Hướng dẫn con tự đặt ra thời gian học tập

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 80)

. Tiêu chuẩn đầu tiên để làm người là không hãm hại người khác Điều này sẽ giúp trẻ hiểu

4. Hướng dẫn con tự đặt ra thời gian học tập

Chúng ta thường thấy các bậc cha mẹ than phiền rằng: “Dù có nhiều bài tập ở nhà hay ngày mai phải kiểm tra ở lớp, hễ thấy có chương trình tivi mà nó yêu thích là nó lập tức quên ngay việc học. Có nhắc nhở thì nó cũng để ngoài tai, giục nó đi học bài thì nó cứ giả điếc không nghe thấy, dùng biện pháp mạnh hơn thì nó phản ứng lại”. Đúng vậy, nếu cha mẹ quan sát kỹ thì có thể thấy đôi lúc trẻ không muốn làm bài tập hoặc có làm thì mãi cũng không xong; trẻ không muốn học từ mới, không muốn học thuộc lòng, càng không muốn đi học thêm vào thời gian nghỉ…

Có lần, bé Cường tha thiết xin cha: “Cha ơi, cho con chơi một lát được không?”. Cha của cậu bé trả lời dứt khoát: “Làm bài tập thêm 20 phút nữa”. Ai ngờ 20 phút sau, khi cha cậu bé đến kiểm tra thì thấy kết quả của con trai vẫn dừng lại ở bài số 1. Cậu bé lại một lần nữa xin cha được nghỉ, người cha bèn thay đổi điều kiện: Hoàn thành xong 5 bài tập mới được đi chơi. Kết quả là cậu bé đã hoàn thành hết 5 bài tập này chỉ trong 27 phút, hơn nữa trong quá trình làm bài tuyệt đối không kêu ca một lời nào. Những vấn đề này xảy ra với trẻ là chuyện hết sức bình thường. Các chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng, dù trong học tập hay công việc, trước khi thực hiện những việc hết sức khó khăn vất vả thì cần có “phần thưởng” để động viên. Nói cách khác, cho dù công việc có khó khăn đến mức nào, chỉ cần trước mặt trẻ có một thứ đồ mà trẻ đang mong đợi hoặc cần thiết thì trong suốt quá trình gian nan đó, trẻ không hề thấy khó khăn vất vả.

Các nhà giáo dục học đã từng gọi phương pháp này là “chuyển hướng mục tiêu”, chỉ ra rằng con người trong quá trình tiếp cận mục tiêu, trên đường cong của công việc hay học hành sẽ xuất hiện một xu thế tăng lên rất rõ rệt. Bởi vậy, chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ khi giáo dục con cái nên biết cách vận dụng các hiện tượng tâm lý. Trước hết cần tìm hiểu trẻ có hứng thú với những vấn đề gì, ví dụ như trẻ thích xem chương trình tivi nào, có thể sắp xếp thời gian học của trẻ vào 30 phút trước khi có chương trình tivi này. Khi đó không những trẻ học bài một cách vui vẻ mà cho dù cha mẹ có giao nhiều bài tập hơn bình thường thì trẻ cũng sẽ hoàn thành một cách hết sức nhẹ nhàng.

Trong tâm lý học gọi phương pháp giáo dục này là “chuyển hướng mục tiêu”. Ví dụ, khi trẻ đang rất háo hức muốn đọc truyện tranh hoặc xem chương trình tivi yêu thích của chúng mà cha mẹ lại cho rằng con mình không chịu học hành, lúc nào cũng chỉ biết chơi thôi, bèn bắt chúng đi học bài thì sẽ khiến trẻ không vui, không muốn học bài, thậm chí nảy sinh những tình cảm chống đối hoặc hành vi phản kháng, thành tích học tập của chúng cũng không thể được nâng cao.

Khi bắt ép trẻ ngồi vào bàn học, trẻ có thể đối phó với cha mẹ bằng cách vẫn mở sách vở ra, cha mẹ nhìn vào tưởng con mình đang đọc sách, nhưng thật ra tâm trí của chúng còn đang để ở quyển truyện tranh hoặc chương trình tivi mà chúng muốn xem.

