0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (179 trang)

Di tích kiến trúc nghệ thuật

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở THÀNH PHỐ NHA TRANG (Trang 55 -55 )

7. Bố cục và nội dung chủ yếu của luận văn

2.3.1.3. Di tích kiến trúc nghệ thuật

+ Đình Ngọc Hội: Tọa lạc tại làng Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang; trên diện tích đất 1300m2, quay về hướng đông. Năm 1860, đình đã được dân làng xây dựng khánh thành, tổ chức rước Thành Hoàng và các sắc phong về thờ ở đình. Đình được trùng tu nhiều lần, lần gần nhất vào năm 1997 với chi phí do dân làng đóng góp trên 200 triệu. Đình Ngọc Hội được các vua nhà Nguyễn ban 10 đạo sắc phong. Song rất tiếc vào năm 1948, các sắc phong của đình gửi tại chùa Kim Sơn bị quân Pháp đốt hết. Đình Ngọc Hội có kết cấu và hiện vật giống với đình Phú Vinh nhưng diện tích đất hẹp hơn, các câu đối, các hương án thờ được chạm khắc bằng gỗ tinh xảo có giá trị về văn hóa lịch sử.

Hằng năm, Đình Ngọc Hội là nơi tổ chức: Lễ hội Tế xuân và lễ hội Tế thu của Làng. Năm 2008, đình Ngọc Hội được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đường dẫn vào đình khá nhỏ, xe ô tô các loại không vào được. Đình Ngọc Hội được ban quản lý vệ sinh khá tốt, bảo tồn được nhiều giá trị kiến trúc mỹ thuật, văn hóa đặc sắc…

+ Đình Lư Cấm: Tọa lạc ở làng Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang. Đình quay về hướng đông nhìn ra cánh đồng, phong cảnh hữu tình, có diện tích 2000m2, phía trước đình là đường liên thôn đã được bê tông hóa, ô tô chở khách các loại có thể đi lại được và có thể dừng đỗ dễ dàng. Trước đây, vị trí này là miếu thờ Thành Hoàng làng và tổ nghề. Đình được xây dựng vào năm 1865 và đã được trùng tu nhiều lần, hai lần trùng tu gần đây nhất vào các năm 1993 và 2010. Đình Lư Cấm gồm các bộ phận kiến trúc được bố cục và cách thức thờ tự khá giống với các đình Ngọc Hội và Phú Vinh.

Trong chính điện của đình Lư Cấm có thờ tổ nghề gốm của làng là ông Đào Nghệ và bảo tồn trưng bày nhiều đồ gốm cổ của làng gồm: Nồi, niêu, vại, chậu,

gạch, ngói… Đây là nguồn cổ vật có giá trị lịch sử và văn hóa, minh chứng cho một thời kỳ phát triển nghề gốm hưng thịnh và nghệ thuật sản xuất gốm của làng.

Trong đình còn lưu giữ 3 đạo sắc phong do các vua thời Nguyễn ban (Tự Đức, Thành Thái, Khải Định) hoành phi và các cặp câu đối bằng gỗ sơn son thiếp vàng, nhiều đồ thờ bằng đồng, bằng sứ có giá trị lịch sử văn hóa. Lễ hội của làng được tổ chức 2 lần một năm vào ngày tốt tháng giêng âm lịch và tháng 8 âm lịch. Ban quản lý đình Lư Cấm đã được thành lập nhiều năm. Đình Lư Cấm được bảo tồn, vệ sinh, sạch sẽ, uy nghi, lộng lẫy, nhưng không có người trông coi thường xuyên. Đình Lư Cấm được công nhận là DTLSVH cấp tỉnh năm 2007.

Các ngôi đình làng biển: Đình lăng Trường Tây, Trí Nguyên và Bích Đầm. + Đình lăng Trường Tây: Tọa lạc ở số 73 đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang phía đông có nghi môn quay ra biển. Làng Trường Tây, trước những năm 1970 là nơi cư trú của các hộ dân đánh bắt chế biển hải sản và yến sào (gia đình ông Hộ Yến Lê Văn Yến (1897 – 1958), chủ thầu khai thác yến sào trên các đảo ở Nha Trang, sống ở số nhà 96 đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên trước năm 1963, mới dời đi nơi khác gần đây). Đình lăng Trường Tây có diện tích 2000m2. Khu vực này là nguyên là miếu và lăng thờ Ông Nam Hải được khởi dựng từ 1808. Đến 1848, đình lăng được xây dựng lại có quy mô kiểu thức như ngày nay và được trùng tu gần đây nhất vào các năm 1997 và 2002. Đình được các vua triều Nguyễn từ vua Thiệu Trị đến vua Khải Định ban tới 9 sắc phong và được công nhận là DTLSVH cấp tỉnh năm 2003.

