cảm thấy bước chân nặng trĩu, thậm chí có lúc còn nghĩ hay là mình bỏ nhà đi. Nhưng cuối cùng mình vẫn không đủ quyết tâm, mình vẫn rất yêu cha mẹ. Có ai giúp mình với, mình thật sự không thể chịu nổi, cảm thấy sắp ngạt thở rồi. Hôm nay viết đến đây đã, thời gian năm lớp 12 trôi qua rất nhanh, từng giây từng phút đều vô cùng quý giá, mình phải tiếp tục học thôi”.

Nỗi buồn phiền của Đường Uyển chính là nỗi buồn phiền của tuổi trưởng thành. Ai cũng biết học sinh lớp 12 ở trường phải chịu áp lực học tập rất lớn. Chúng vô cùng mong mỏi khi về nhà được giảm bớt áp lực, bởi vậy, cha mẹ khi dạy dỗ con cái cần nắm rõ tình hình cụ thể. Nếu cha mẹ vẫn tiếp tục gia tăng áp lực cho con sẽ khiến cuộc sống của chúng mất tự do, sắc màu và không gian riêng, không cảm thấy thoải mái. Điều này không có lợi cho sự trưởng thành của chúng. Đặc biệt là khi những đứa trẻ sắp phải đối mặt với các kỳ thi, cha mẹ càng phải tạo cho con một bầu không khí gia đình đầm ấm, thoải mái; tăng cường động viên, ủng hộ và công nhận chúng, tạo cho con những tình cảm tốt đẹp, ví dụ, lời khen ngợi của cha mẹ hay bầu không khí gia đình vui vẻ ấm áp có thể giúp cân bằng sự lo lắng ở trường. Những đứa trẻ tồn tại nỗi buồn phiền của tuổi trưởng thành như Đường Uyển rất nhiều, cha mẹ cần kịp thời sửa chữa sai lầm trong phương pháp giáo dục của mình, khi biểu lộ sự lo lắng đối với con cũng cần phải mềm mỏng, không nên quá nặng lời.

Cha mẹ lo lắng cho con cái là việc hết sức bình thường, nhưng nếu quá đà hay quá trực tiếp lại có thể tạo ra cho chúng không ít áp lực. Cha mẹ cần thường xuyên tâm sự cùng con cái, lắng nghe suy nghĩ riêng của chúng. Khi lo lắng cho con cũng cần thể hiện một cách mềm mỏng. Giữa cha mẹ và con cái cần có sự tin tưởng nhất định, bởi lòng tin là cây cầu nối liền khoảng cách giữa hai thế hệ, là trợ thủ đắc lực để giải quyết vấn đề trong những thời điểm then chốt.

Cha mẹ cũng cần chú ý đến cách phê bình con cái.

Trong giáo dục gia đình hiện nay thường bắt gặp những đứa trẻ dù bị phê bình mắng mỏ cũng không thay đổi, vẫn làm theo ý của mình, thậm chí có đứa trẻ còn cãi lại cha mẹ. Cha mẹ không nên coi nhẹ vấn đề này. Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ không nên liên tục trách cứ hay đánh mắng chúng mà cần chú ý đến kỹ năng phê bình, nếu không kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại. Vậy phải phê bình như thế nào mới có tác dụng giúp trẻ sửa chữa lỗi lầm, phê bình vừa đạt được hiệu quả vừa không làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ, lại giúp chúng học được nhiều điều? Nhà giáo dục học nổi tiếng Đào Hành Tri của Trung Quốc đã từng nói: “Khi dạy dỗ con, phê bình còn khó hơn khen ngợi, vì khi phê bình phải chú ý đến phương pháp, đây là một môn nghệ thuật, nếu biết dùng đúng cách thì còn có hiệu quả cao hơn khen ngợi”.

Trước hết: Khi phê bình con cái, cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh, phương pháp tốt nhất là dùng lí lẽ khiến chúng phải nghe theo, mặt khác, lập trường của cha mẹ phải trước sau như một.

Phê bình tức là giúp trẻ sửa những thói quen xấu, đây là một việc tốt, nhưng nếu phê bình, mắng mỏ một cách vô cớ thì sẽ phản tác dụng. Chỉ khi bắt buộc không còn cách nào khác thì cha mẹ mới nên phê bình con cái. Cha mẹ cũng cần nắm được mức độ phê bình như thế nào là vừa phải. Không nên phê bình và trách mắng con một cách mù quáng, trước khi phê bình cần nắm rõ tình hình, nguồn cơn của sự việc, không nên nghe theo lời nói của người khác mà hiểu nhầm con mình. Trước khi có chứng cớ xác thực, cha mẹ cần giữ bình tĩnh, việc phê bình vô duyên cớ chỉ khiến trẻ cảm thấy bị oan ức, đồng thời cách làm này còn gây tổn hại đến hình tượng tốt đẹp của cha mẹ trong mắt trẻ.

Trong cuộc sống thực tế, nhiều cha mẹ có thói quen dùng câu hỏi để trách mắng con, ví dụ: “Tại sao con không hoàn thành bài tập?”, “Tại sao con lại đánh nhau với các bạn?”, “Tại sao con thi trượt?”. Trẻ rất khó tiếp thu được phương pháp giáo dục này. Nếu thay vào đó cha mẹ nói rằng: “Mẹ biết rằng không phải con cố ý không hoàn thành bài tập”, “Cha biết con đánh nhau với bạn cũng có nguyên nhân”, “Mẹ biết con cũng rất mong muốn đạt được điểm thi cao hơn”… Những câu nói thấu hiểu lòng trẻ như thế giúp chỉ ra những chỗ chúng còn thiếu sót, đồng thời trẻ không phải chịu áp lực tâm lý quá lớn.