Khi bắt ép con học mà không có hiệu quả, cha mẹ cần biết cách sắp xếp thời gian học bài của con khéo léo một chút, dùng nguyên tắc “chuyển hướng mục tiêu”, đợi sau khi trẻ đã đọc xong truyện hoặc xem xong chương trình tivi thì mới đôn đốc chúng học bài. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ tôn trọng mình, chúng không những cảm kích cha mẹ mà còn nỗ lực học tập, khi đó hiệu quả đạt được chắc chắn sẽ cao hơn bình thường.

Điều đáng bàn ở đây là, một mặt nhất thiết phải tuân thủ thời gian học tập, nhưng mặt khác cha mẹ cần hiểu rằng thời gian được đặt ra không phải chỉ để tuân theo mà nhằm mục đích nâng cao hiệu quả học tập của con. Để trẻ làm bất cứ việc gì cũng phải hướng đến mục đích đó. Nếu xét từ một góc độ khác, khi cần thiết có thể điều chỉnh thời gian, nhưng nếu đã đặt ra rồi thì nhất thiết phải tuân theo. Nếu thường xuyên thay đổi thời gian học tập sẽ khiến trẻ xem nhẹ không tuân theo thời gian đó.

Phương pháp giáo dục của phương Đông thường coi trọng truyền thống, nhưng phương Tây lại khác. Phương pháp giáo dục của phương Tây luôn chủ trương “vừa học vừa chơi”, để trẻ tự quyết định kế hoạch học tập và vui chơi của mình. Những tài liệu có liên quan cho thấy, kế hoạch học tập do trẻ tự đặt ra phần lớn đều bắt đầu bằng việc chơi đùa, sau đó mới đến việc học, và kết quả cuối cùng đều rất tốt.

Bất cứ việc gì cũng đều cần có kế hoạch, có kỹ năng, đương nhiên việc học cũng không phải ngoại lệ. Vậy làm thế nào để giúp trẻ quy định thời gian học tập? Và cần những kỹ năng gì?

Thứ nhất: Đặt ra những kế hoạch có thể thực hiện được.

Nếu yêu cầu quá cao trong học tập thì khó mà thực hiện được, hơn nữa còn dễ dẫn đến những trở ngại về tâm lý của trẻ, thậm chí gây ra cảm giác tự ti. Có những đứa trẻ tuy đã đặt ra kế hoạch học tập rất rõ ràng nhưng lại không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu gồm 3 loại sau: Kế hoạch đặt ra quá lý tưởng; bản thân người thực hiện thiếu năng lực, không tự tin; kế hoạch đặt ra không phù hợp với thực tế, không có sự phân tích cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể, điều kiện môi trường không cho phép.

Cho dù thuộc vào tình huống nào thì đều có thể giải quyết bằng cách dựa vào sự nỗ lực của bản thân đứa trẻ và sự giúp đỡ của cha mẹ, đặt ra kế hoạch học tập hợp lý.

Thứ hai: Suy nghĩ đến tính cân bằng của cuộc sống.

Khi đề ra kế hoạch học tập, không được chỉ tính đến việc học mà bỏ qua những vấn đề khác. Trên thực tế, học tập chỉ là một phần trong cuộc sống, những hoạt động khác có những ảnh hưởng nhất định đối với việc học, bởi vậy, khi đề ra kế hoạch học tập cần suy nghĩ sao cho chu toàn. Ví dụ, trong một ngày việc học chiếm phần chủ yếu, nhưng cũng không thể thiếu thời gian dành cho các việc ăn, ngủ, đi học, hoạt động ngoại khóa khác. Ngoài ra, giữa những việc đó còn cần thời gian nghỉ ngơi, giải trí, thời gian dành cho bạn bè, gia đình. Tóm lại, hoạt động trong một ngày của trẻ cần đa dạng, được tiến hành vào những khoảng thời gian hợp lý, có quy luật, cách làm này sẽ có lợi cho việc nâng cao kết quả học tập.

