7. Kết cấu của Luận văn
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển KBNN Thái Nguyên
Cùng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của toàn hệ thống, Chi cục KBNN Bắc Thái (nay là KBNN Thái Nguyên) được thành lập và đi vào hoạt động từ 01/04/1990. Qua các giai đoạn phát triển của hệ thống KBNN, quy định chức năng, nhiệm vụ qua từng thời kỳ, KBNN Thái Nguyên đã từng bước thực hiện tốt chức năng quản lý chặt chẽ, đúng chế độ, hiệu quả, an toàn quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính của nhà nước và các loại quỹ, tài sản được giao quản lý; tổ chức huy động và quản lý có hiệu quả nguồn vốn huy động cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành công trái, trái phiếu chính phủ, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ được giao.
Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 13/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ đã nâng cao cơ sở pháp lý, đồng thời còn mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn của KBNN ngày một đầy đủ hơn.
Tổ chức bộ máy KBNN Thái Nguyên từng bước hoàn thiện theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, tổ chức bộ máy chuyên môn gồm: Văn phòng KBNN tỉnh (có 9 phòng chuyên môn nghiệp vụ) và 9 KBNN huyện, thành phố, thị xã trực thuộc KBNN tỉnh (phụ lục 4). Tổng số cán bộ công chức là 202 người (Văn phòng KBNN tỉnh có 72 người, KBNN các huyện, thành phố, thị xã có 130 người); trong tổng số công chức thì công chức nữ chiếm 53,8 %, số công chức có trình độ đại học và sau đại học chiếm 61 %, công chức có trình độ cao đẳng, trung học chiếm 29,4 %, số công chức có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm 9,6 %
Thực hiện các Quyết định của Bộ Tài chính và Tổng giám đốc KBNN quy định về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN tỉnh, huyện. Việc phân công bố trí thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN được thực hiện như sau:
Trước tháng 5/2010: Nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN tại Văn phòng KBNN tỉnh được thực hiện ở ba phòng nghiệp vụ: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, phòng Thanh toán vốn đầu tư và phòng Kế toán nhà nước (Phòng kế toán thực hiện kiểm soát chi thường xuyên, Phòng Thanh toán vốn đầu thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, phòng kế hoạch tổng hợp thực hiện kiểm soát chi vốn chương trình mục tiêu quốc gia); Tại KBNN huyện được thực hiện ở bộ phận Kế toán và bộ phận thanh toán vốn đầu tư.
Từ tháng 5/2010: Nhiệm vụ kiểm soát thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đựơc thu gọn vào hai phòng nghiệp vụ: Phòng kiểm soát chi NSNN và Phòng kế toán nhà nước, tại KBNN các huyện được thực hiện tại tổ kế toán Nhà nước và tổ hành chính - tổng hợp.
- Nhiệm vụ chính trong chi NSNN của phòng Kế toán và Tổ Kế toán: Trực tiếp Kiểm soát chi NSNN đối với các khoản chi thường xuyên của NSNN theo quy định tại KBNN tỉnh, huyện. Đối với KBNN Tỉnh thực hiện công tác thông tin, điện báo, báo cáo số liệu về thu, chi NSNN phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền.
- Nhiệm vụ chính của phòng kiểm soát chi NSNN và Tổ hành chính - tổng hợp: Trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác được giao quản lý tại KBNN tỉnh, huyện. Đối với KBNN Tỉnh thực hiện công tác tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư XDCB, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác được giao quản lý với KBNN, cơ quan tài chính địa phương và các cơ quan có thẩm quyền
Doanh số hoạt động của KBNN Thái Nguyên được tăng qua từng năm. Cụ thể từ năm 2006 là 80.284 Tỷ đồng, năm 2010 là 209.572 Tỷ đồng, được thể hiện qua biểu đồ sau:
Đơn vị: Tỷ đồng
Biểu đồ 2.1: Doanh số hoạt động của KBNN Thái Nguyên qua các năm 2006-2010
(Nguồn báo cáo hoạt động của KBNN Thái Nguyên hàng năm)
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm KBNN Thái Nguyên đã tổ chức giao dịch với gần 2.000 đơn vị có quan hệ với NSNN trên toàn địa bàn, tài khoản và doanh số hoạt động ngày càng lớn, được thể hiện qua biểu đồ sau:
Biểu đồ 2.2: Số đơn vị giao dịch, số tài khoản giao dịch của KBNN Thái Nguyên qua các năm 2006-2010
(Nguồn báo cáo hoạt động của KBNN Thái Nguyên hàng năm)
Để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng NSNN, KBNN Thái Nguyên thường xuyên cải cách lề lối và phương pháp làm việc, áp dụng các ứng dụng tin học vào công tác kiểm soát, giao dịch và thanh toán. Tổ chức tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bù trừ điện tử. Quy định cụ thể việc luân chuyển, giao nhận hồ sơ trong nội bộ đơn vị KBNN, thời gian giải quyết công việc của các bộ phận nghiệp vụ liên quan phù hợp các văn bản qui định hiện hành đối với từng loại nghiệp vụ, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN, đúng thời hạn quy định, không gây phiền hà cho khách giao dịch. Cán bộ kiểm soát chi NSNN đã hướng dẫn khách hàng nộp hồ sơ kiểm soát chi, xem xét hồ sơ của khách hàng, kiểm tra sơ bộ về sự đầy đủ, tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định thì hướng dẫn cụ thể, đầy đủ để đơn vị bổ sung, hoàn chỉnh. Đồng thời thực hiện việc kiểm soát hồ sơ, đảm bảo việc kiểm soát chi đúng pháp luật, chính sách, chế độ của
nhà nước. Trong quá trình kiểm soát hồ sơ, khi phát hiện các khoản chi ngân sách không đủ điều kiện chi theo chế độ quy định, thì cán bộ kiểm soát chi dự thảo công văn thông báo từ chối tạm ứng, thanh toán, báo cáo lãnh đạo phòng (bộ phận nghiệp vụ) trình lãnh đạo KBNN ký gửi khách hàng.
