Nguyên nhân của tồn tại kiểm soát chi tiêu công của KBNN Thái Nguyên

Một phần của tài liệu nâng cao vai trò kiểm soát chi tiêu công của kho bạc nhà nước (qua thực tiễn ở kho bạc nhà nước tỉnh thái nguyên) (Trang 93 - 97)

7. Kết cấu của Luận văn

2.3.2.2. Nguyên nhân của tồn tại kiểm soát chi tiêu công của KBNN Thái Nguyên

Một là, Nguyên nhân chủ quan của cơ quan KBNN.

Mọi vấn đề đều xuất phát từ con người: Công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ chưa chú trọng về chất lượng, còn mang tính chủ quan, chạy theo số lượng và bằng cấp, nên còn nhiều yếu kém về năng lực trình độ chuyên môn. Trình độ quản lý, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát chi còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi về vĩnh vực đầu tư phát triển trình độ chuyên môn không đồng đều, hầu hết được đào tạo tại các trường chuyên ngành Tài chính và Ngân hàng nên hạn chế về sự hiểu biết về nghiệp vụ mang tính chất kỹ thuật như: bóc tiên lượng để so sánh với bản vẽ thiết kế được duyệt, xác định sự đúng đắn của định mức, đơn giá khi áp dụng để đề nghị thanh toán, trong hướng dẫn các Chủ đầu tư, triển khai thực hiện trình tự XDCB…

Trong điều kiện số lượng cán bộ Kho bạc còn hạn chế mà thực hiện kiểm soát chi qua nhiều lĩnh vực (chi thường xuyên, chi đầu tư XDCB, CTMT, ODA ...) đa số các dự án đều có thời gian theo dõi, quản lý kiểm soát thanh toán nhiều lần trong năm, thông tin về đơn vị giao dịch rất nhiều, điều kiện để được thanh toán cũng rất đa dạng. Tại bộ phận giao dịch một cửa chỉ bố trí được một số cán bộ nhất định, do vậy vào thời điểm cuối quý, cuối năm xảy ra tình trạng khách phải xếp hàng chờ đợi để được giao chứng từ cho KBNN; thủ tục qua thực hiện cơ chế “ một cửa” còn ghi chép nhiều loại sổ sách dẫn đến đơn vị giao dịch “cảm nhận” là rườm rà thêm về thủ tục hành chính.

Thực hiện kiểm soát chi NSNN theo cơ chế “một cửa” làm tăng thêm đầu mối trong quy trình tiếp nhận - xử lý hồ sơ chứng từ, tăng thêm khối lượng công việc, thời gian do phải giao nhận hồ sơ giữa các bộ phận, ảnh hưởng tới thời gian kiểm soát của bộ phận nghiệp vụ; Trình độ năng lực của cán bộ làm tại bộ phận giao dịch một cửa còn có hạn chế nhất định, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…nhất là tại các KBNN Huyện, cán bộ tại bộ phận nghiệp vụ rất ít.

Hai là, nguyên nhân khách quan.

- Việc ban hành một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân sách chưa kịp thời, đồng bộ và phù hợp với nền kinh tế thị trường. Hệ thống các văn bản pháp luật ban hành quá nhiều, thủ tục rườm rà gây khó khăn trong công tác quản lý, có nhiều văn bản mới ban hành chưa kịp thực hiện đã lại có sửa đổi, bổ sung và nhiều lĩnh vực chưa phù hợp với thực tế của địa phương.

- Hệ thống chế độ định mức chi ngân sách chậm được đổi mới gây khó khăn trong công tác kiểm soát chi và tạo kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh. Việc ban hành, thủ tục, mẫu biểu trong công tác lập, quyết toán ngân sách còn rườm rà, chồng chéo và thay đổi hàng năm. Chưa quy định rõ chế độ báo cáo quyết toán, chưa thống nhất và hoàn chỉnh được phần mềm quản lý trên máy vi tính của các cơ quan trong hệ thống tài chính như: Tài chính - KBNN, mỗi ngành báo cáo tổng hợp theo một kiểu khác nhau, dẫn đến số liệu không trùng khớp rất khó khăn trong công tác kiểm soát chi và công tác kiểm toán, thanh tra.

