8. Cấu trúc luận văn
3.1. Các nguyên tắc đề xuất biện pháp
3.1.1. Nguyên tắc đảm bảo tính mục tiêu
Khi đề xuất biện pháp, phải đặt nguyên tắc đảm bảo mục tiêu lên hàng đầu. Việc xác định rõ mục tiêu giáo dục là vô cùng quan trọng vì mục tiêu duy nhất của nhà trường khi được thành lập là thực hiện mục tiêu giáo dục. Tất cả mọi hoạt động trong nhà trường đều nhằm phục vụ mục tiêu duy nhất này.
Theo Luật Giáo dục, Luật số 43/2019/QH14 của Chủ tịch Quốc hội ngày 14/6/2019, mục tiêu giáo dục “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.”, mục tiêu giáo dục tiểu học “nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.”[21]
Nói tóm lại, mục tiêu giáo dục học sinh tiểu học là hình thành ban đầu cho học sinh về đạo đức, kiến thức và kĩ năng cần có trong cuộc sống và các biện pháp đưa ra phải đảm bảo đúng theo mục tiêu này.
3.1.2. Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn
Các biện pháp khi đề ra đều được xuất phát từ thực tiễn quản lý HĐTCM. Vì thế, khi đề ra biện pháp, cần phải đảm bảo tính thực tiễn. Các biện pháp này cần phải đảm bảo nằm trong khuôn khổ quy định của ngành, của địa phương và phù hợp với điều kiện thực tế của trường tiểu học.
Các biện pháp đề ra phải khắc phục được những hạn chế mà trường tiểu học trên địa bàn huyện còn đang vướng mắc. Không được áp đặt ý kiến chủ quan mà phải dựa trên những tổng kết thực tiễn quản lý HĐTCM để đưa ra những biện pháp giải quyết phù hợp.
Các biện pháp cần dựa vào thực tiễn địa phương, cụ thể hóa, đúng với đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì thế, các biện pháp đề ra phải bám sát thực tế, nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc trong công tác quản lý HĐTCM ở trường tiểu học. Không tách rời các biện pháp quản lý HĐTCM ở trường tiểu học với thực tế tại đơn vị, thực tế dạy - học của giáo viên và học sinh, các hoạt động thực tế của nhà trường,…
3.1.3. Nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa
Các biện pháp đưa ra phải hướng đến mục đích là nhằm phát huy những mặt mạnh, những ưu điểm mà HĐTCM và công tác quản lý HĐTCM của các trường tiểu học hiện nay để trên cơ sở đó mà xây dựng, bổ sung phát triển công tác quản lý hoàn thiện hơn, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong HĐTCM và công tác quản lý HĐTCM nhằm tạo hiệu quả cao trong công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ nhà trường trong giai đoạn mới.
3.1.4. Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống
Quản lý HĐTCM ở trường tiểu học phải luôn tuân theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về giáo dục; có sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương; có sự đồng thuận của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, TTCM trong quá trình quản lý HĐTCM ở trường tiểu học.
Các biện pháp đề xuất không thể tách rời mà phải gắn kết với nhau thành một hệ thống, phải thực hiện đồng bộ để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Mặt khác, phải có sự đồng bộ của các cấp quản lý thì mới quản lý HĐTCM ở trường tiểu học đi đúng hướng, thực hiện được mục tiêu giáo dục được đề ra.
3.1.5. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, hiệu quả
Các biện pháp đề xuất phải đảm bảo có tính khả thi, phải phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với trình độ và năng lực đội ngũ, phù hợp với điều kiện thực tế. Chất lượng giáo dục của nhà trường phụ thuộc vào tính khả thi của các biện pháp đã đưa ra. Đồng thời các biện pháp đưa ra phải có sự đồng thuận các cấp QLGD, của địa phương, của phụ huynh học sinh, của toàn thể đội ngũ, các tổ chức trong nhà trường, có sự đồng thuận nói trên mới huy động, khai thác được các nguồn lực thực hiện mục tiêu đề ra.
Tính hiệu quả thể hiện ở kết quả cuối cùng trong quá trình quản lý sẽ đạt được mà các biện pháp quản lý đã đưa ra. Trong quá trình lựa chọn biện pháp phải tính đến hiệu quả của nó trên cơ sở tốn kém ít nhất về tài chính mà đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời phải chú ý đến các tác động hai chiều của yếu tố xã hội, môi trường, cơ chế, chính sách.