. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu
5. Khai thác tiềm năng của con
Nhà giáo dục học nổi tiếng người Mĩ Baker đã từng nói: “Không thể đo đếm được tiềm năng trí tuệ của con người”. Cũng như vậy, trí tuệ của trẻ giống như một kho tàng quý báu chờ được khai phá, tiềm năng của trẻ một khi đã được khai phá sẽ tạo ra thiên tài.
Theo sử sách ghi lại, Tái Chấn ở triều Thanh - Trung Quốc 9 tuổi mới biết nói, kém thông minh hơn so với các bạn đồng trang lứa, nhưng bố mẹ cậu toàn tâm toàn ý dành cho cậu sự giáo dục tốt nhất. Thêm nữa, bản thân cậu cũng cố gắng học hành, về sau Tái Chấn đã trở thành một thạc sĩ đa tài, là nhà toán học, địa lý học, triết học, từ vựng học và giáo dục học nổi tiếng.
Có thể thấy, hứng thú không phải vốn sinh ra đã có mà được hình thành từng bước. Có rất nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng quá lớn đối với con mình, khi nhìn thấy con người khác đạt được thành tích cao thì lập tức trách mắng con mình: “Sao con lại dốt thế? Việc đơn giản như vậy cũng không làm được!”. Cha mẹ tưởng rằng nói như vậy sẽ có tác dụng kích thích nhất định đối với trẻ, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, trẻ sẽ cam chịu thụt lùi, ngày càng không muốn động não suy nghĩ. Nếu cha mẹ thực sự yêu con, mong con mình thành tài thì cần tin tưởng rằng con mình cũng có tiềm năng riêng, cần nỗ lực khai thác và bồi dưỡng tiềm năng đó.
Từ xưa đến nay, làm thế nào để khai thác được tiềm năng của con cái là vấn đề mà các bậc cha mẹ luôn hết sức quan tâm. Xét theo cách truyền thống thì chỉ số IQ hay điểm số ở trường luôn là thước đo cho mức độ thông minh của trẻ, và phần lớn cha mẹ đều muốn tin vào những con số này. Nhiều bậc cha mẹ còn hiểu nhầm ý nghĩa của việc “khai thác tiềm năng”, họ thường suy nghĩ vấn đề từ hướng ngược lại. Còn một số bậc cha mẹ bắt ép con cái phải “khai thác tiềm năng” theo ý muốn của mình, bắt con phát triển theo con đường cha mẹ đã vạch sẵn, nhưng việc làm này thường không mang lại hiệu quả. Cha mẹ làm như vậy chỉ khiến tiềm năng của trẻ không thể phát triển một cách toàn diện. Nếu cha mẹ thực sự yêu con, mong con mình thành tài thì cần chú trọng bồi dưỡng và khai thác tiềm năng của trẻ theo các điểm sau:
Cha mẹ cần nhận biết và hiểu rõ đặc điểm của con, đồng thời động viên con mở rộng hứng thú. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu cha mẹ thực sự muốn khai thác tiềm năng của con cái thì nên tôn trọng sự lựa chọn của trẻ. Trẻ thích gì, có hứng thú gì thì hãy để chúng phát triển sở trường theo hướng đó, đồng thời không ngừng động viên trẻ mở rộng hứng thú của mình. Do bản tính của trẻ là hiếu kỳ, lại ngây thơ nên chúng luôn có suy nghĩ rất tốt đẹp về những sự việc mà chúng thấy hiếu kỳ. Nghiên cứu của nhà tâm lý học nổi tiếng người Mĩ Dimitri cho thấy, mỗi đứa trẻ bình thường đều có tiềm năng, chỉ cần cha mẹ biết coi trọng những vấn đề mà trẻ đưa ra, thậm chí giúp chúng tìm ra câu trả lời thì trẻ càng có khả năng nảy sinh hứng thú, phát huy tiềm năng của mình.
Nói cách khác, chỉ cần trẻ phát hiện ra vấn đề, giải quyết vấn đề, tìm hiểu thông tin liên quan thì dù còn nhỏ, chúng đều có thể trở thành những “nhà nghiên cứu nhí”.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống vẫn có một số bậc cha mẹ lo lắng con mình có hứng thú quá rộng rãi nhưng lại không thể tập trung trí lực vào việc học tập cần thiết, bởi vậy họ thường có thái độ lạnh lùng hoặc ngăn cấm đối với những sở thích ngoài giờ học của con trẻ. Có thể họ xuất phát từ ý tốt, nhưng cha mẹ cũng cần hiểu rằng tương lai của trẻ không thể chỉ dựa vào việc ngăn cấm. Cần biết rằng hứng thú chính là nguồn gốc để sinh ra mong muốn, mong muốn là nguồn sức lực nội tại của tinh thần. Dẹp bỏ hứng thú của trẻ là vô hình trung dẹp bỏ tiềm năng của chúng, điều này hoàn toàn không có lợi. Đứa trẻ nào cũng có tài năng được ẩn giấu, ngay cả những đứa trẻ được cho là chậm phát triển cũng như vậy. Khai thác tiềm năng của trẻ, tạo cơ sở vững chắc cho chúng phát triển thành tài là việc mà bậc cha mẹ nào cũng cần cố gắng làm.
