. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu
2. Không gây áp lực cho con trong học tập
Hiện nay, ngày càng có nhiều đứa trẻ gặp vấn đề về tâm lý. Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, áp lực quá lớn chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề tâm lý ở trẻ. Áp lực về tâm lý mà các học sinh tiểu học hay trung học hiện nay phải gánh chịu phần lớn đều vượt quá khả năng chịu đựng về tâm sinh lý của chúng, từ đó dẫn đến trạng thái tâm lý chống đối và một loạt các biểu hiện tinh thần bất bình thường.
Bé Linh năm nay mới học lớp 1. Do một lần có kết quả bài kiểm tra không được như ý nên cô bé cảm thấy rất buồn bã, thậm chí khi đi ngủ còn nói mê rằng: “Tôi có thể tiến bộ hơn”. Cha mẹ của bé Linh luôn miệng nhắc nhở cô bé:
“Con phải đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc”. Từ khi bé Linh bắt đầu đi học, cha mẹ của cô bé cũng giống đa số các bậc cha mẹ khác có thói quen lúc nào cũng nhắc đến điểm số, khi nói chuyện cùng con gái thì câu hỏi thường trực luôn là: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Việc này đã tạo nên áp lực tâm lý rất lớn đối với đứa trẻ. Bởi vậy, từ sau khi nhận được bài kiểm tra có kết quả thấp, nụ cười dường như đã biến mất trên gương mặt cô bé, ánh mắt thì u buồn, đêm ngủ cũng
không ngon, có lần đang ngủ cô bé còn nói mê: “Không, các người chỉ nói linh tinh! Tôi có thể tiến bộ hơn! Tôi có thể tiến bộ hơn!”. Những lời nói của bé Linh trong giấc ngủ đã khiến cha mẹ cô bé hết sức lo lắng và sợ hãi: “Khi còn đi học, áp lực của điểm số đã khiến chúng ta không thể thở nổi, vậy mà bây giờ chúng ta lại mang áp lực đó đè lên đôi vai của con gái”. Cha mẹ liền tâm sự với bé Linh, giúp con giải tỏa áp lực tâm lý. Dần dần nụ cười đã trở lại với gương mặt hồn nhiên của cô bé.
Chúng ta đều biết, việc giáo dục không thể một sớm một chiều đã có thể thấy được kết quả, đó là một quá trình lâu dài, cần thực hiện từng bước một, trong đó các khả năng nhận thức, tự khống chế bản thân, giao tiếp xã hội, tự lý giải cuộc sống… đều cần được rèn luyện và bồi dưỡng trong một thời gian dài. Giáo dục gia đình là một môn nghệ thuật, cha mẹ không nên đặt ra những kỳ vọng quá cao đối với con cái, không nên lúc nào cũng quan tâm đến điểm số mà nên dành cho con thời gian để vui chơi, cố gắng giúp trẻ luôn có tâm trạng vui vẻ.
Yêu cầu quá nghiêm khắc đối với con cái có thể khiến chúng do bị áp lực quá lớn mà dẫn đến tổn thương về mặt tinh thần. Trẻ còn nhỏ, nếu áp lực quá lớn, lại không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt, hoặc có biểu đạt người lớn cũng khó lòng hiểu được, nên không biết làm thế nào để được cha mẹ giúp đỡ. Ngoài ra cũng có thể do tự bản thân trẻ không không lý giải được sự việc, còn thiếu kinh nghiệm với thế giới bên ngoài, khả năng tự xử lý vấn đề còn kém dẫn đến việc chúng không có cách nào để cởi bỏ áp lực.
Cha mẹ của bé Minh không để tâm đến mong muốn của con mà sắp đặt tương lai của cậu bé theo ý muốn của họ. Ngay từ khi bé Minh còn nhỏ, cha mẹ đã ép cậu tham gia vào đủ các lớp học thêm, lớp năng khiếu, đặt ra mục tiêu là phải thi được vào các trường đại học hàng đầu. Bởi vậy, ngay từ khi còn ít tuổi, cậu bé đã phải gánh chịu áp lực tinh thần vô cùng lớn. Khi Minh đạt được điểm cao thì cha mẹ cậu bé hết sức vui mừng, khen ngợi không tiếc lời, nhưng hễ bị điểm kém một chút là lập tức bị trách mắng, phê bình. Cuộc sống của bé Minh hàng ngày trôi qua trong sự sợ hãi lo lắng, áp lực tâm lý rất lớn, không thể toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học.