Với vai trò kế toán công, sau khi thực hiện nghiệp vụ kiểm soát, KBNN thực hiện thanh toán, chi trả các khoản chi NSNN cho các ĐVSDNS. Như vậy, bên cạnh việc kiểm tra việc sử dụng kinh phí NSNN cấp cho các đơn vị, tổ chức kinh tế, đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ, định mức chi tiêu của Nhà nước, việc KBNN thực hiện thanh toán tới các đối tượng thụ hưởng cũng là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện các chủ trương chính sách lớn trong lĩnh vực quản lý nhà nước, như đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ông định lưu thông tiền tệ, hiện đại công nghệ thanh toán, công khai minh bạch thông tin...
Thông qua việc cấp phát, thanh toán các khoản chi của NSNN, KBNN Thái Nguyên còn tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN qua KBNN theo từng địa bàn, từng cấp ngân sách và từng loại chi chủ yếu, rút ra những kết quả, những hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế thanh toán, chi trả và kiểm soát NSNN qua KBNN.
Những năm qua, KBNN Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo và tiêu chuẩn ngạch công chức, nhất là trình độ của công chức làm công chức kiểm soát chi ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm soát soát chi trong tình hình hiện nay, nhất là trong tình hình hiện nay nhiệm vụ của KBNN ngày càng tăng lên trong khi biên chế của KBNN Thái Nguyên luôn ở mức thấp so với nhu cầu công việc.
Qua 21 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo toàn diện của Bộ Tài chính, KBNN, sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ, tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan liên quan. Bằng sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ công chức, KBNN Thái Nguyên đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; khẳng định được vai trò là một công
cụ quan trọng không thể thiếu trong bộ máy hành chính của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ Tài chính của Nhà nước; quản lý ngân quĩ; tổng kế toán nhà nước; thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Góp phần tích cực trong thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, cùng các cơ quan có liên quan duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện mục tiêu chương trình cải cách hành chính hệ thống KBNN đến năm 2020: “ Lấy hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc làm xương sống nhằm đáp ứng các yêu cầu cải cách quản lý tài chính - ngân sách; mở rộng các ứng dụng tin học hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo hướng tập trung và tích hợp với hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, hướng tới đơn vị giao dịch, triển khai đồng bộ và an toàn”, KBNN Thái Nguyên đã xác định lấy công nghệ tin học hiện đại làm giải pháp đột phá trong cải cách hành chính, đồng thời chú trọng thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong đơn vị. Bên cạnh đó, KBNN Thái Nguyên chăm lo bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đào tạo nhiều cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, tâm huyết về nghề nghiệp, đóng góp tinh thần, sức lực, trí lực, áp dụng thành thạo những tiến bộ công nghệ vào chuyên môn nghiệp vụ để khẳng định được vị thế của mình trong công cuộc đổi mới của đất nước. Phát huy thành tựu đã đạt được, KBNN Thái Nguyên tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trước mắt, đó là vận hành thành công và phát huy hiệu quả dự án TABMIS, phối hợp tốt công tác thu thuế qua các hệ thông ngân hàng thương mại trên địa bàn, đào tạo và nâng cao trách nhiệm và trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức, xây dựng các giải pháp để thực hiện tốt chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, khẳng định hơn nữa vị thế của KBNN Thái Nguyên trong hệ thống KBNN Việt Nam.