Quản lý nhà trường

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện tây giang tỉnh quảng nam (Trang 27 - 28)

8. Cấu trúc luận văn

1.2. Các khái niệm chính của đề tài

1.2.4. Quản lý nhà trường

Nhà trường là một thiết chế xã hội. Nhà trường là một đơn vị tổ chức hoàn chỉnh, là cơ quan giáo dục chuyên biệt thực hiện chức năng giáo dục và đào tạo của Nhà nước và của cộng đồng xã hội chuẩn bị cho thế hệ trẻ có nhân cách để vững vàng bước vào cuộc sống. Nhà trường là tế bào của hệ thống giáo dục, quản lý nhà trường là bộ phận của QLGD.

Theo tác giả Nguyễn Phúc Châu: “Quản lý nhà trường (một cơ sở giáo dục) là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật) của chủ thể quản lý nhà trường (hiệu trưởng) đến khách thể quản lý nhà trường (giáo viên, nhân viên, và người học...) nhằm đưa các hoạt động giáo dục và dạy học của nhà trường đạt tới mục tiêu giáo dục” [11].

Tác giả Trần Kiểm cho rằng: “Quản lý nhà trường là hệ thống những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường” [18].

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý nhà trường là tập hợp những tác động tối ưu (công tác, tham gia, hỗ trợ, phối hợp, huy động, can thiệp…) của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và các cán bộ khác. Nhằm tận dụng các nguồn dự trữ do Nhà nước đầu tư, lực lượng xã hội đóng góp, do lao động xây dựng và vốn lao động tự có hướng vào việc đẩy mạnh mọi hoạt động của nhà trường mà điểm hội

tụ là quá trình đào tạo thế hệ trẻ, thực hiện có chất lượng mục tiêu và kế hoạch đào tạo, đưa nhà trường tiến lên trạng thái mới” [29].

Như vậy, quản lý nhà trường có thể hiểu là một hệ thống những tác động sư phạm hợp lý và có tính hướng đích của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh, các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm huy động và phối hợp sức lực, trí tuệ của họ vào hoạt động của nhà trường hướng vào việc hoàn thành có chất lượng và hiệu quả mục tiêu dự kiến. Cũng như các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội khác, quản lý nhà trường có hai chức năng tổng quát: Chức năng ổn định, duy trì quá trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và chức năng đổi mới, phát triển quá trình đào tạo phục vụ kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện tây giang tỉnh quảng nam (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)