Các chuyên gia cho rằng nếu phải chịu áp lực quá lớn hoặc trong một thời gian quá dài thì trẻ sẽ sinh ra một loạt các phản ứng liên hoàn về tâm lý hoặc sinh lý như chứng u uất, mất ngủ, lo lắng sợ hãi. Nếu áp lực học tập của trẻ quá lớn còn có thể dẫn đến việc tư duy của trẻ trong cả quá trình học tập bị hỗn loạn, không chuyên tâm vào việc học, khi trả lời câu hỏi thì do dự, không quyết đoán, ảnh hưởng đến nhận thức ban đầu của trẻ. Ngoài ra, áp lực lớn còn dẫn đến sự phản kháng ở trẻ, khiến chúng không nghe lời, không chịu học bài. Có thể thấy đây không phải là phương pháp giáo dục đúng đắn.
Khi xem xét thành tích học tập của con cái, cha mẹ trước hết cần tìm ra nguyên nhân khiến chúng có thành tích không tốt, sau đó để trẻ tăng cường luyện tập về nhiều mặt, tránh về sau phạm phải lỗi tương tự. Cha mẹ nào cũng hy vọng con cái tài giỏi, thông minh hơn mình, nhưng đây không phải là việc muốn là làm ngay được.
Bởi vậy cha mẹ nên giảm bớt kỳ vọng vào con cái, giảm bớt áp lực và gánh nặng đối với chúng, để trẻ có thể thoải mái tiến lên phía trước. Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chỉ có khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại của bản thân, tăng cường khả năng chịu đựng áp lực mới có thể không ngừng vượt qua chính mình, vươn tới những đỉnh cao mới, chiếm lĩnh vị trí cao nhất trong cuộc sống. Cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh, đặc biệt là khi xem thành tích học tập của con cái.
Thay vì tạo cho trẻ áp lực, cha mẹ hãy đặt ra yêu cầu, mục tiêu và giúp trẻ đề ra mục tiêu mà chúng có thể thực hiện được. Cha mẹ không nên thường xuyên trách mắng trẻ không chịu cố gắng, không nên đặt ra mục tiêu quá cao hay lúc nào cũng luôn miệng bảo con “chỉ được thành công, không được phép thất bại”. Chỉ khi cha mẹ thay đổi quan niệm giáo dục sai lầm này thì mới có thể giảm áp lực tinh thần cho con cái, giúp chúng giữ vững niềm tin trong học tập. Cha mẹ có giữ được tâm trạng tốt thì mới có lợi cho việc thay đổi thái độ học tập của con.
“Dục tốc bất đạt”, cha mẹ muốn nâng cao chất lượng học tập của con cái thì tuyệt đối không được nóng vội, khi gặp phải vấn đề thì cần giải quyết dần theo trình tự, đặt biệt là không được tăng thêm áp lực cho trẻ trong việc học tập. Nếu không, trẻ sẽ nảy sinh cảm giác lo lắng, buồn phiền, sợ học, gây ra hậu quả khôn lường.
Để tránh tăng thêm áp lực cho con cái, cha mẹ cần chú ý đến lời nói, cử chỉ và phương pháp giáo dục của mình, bao gồm những điểm dưới đây:
Thứ nhất: Cha mẹ hướng dẫn con cái học tập cần tránh làm nảy sinh tâm lý phản kháng, chống đối .
Một khi trẻ đã nảy sinh tâm lý chống đối thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ càng thêm căng thẳng. Khi đó trẻ sẽ ghét việc cha mẹ đôn đốc, kiểm tra nhất cử nhất động của chúng, trẻ cũng không muốn cùng cha mẹ thảo luận những vấn đề có liên quan đến việc học, càng không muốn trò chuyện tâm sự cùng cha mẹ, có ác cảm đối với những yêu cầu về thành tích học tập mà cha mẹ đưa ra… Ngay chí tiến thủ cũng không có thì còn nói gì tới hứng thú trong học tập nữa?
Thứ hai: Cần thương lượng với trẻ.
Tin rằng rất ít bậc cha mẹ làm được điều này. Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng yêu con không có nghĩa là cần thương lượng với con, nhưng xét từ một góc độ khác thì tình yêu này lại hết sức ích kỷ. Cha mẹ không nên đem ý chí và nguyện vọng của mình áp dụng với con mà cần gạt sang một bên mọi kinh nghiệm và địa vị bề trên của mình, dùng tấm lòng của mình để bước vào thế giới ngây thơ của trẻ, như vậy mới khiến con trở về đúng với bản thân của chúng.
Trong cuộc sống, cha mẹ thường ít khi trò chuyện, tâm sự cùng con cái mà phần lớn chỉ quát mắng, trách móc.