Đình lăng Ông Nam Hải làng Trí Nguyên: Tọa lạc ở mặt phía nam đảo Trí Nguyên, đình quay ra biển, lưng tựa vào núi. Diện tích của đình chỉ hơn 400m2. Đình lăng được xây dựng lại trên diện tích đất miếu thờ Ông Nam Hải xưa vào năm 1862. Đình được trùng tu nhiều lần, những lần gần đây nhất vào năm 1974 và 2008.

Đình lăng Bích Đầm: Tọa lạc tại làng Bích Đầm ở phía cuối góc của đảo Hòn Tre, có hướng đông bắc quay ra biển và lưng tựa vào núi. Đình có diện tích là 300m2. Đình Bích Đầm trước đây là miếu thờ Ông Nam Hải và có phối thờ Đô Đốc Lê Văn Đạt thủy tổ của nghề Yến Sào Khánh Hòa và các vị tiền hiền, các cô hồn,

thổ công. Năm 1862, đình lăng được xây dựng, sau đó được trùng tu lớn nhiều lần, gần đây nhất vào năm 2012 và được công nhận là DTLSVH cấp tỉnh 2013.

Bên cạnh những giá trị đặc điểm khác nhau thì các đình lăng này có những đặc điểm giống nhau gồm: Nghi môn, án phong, sân ca, bái đình, chính điện, nhà tiền hiền, nhà khách, miếu thờ. Bố cục và kết cấu kiến trúc, trang trí mỹ thuật giống như các đình làng Phú Vinh, Ngọc Hội và Lư Cấm. Màu sắc thường sơn màu xanh đỏ vàng rực rỡ. Tuy vậy, việc thờ tự ở tòa chính điện được bố trí 3 bàn thờ thần Nam Hải và các vị linh thần cận vệ của thần Nam Hải. Phía sau bàn thờ chính để các hầm, các rương chứa các bộ xương cá Voi (cá Ông) nên đình được gọi là đình Lăng.

Cổ vật trong các đình lăng trên khá đơn giản, các bàn thờ đều xây, ốp gạch hoặc trát vữa rồi sơn vẽ, tên các bàn thờ đều được viết bằng chữ Hán lên tường, các câu đối đều được viết vào các cột hoặc các ô của các bộ phận kiến trúc, đồ vật thờ chỉ có bát hương, chân đèn, lọ hoa bằng đồng hoặc sứ hiện đại, ít cổ vật.

Các đình lăng là nơi tổ chức lễ khai đầm và cầu ngư vào ngày đẹp của tháng 2 âm lịch và lễ hội Nghinh Ông vào giữa tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch. Việc quản lý và tổ chức bảo tồn, vệ sinh, đón tiếp khách được làm tốt, những người trông coi và ban quản lý đình lăng ứng xử cởi mở, thân thiện và hiếu khách.

- Chùa Kim Sơn: Tọa lạc trên núi Rùa (Hòn Quy) hay còn gọi là núi Gềnh, ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang. Chùa có diện tích 3ha, phía trước của chùa bao quát một vùng phong cảnh, biển trời, thủy mạc của thành phố Nha Trang tuyệt mỹ. Kim Sơn là một ngôi chùa ở Khánh Hòa, được khởi dựng khá sớm khoảng năm 1732 – 1735, việc xây cất được vị tổ khai sơn của chùa là thiền sư Thiệt Địa – Pháp Ân hưng công và tổ chức thực hiện. Chùa được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban biển đặt tên chùa “Sắc Tứ Quy Tôn Tự”, tấm hoành phi này hiện còn được bảo tồn nguyên vẹn, treo ở chính giữa tòa chính điện. Năm 1845, Vua ban sắc phong và biển hiệu đặt tên “Kim Sơn Tự”. Năm 1916 – 1924, chùa được trùng tu lớn. Năm 1946, thực dân Pháp đã chiếm chùa, lập đồn bốt, chùa bị binh lính Pháp tàn phá, toàn bộ sắc phong của chùa và đình Ngọc Hội đều bị đốt hết. Chùa được

xây dựng lại và tu bổ nhiều lần, lần trùng tu lớn vào năm 1963, 1968 để lại kiểu thức kiến trúc như hiện nay. [13, tr. 384]