Thứ ba: Cần có tính linh hoạt nhất định.

Kế hoạch không nên tuyệt đối bất biến mà cần căn cứ vào tình hình thực tế và những thay đổi cụ thể xảy ra trong quá trình thực hiện để có sự thay đổi nhất định. Ví dụ, khi trẻ mệt mỏi, cần kịp thời thay đổi kế hoạch học tập, để trẻ nghỉ sớm hơn.

Thứ tư: Kế hoạch học tập tuy linh hoạt nhưng cần tuân theo nguyên tắc cơ bản mới có lợi cho việc hình thành thói quen tốt ở trẻ.

Nếu những hoạt động như đi tham gia tiệc sinh nhật bạn, đi dạo phố đều được coi là ngoại lệ để thay đổi kế hoạch học tập thì trẻ khó hình thành được thói quen tốt. Do vậy, trước khi cha mẹ giúp trẻ đề ra kế hoạch học tập thì cần suy nghĩ kỹ, nếu có những sự việc không được dự tính trước xảy ra thì sẽ làm thế nào? Kế hoạch đã đề ra rồi thì nên cố gắng thực hiện, không thay đổi.

Thứ năm: Có mục tiêu học tập nhất định.

Mục tiêu học tập cụ thể cần được xác định căn cứ theo mục tiêu học tập của trẻ, tình hình học tập từ trước đến nay, thành tích học tập… Khi đề ra kế hoạch học tập cần dựa theo khả năng và sở trường của bản thân đứa trẻ, không được xuất phát từ góc độ của cha mẹ, càng không được bắt chước kế hoạch của người khác. Cần phải tính đến khả năng của trẻ trên mọi phương diện, hứng thú học tập của chúng liệu có phù hợp với mục tiêu học tập và phương pháp đang được áp dụng hay không. Ngoài ra, cần chú ý đến hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình, mối quan hệ với hàng xóm…

Cần có sự phân tích cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể, với từng giai đoạn khác nhau cần đặt ra những kế hoạch khác nhau. Thông thường, các kế hoạch học tập được chia làm ba dạng là kế hoạch theo năm học, theo học kỳ và theo từng tuần.

Đại não của trẻ dễ bị mệt mỏi hơn so với của người lớn, bởi vậy thời gian học tập không được quá dài, càng không được học thêm quá nhiều. Ngày nay có rất nhiều em nhỏ ngủ không đủ thời gian, phần lớn nguyên nhân là do cha mẹ và thầy cô giáo yêu cầu học quá nhiều. Ví dụ, khi nghỉ hè cha mẹ bắt con đến lớp học thêm, rồi lại đến các lớp năng khiếu, bắt trẻ học tập liên tục, nhưng lại coi thường việc ngủ đủ giấc của trẻ mà không biết rằng điều này có tác dụng giúp trẻ giữ được tinh thần minh mẫn, sảng khoái và là điều kiện trước tiên để trẻ giữ được cân bằng.

Nếu trẻ không được ngủ đủ giấc, giấc ngủ không sâu thì kết quả học tập sẽ thấp, trạng thái tâm lý lúc đi thi sẽ không tốt, “lợi bất cập hại”.

Ngoài những việc kể trên, cha mẹ nên giúp trẻ đặt ra kế hoạch vận động có quy luật và có thời gian nhất định để hỗ trợ thêm cho kế hoạch học tập, từ đó khiến trẻ hình thành nên một dạng công thức thời gian nhất định. Hơn nữa, dạng công thức thời gian này còn giúp trẻ giảm được rất nhiều thời gian chuẩn bị cho việc học, trẻ nhanh chóng bước vào trạng thái học tập.

Cha mẹ cần giữ được thái độ bình tĩnh, việc này giúp trẻ dễ dàng ổn định tình cảm của mình, có tâm trạng bình tĩnh để học bài, đồng thời coi học tập là công việc rất có ý nghĩa và nên làm.

Một phần của tài liệu Vì sao con bạn không nghe lời (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w