Thực ra, cha mẹ nên bình tĩnh để trò chuyện cùng con một cách bình đẳng, xem chúng thực sự cần gì. Để trẻ tự trải nghiệm cuộc sống thì chúng mới có thể khám phá cuộc sống. Để trẻ tự tìm hiểu xem bản thân chúng là người như thế nào, từ đó có nhận thức đúng đắn về bản thân, biết phân tích bản thân, tìm ra những ưu điểm và khuyết điểm của mình, từ đó lấy chỗ mạnh bù chỗ yếu, chiến thắng bản thân, thách thức bản thân, vượt qua bản thân, phấn đấu không ngừng hoàn thiện mình. Những việc cha mẹ cần làm chỉ là đứng cùng một phía với trẻ, giống như những người bạn, giúp đỡ chúng tiến về phía trước, đạt được mục tiêu.
Thứ ba: Cha mẹ nên thường xuyên tiếp xúc, tâm sự cùng con cái, giúp chúng giảm bớt áp lực. Khi tâm sự cùng con cái, cha mẹ không nên ngắt lời chúng, cũng không được đưa ra ý kiến hoặc kết luận quá sớm. Cha mẹ cần lắng nghe trẻ kể lại chuyện của chúng, trò chuyện, thấu hiểu, phát hiện những ưu điểm của chúng. Rèn luyện cho trẻ dũng khí để đối mặt và chiến thắng khó khăn là việc mà mỗi bậc cha mẹ nên làm.
Đôi khi chỉ một ánh mắt hay một cái ôm ấm áp của cha mẹ cũng đủ để trẻ hiểu được tấm lòng của cha mẹ dành cho chúng.
Thứ tư: Không nên so sánh trẻ với người khác. Khi so sánh con cái với người khác sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý chán ghét, không muốn nỗ lực phấn đấu nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy các bậc cha mẹ trách mắng con cái: “Sao con lại dốt thế? Thử nhìn xem con nhà người ta học thì giỏi, điểm kiểm tra lúc nào cũng cao, còn con nhà mình thì học kiểu gì thế này?”, “Sao con không biết học tập bạn Vĩ, làm cha mẹ đỡ phải buồn phiền”, “Con mà bằng một nửa bạn ấy là cha mẹ đã thấy mừng lắm rồi”… Những câu nói hạ thấp con mình và đề cao con người khác như vậy chẳng khác nào xát muối vào lòng trẻ. Những câu nói này không giúp trẻ hiểu ra vấn đề, cũng không phải là động lực cụ thể kích thích trẻ tiến bộ. Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên đem con mình ra so sánh với con người khác, lâu dần sẽ khiến trẻ hoài nghi khả năng của mình, nảy sinh ám thị tâm lý với bản thân, rằng “mình chẳng ra gì”, về lâu về dài sẽ khiến trẻ trở nên tự ti, nhiều mặc cảm.
Khi thành tích học tập không được tốt, trẻ đã cảm thấy có lỗi với cha mẹ. Nếu cha mẹ lại so sánh con mình với người khác thì chỉ làm tăng thêm gánh nặng tâm lý cho trẻ, khiến chúng khó mà tiến bộ được.
Thứ năm: Thường xuyên động viên, ủng hộ và khen ngợi trẻ, giúp chúng tự tin vào bản thân. Một đứa trẻ phát triển toàn diện, tâm sinh lý khỏe mạnh thì cho dù ở bất cứ nơi đâu nó cũng là nhân tài. Cha mẹ cần thường xuyên động viên, ủng hộ và khen ngợi trẻ, giúp chúng tin rằng chúng không cô đơn trong cuộc đời này. Hơn nữa, sự tin tưởng và động viên của cha mẹ có thể giúp trẻ thấy tự tin, rất có ích đối với việc học tập của chúng. Ngoài ra, một môi trường tương đối thoải mái có thể giúp trẻ phát huy tốt tiềm năng của mình.
Thứ sáu: Kịp thời nắm được cơ bản tình hình học tập của con cái.
Chỉ khi nắm được cơ bản tình hình học tập của con cái thì cha mẹ mới có thể kịp thời giúp đỡ, động viên và ủng hộ chúng. Khi phát hiện thấy con mình có những ưu điểm và sở trường ngoài việc học thì cha mẹ cần kịp thời khen ngợi, giúp trẻ cảm thấy tự tin. Ví dụ, một số trẻ học kém là do bị hổng kiến thức cơ bản, nên khi nghe thầy cô giảng bài thì không hiểu. Khi gặp phải tình huống này, cha mẹ cần giúp trẻ bổ sung những kiến thức cơ bản, đồng thời giúp chúng cảm thấy tự tin.
Ngày nay, những áp lực mà học sinh cần phải đối mặt không phải chỉ đến từ cha mẹ. Vô số các nhân tố như nhà trường, xã hội, cơ hội nghề nghiệp tương lai... có thể gây áp lực tâm lý cho trẻ. Trong quá trình giáo dục, cha mẹ phải bình tĩnh, không được mắng mỏ con cái, không tạo cho trẻ quá nhiều áp lực…