- Trình độ một số chủ đầu tư đặc biệt chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, cán bộ ban quản lý không có đủ năng lực, vì vậy khi triển khai thực hiện nhiệm vụ ĐTXDCB còn lúng túng ảnh hướng đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục, tiến độ thi công, tổ chức giám sát , nghiệm thu để đề nghị thanh toán… năng lực chuyên môn của các tổ chức tư vấn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hồ sơ các dự án, công tác khảo sát, thiết kế còn sai sót dẫn đến trong quá trình triển khai thi công. - Một số đơn vị chưa chú trọng đúng mức việc kiểm tra hồ sơ chứng từ trước khi gửi đến Kho bạc và thường dựa vào kết quả kiểm soát của Kho bạc để hoàn chỉnh hồ sơ. Thậm chí có nhiều khoản chi biết không đủ điều kiện thanh toán nhưng đơn vị thụ hưởng ngân sách vẫn gửi hồ sơ đến kho bạc đề nghị thanh toán để được tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ theo kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”.

- Do sự chủ quan của một số đơn vị sử dụng ngân sách nên hồ sơ gửi đến Kho bạc đề nghị thanh toán thường để xẩy ra sai sót, thậm chí có những trường hợp sai sót rất bình thường nhưng vẫn lặp đi lặp lại gây tốn rất nhiều thời gian.

- Tình trạng “xin cho” ngày càng gia tăng: Cơ chế “xin cho” hiện nay không chỉ tồn tại trong quá trình phân bổ dự toán mà còn liên tục phát sinh trong quá trình sử dụng ngân sách của các đơn vị thụ hưởng. Thực tế có nhiều khoản chi không đủ điều kiện thanh toán, Kho bạc đã kiểm soát từ chối thanh toán, nhưng ngay sau đó đơn vị lại được cấp thẩm quyền quyết định cho thanh toán vì lý do “đặc biệt”, nhất là trên lĩnh vực mua sắm tài sản, mua xe ô tô, đầu tư phát triển... như vậy rất khó cho Kho bạc trong việc xử lý kết quả kiểm soát chi, nếu chấp nhận thanh toán thì sai chế độ qui định, còn không chấp nhận thì trái lệnh của cấp thẩm quyền, thật là “tiến thoái lưỡng nang”.

- Tình trạng điều chỉnh dự toán xảy ra thường xuyên, nhất là vào thời điểm cuối năm ngân sách: do không xử lý dứt điểm các trường hợp chi sai chế độ qui định đã được Kho bạc kiểm soát từ chối thanh toán, nên để tiêu cho hết khoản kinh phí được giao trong năm, đơn vị thụ hưởng ngân sách đã tìm cách xin điều chỉnh dự toán thuộc các nội dung chi không đủ điều kiện thanh toán qua các nội

dụng công việc khác đã có khối lượng hoàn thành ngoài kế hoạch, hoặc dễ hợp lý hoá chứng từ hơn.

- Số chi chuyển nguồn hàng năm rất lớn: thực tế trong những năm qua cho thấy số chi chuyển nguồn của các địa phương rất lớn và luôn được dồn tích năm sau nhiều hơn năm trước. Đây là hệ quả của việc lập và phân bổ dự toán không sát với nhu cầu thực tế của đơn vị sử dụng ngân sách, nên nhiều nội dung công việc đơn vị không thể triển khai thực hiện được phải xin chuyển sang năm sau. Đồng thời đây cũng là hệ quả của việc “thoáng” trong công tác xét chuyển số dư tạm ứng, thậm chí có nhiều đơn vị thụ hưởng ngân sách sau khi đã tạm ứng kinh phí không quan tâm đến việc hoàn tất hồ sơ thanh toán với Kho bạc hoặc không có hồ sơ thanh toán do công việc không thể triển khai, tuy nhiên vẫn được cơ quan chức năng xét chuyển tạm ứng qua nhiều năm.

CHƯƠNG 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG

CỦA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Một phần của tài liệu nâng cao vai trò kiểm soát chi tiêu công của kho bạc nhà nước (qua thực tiễn ở kho bạc nhà nước tỉnh thái nguyên) (Trang 93 - 97)