Chùa Kim Sơn có kiến trúc hình chữ Khẩu, gồm 7 bộ phận kiến trúc, bao quanh là vườn cây thế cảnh, hoa trái gồm: Tam quan, khu tháp mộ, đài Quan Âm, sân chùa, bái đường, chính điện, nhà thờ tổ, nhà đông và nhà tây. Tam quan gồm 4 cột trụ ( 2 trụ lớn và 2 trụ nhỏ), một thành hoành bắt ngang là một bảng xi măng nối ở trên 2 trụ chính có ghi tên chùa.

+ Tháp mộ: Có hai ngôi tháp mộ để tro cốt của vị tổ thứ nhất Thiệt Địa Phổ Lợi và của Hòa thượng dòng Lâm Tế đời 39 Ngộ Trí Phổ Lợi.

+ Đài Quán Thế Âm: Hình vuông, mỗi cạnh rộng 8m được xây dựng năm 1968, trên nền đất cũ lô cốt thời Pháp, trong đài có đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát.

+ Sân chùa, phần giáp chính điện có đặt tượng lớn Phật Di Lặc và lư hương. + Bái đường: Được xây kiểu 2 mái, chính giữa có gắn hình “lưỡng long chầu nhật”. Trong tòa bái đường có đặt 1 chuông đồng nặng 180kg kỹ thuật đúc chất lượng cao vào năm 1959 và 1 trống lớn.

+ Chính điện: Được xây theo kiểu cổ lầu, một bên lầu chuông, một bên lầu trống, 2 tầng, 8 mái. Trên bờ nóc có đắp nổi hình rồng chầu, các đầu đao ở các góc mái của bái đường và chính điện đều đắp nổi hình đầu rồng cách điệu. Phía trong giữa tòa chính điện là bàn thờ đặt tượng đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, hai bên bàn thờ Phật là các án thờ đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tượng và hương án thờ được điêu khắc đạt trình độ mỹ thuật cao bằng gỗ gụ. Trong tòa bái đường và chính điện còn bảo lưu nhiều bức hoành phi tên của chùa do các vua ban và nhiều câu đối mang ý nghĩa triết học về giáo lý nhà Phật có giá trị về văn hóa và nghệ thuật trang trí.

+ Nhà thờ Tổ, nhà Đông, nhà Tây và các Tăng phòng mặt đều quay ra sau của chính điện, đều được xây theo kiểu hai mái lợp ngói tây, tường hồi bít đốc. Các tòa nhà này dùng để tiếp khách, tụ tập và sinh hoạt của các tăng lữ. Các vị trụ trì, tăng và phật tử của chùa Kim Sơn tu theo môn phái Thiền Trúc Lâm. Các thế hệ truyền thừa và trụ trì chùa từ khi khai lập đến nay đã có 23 vị.

- Các miếu thờ nhà thờ họ và nhà cổ: Tại các làng Ngọc Hội và Phú Vinh còn có 2 ngôi miếu cổ, có lịch sử xây dựng trên 300 năm, nguyên được thờ Thành Hoàng làng và thờ thổ địa trước khi xây dựng đình. Các ngôi miếu này có khuôn viên rộng, đẹp, gồm: Nghi môn, miếu thờ, sân rộng, vườn cây vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống. Tại các làng còn bảo tồn được 20 ngôi nhà cổ và 15 nhà thờ họ của các gia đình và dòng họ đến cư trú sớm ở đây.

Các nhà thờ họ và nhà cổ ở đây được làm theo kết cấu bộ khung kèo cột bằng gỗ quý, nối với nhau bởi các mộng, 3 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang, chồng rường giả thủ, sơn màu nâu đen, nền nhà lát gạch men, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói liệt (ngói thẻ). Nội thất bài trí trong nhà ở giữa phía trong kê hương án thờ, phía trước bàn thờ là sập gụ hoặc bàn ghế để ngồi uống nước, bao quanh là tường xây, cổng và vườn cây.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở THÀNH PHỐ NHA TRANG (Trang 55 -55 )

×