Hứng thú là sự phản ứng về tình cảm của con người đối với nhu cầu nhận thức, được biểu hiện cụ thể ở sở thích và việc theo đuổi một sự vật hoặc một hoạt động nào đó. Hứng thú là hình thức biểu hiện ban đầu đối với sở thích và sự theo đuổi. Nếu trẻ hiếu kỳ một sự vật hoặc một hoạt động nào đó thì tiếp theo chúng sẽ nảy sinh hứng thú, tùy theo tính hiếu kỳ mạnh hay yếu mà mức độ hứng thú của chúng cũng khác nhau.
Do vậy cha mẹ cần nhận biết hứng thú, sở thích của trẻ thông qua hoạt động của chúng, giúp trẻ lựa chọn phương hướng để phấn đấu. Việc này yêu cầu cha mẹ trong cuộc sống phải đầu tư nhiều công sức, chú ý quan sát diễn biến tình cảm của con cái. Cha mẹ có thể quan sát và hiểu được rất nhiều đặc điểm của trẻ khi chúng chơi đùa, đọc sách hay nói chuyện. Cùng với việc gợi mở tư duy sáng tạo của trẻ, cha mẹ cũng cần thường xuyên động viên trẻ chuyển hóa dạng tư duy này thành các hành vi sáng tạo, để trẻ tự suy nghĩ và bắt tay vào tìm ra đáp án, như vậy sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên thông minh hơn.
Cha mẹ nên hiểu rõ khả năng của con mình, để trẻ có thể phát huy sở trường và hứng thú trong nhiều lĩnh vực, đồng thời áp dụng các phương pháp khác nhau để lấy chỗ mạnh bù chỗ yếu. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dễ dàng nhận thấy một vài đứa trẻ hễ nghe thấy tiếng nhạc là chân tay nhún nhảy theo. Điều này chứng tỏ chúng có năng khiếu về âm nhạc, đồng thời cũng yêu thích âm nhạc. Khi đó cha mẹ nên hướng dẫn trẻ học nhạc, để chúng tham gia vào các lớp học năng khiếu, học tập về lý luận và kỹ năng âm nhạc.
Trên thực tế, chỉ khi có đủ một số điều kiện nhất định thì trẻ mới có thể bộc lộ tài năng và hứng thú của mình. Cha mẹ nên tạo ra những cơ hội này cho chúng. Sau khi hiểu được khả năng và sở trường của trẻ, cha mẹ nên kích thích và hướng dẫn chúng, nhưng điều cần chú ý là không nên làm thay mọi việc cho con, cần để chúng có thái độ sống tự lập. Cha mẹ nên để trẻ học tập những thứ mà chúng thấy hứng thú, thu nhận kiến thức và phát triển trí tuệ.
Sau khi thấy con mình có hứng thú với một sự việc nào đó, cha mẹ cần đề ra nội dung giáo dục một cách cẩn thận, khi phát triển hứng thú của trẻ cần tiến hành giáo dục theo quy luật từng bước một, đặt ra các nhiệm vụ học tập cho trẻ một cách hợp lý. Ví dụ, khi trẻ có hứng thú với những câu chuyện ngôn ngữ đơn giản, hình vẽ sinh động, nội dung hấp dẫn thì cha mẹ có thể căn cứ theo tình hình cụ thể của trẻ để sắp xếp nội dung học tập từ dễ đến khó, từ cái chưa biết đến cái đã biết.
Khen ngợi trẻ thật lòng, kích thích trẻ có mong muốn và dũng khí để tìm hiểu cái mới, tiến lên phía trước.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần chủ động phát hiện những ưu điểm của con, thật lòng khen ngợi và động viên chúng, kích thích trẻ có mong muốn và dũng khí tìm hiểu cái mới, tiến lên phía trước. Một chuyên gia tâm lý nổi tiếng của Nhật Bản đã từng nói: “Bản thân mỗi đứa trẻ đều ẩn giấu tiềm năng to lớn không thể đo đếm được, đứa trẻ nào cũng là thiên tài, tiềm năng của vũ trụ được ẩn giấu trong trái tim của mỗi đứa trẻ”.
Những tiềm năng này sở dĩ không được khai thác và phát huy hoàn toàn là do tầm nhìn của trẻ đối với cuộc sống còn hạn chế và những mặt khác còn đang nằm trong giai đoạn phát triển. Bởi vậy, khi trẻ chủ động làm một việc nào đó, cha mẹ nên động viên, cổ vũ và khen ngợi chúng. Cần biết rằng, cho dù đứa trẻ là một thiên tài thì cũng cần có cơ hội để luyện tập.
Chỉ khi trẻ có thể nhiều lần trải nghiệm cảm giác thành công thì lòng tự tin của chúng mới được tăng cường và sẽ tích cực khai thác tiềm năng của mình. Nếu cha mẹ chỉ biết trách mắng, phê bình thì trẻ sẽ thấy tự ti và lần sau không muốn thử làm nữa. Khi gặp phải tình huống như vậy, cha mẹ không nên lo lắng, nóng vội, không được trách mắng, phê bình trẻ, càng không được đánh đập chúng mà nên bình tĩnh cùng trẻ tìm hiểu nguyên nhân thất bại, để trẻ được tiếp thêm nguồn sức mạnh từ cha mẹ.
Chỉ cần biết cách giáo dục con hợp lý thì tiềm năng ẩn giấu ở trẻ sẽ được phát huy.