Nếu trẻ phạm lỗi, trước hết cha mẹ phải biết kiềm chế sự tức giận, bình tĩnh giảng giải cho chúng, gián tiếp phê bình lỗi lầm của chúng. Trẻ vốn rất thông minh, chúng hiểu rõ dụng ý của cha mẹ, cũng dễ dàng tiếp thu sự phê bình và dạy dỗ của cha mẹ. Đối với những đứa trẻ đã từng mắc lỗi, cha mẹ không nên trách mắng quá nghiêm khắc mà nên đối xử với chúng bằng tình yêu thương, tin rằng nhờ sự dạy dỗ động viên tích cực của cha mẹ, chúng sẽ biết sửa chữa sai lầm.

Ngoài ra cha mẹ cần nhớ, nên trách mắng trẻ có mức độ, biết dừng đúng lúc. Cùng là một chuyện, đã nói rồi thì không nên nhắc lại nhiều lần. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cha mẹ cần phải kiên định lập trường, kiên nhẫn giúp con phân biệt giữa “đúng” và “sai”. Trẻ vẫn còn ít tuổi, khó tránh phải việc lặp lại sai lầm, bởi vậy cần tới sự kiên nhẫn của cha mẹ, thường xuyên nhắc nhở để trẻ hiểu rõ tác hại của sai lầm, đồng thời đôn đốc chúng sửa chữa. Một số cha mẹ chỉ biết

phê bình, yêu cầu quá cao, lại không chú ý đến việc đôn đốc, kiểm tra xem con có sửa chữa sai lầm hay không. Như vậy sẽ càng thúc đẩy tính lười biếng của trẻ. Với những việc đã yêu cầu con cái làm, cha mẹ cần đôn đốc kiểm tra, để trẻ hình thành thói quen tốt, như vậy thì yêu cầu hay phê bình mới có tác dụng.

Sau khi phê bình con, cha mẹ cần kịp thời động viên và khích lệ chúng, không nên quay lưng lại hoặc không để ý đến chúng. Nếu đã có ý định cùng con đi chơi thì dù trẻ mắc lỗi cũng không nên vì thế mà hủy bỏ kế hoạch, phải để trẻ hiểu rằng, mắc lỗi thì phải bị phê bình, nhưng cha mẹ không vì chuyện đó mà không yêu chúng nữa.

Thứ hai: Phê bình trẻ cần vừa phải, lựa chọn phương pháp thích hợp.

Nếu vì không cẩn thận mà con cái mắc lỗi, hơn nữa lỗi này cũng không gây ra tổn thất nghiêm trọng, ví dụ như làm vỡ bình hoa chẳng hạn, thì cha mẹ không nên nghiêm trọng hóa vấn đề mà trách mắng chúng quá nghiêm khắc.

Thông thường lúc đó cha mẹ chỉ cần nói: “Con đi lấy chổi và hót rác dọn dẹp cho sạch sẽ, rồi lấy giẻ lau hết nước đi”, để trẻ tự dọn dẹp đống đổ vỡ mà chúng gây ra. Khi thấy con phạm lỗi, cha mẹ không nên vội vàng phê bình mà cần hỏi rõ nguyên nhân rồi mới đưa ra kết luận, không nên vì sự tức giận nhất thời mà bỏ qua ưu điểm của trẻ.

Các chuyên gia cho rằng, khi phê bình con, cha mẹ trước hết cần thừa nhận những việc tốt mà con cái đã làm được, sau đó mới chỉ ra sai lầm của chúng, cần để chúng hiểu rằng cha mẹ nhìn nhận chúng một cách toàn diện. Khi giữa cha mẹ và con cái có sự bất đồng ý kiến mà trẻ kiên quyết bảo vệ chủ kiến của mình thì cha mẹ không nên phê bình trẻ.

Khi con phạm lỗi, cha mẹ không nên phê bình chúng một cách quá đà, thay vào đó hãy nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác. Nếu mình là con thì mình sẽ nhìn nhận lỗi lầm này như thế nào? Ví dụ, khi trẻ nghịch đất cát thì ý nghĩ đầu tiên của cha mẹ là, như thế rất mất vệ sinh, làm bẩn quần áo, mang lại phiền phức cho cha mẹ. Tuy nhiên, với trẻ thì đây lại là một trò chơi hết sức vui vẻ. Nếu cha mẹ có thể đứng ở lập trường của trẻ để xem xét vấn đề thì phần lớn họ sẽ không làm mất đi niềm vui của con cái.

Dạy dỗ con trước mặt người khác là chuyện thường gặp trong cuộc sống. Nhiều cha mẹ ngộ nhận rằng chỉ khi làm con bị xấu hổ trước mọi người thì chúng mới “khắc cốt ghi tâm” bài học đó. Thật ra phương pháp giáo dục này không thể áp dụng được. Chúng ta thường nghe thấy cha mẹ nói những câu như: “Mẹ đã bảo không được nghĩa là không được”, “Nếu đã đi khỏi nhà thì đừng bao giờ quay lại nữa”... Những câu nói đầy nóng giận như vậy tuy nhất thời có thể khiến trẻ nghe lời nhưng để lại những ảnh hưởng tiêu cực, khiến trẻ luôn có tâm trạng bất an, làm việc gì cũng do dự không quyết. Cha mẹ mắng con trước mặt mọi người vô tình khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Cha mẹ cần biết, khi lòng tự trọng của trẻ đã bị tổn thương thì chúng sẽ có tâm lý phó mặc, buông xuôi tất cả. Một đứa trẻ đã không có lòng tự trọng thì nhân cách sẽ không được hoàn chỉnh.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w