01. Trường hợp phá tăng thời vua A-dục (Asoka):
Theo Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa, sau khi hoàng đế A-dục (Asoka) đã hướng về chánh pháp, nhà vua càng ngày càng nhiệt thành ủng hộ Phật pháp, cúng dường Tăng chúng một cách trọng hậu, nên ngoại đạo khi khất thực mỗi ngày mỗi trở nên khó khăn, do đó, họ gia nhập hàng ngũ Tăng chúng càng lúc càng đông. Trong số đó, có người xuất thân từ đạo thờ lửa, có người theo đạo lõa thể và có người theo đạo dầm nước lạnh. Do bị tiêm nhiễm lối sống của ngoại đạo, nên dù đã vào sống trong Tăng chúng mà các Tỳ-kheo tân tòng này vẫn hành xử như ngoại đạo. Thậm chí họ còn đem giới luật của ngoại đạo giảng dạy cho đồ chúng, khiến cho Phật pháp trở nên hỗn loạn. Vì thế, các Tỳ-kheo chân chính không thể hòa hợp Bố-tát, Tự tứ và làm các Phật sự chung với họ. Tình trạng bất ổn ấy cứ kéo dài mãi, khiến Tăng chúng sống trong sự rạn nứt, bất hòa, suốt 7 năm mà không Bố-tát được.
Vua A-dục chứng kiến tình trạng chia rẽ của Tăng đoàn như vậy nên rất đau lòng; do thế ông đã đích thân đứng ra dàn xếp, giải quyết những vấn đề rắc rối, và yêu cầu chư Tăng thực hiện việc Bố-tát trở lại. Rồi vua đề nghị chư Tăng mở đại hội kết tập pháp tạng lần thứ 3 để chấn chỉnh lại Phật pháp,
và ông đích thân hỗ trợ hết mình trong lần kết tập này.38
02. Trường hợp phá Tăng tại Câu-diệm-di (Kosambi):
Khi Phật an trú tại Câu-diệm-di (Kosambi), thành Xá-vệ, bấy giờ có hai
hội chúng, mỗi hội chúng đều có một thầy thủ lãnh. Vị thủ lãnh hội chúng thứ nhất tên Thanh Luận, vị thủ lãnh hội chúng thứ hai tên Thiện Thích. Mỗi người đều có đệ tử tùy tùng, đệ tử y chỉ, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di v.v.. gồm 500 Tỳ-kheo, 500 Tỳ-kheo-ni, 500 Ưu-bà-tắc và 500 Ưu-bà-di.
Một hôm, vị thủ lãnh thứ nhất đi cầu xong, định dội nước, thì thấy trong nước có trùng, liền lấy cỏ để trên thạp nước làm dấu. Người đệ tử y chỉ của vị lãnh tụ thứ hai tên Trá-già, sau đó vào cầu tiêu, trông thấy trên thạp nước có cỏ, liền nói: “Kẻ nào đem cỏ bỏ trên thạp nước thật là không biết hổ thẹn!” Người đệ tử tùy tùng của vị lãnh chúng thứ nhất tên Bạc-khẩu nghe thế nóng mặt, liền nói: “Vì sao ngươi dám bêu rếu tên của Hòa Thượng ta, bảo là kẻ không biết hổ thẹn!”.
Do thế, 4 chúng đệ tử của 2 vị thủ lãnh tranh cãi nhau dữ dội, khiến cả thành phố Câu-diệm-di đều hay biết, chỉ xung quanh việc bỏ cỏ trên thạp nước là đúng pháp hay phi pháp, đúng luật hay phi luật v.v…Cuối cùng,
Phật phải sai Tôn giả Ưu-ba-li (UPàli) đến chỗ họ làm pháp Yết-ma dập tắt
sự tranh cãi ấy.39
03. Nguyên nhân sinh khởi các sự đấu tranh:
Nhằm phân tích nguyên nhân sự bất hòa và tai hại của nó cho các Tỳ- kheo thấy rõ, Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, những Tỳ-kheo nào phẫn nộ, hiềm hận sẽ sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư; sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; không cung kính, không tùy thuận chúng Tăng và không thành tựu đầy đủ các học pháp. Do đó, vị ấy khởi lên tranh chấp giữa chúng Tăng. Khi Tăng có sự tranh chấp sẽ khiến cho nhiều người không hạnh phúc, nhiều người không an lạc, nhiều người không lợi ích, nói chung cả chư thiên và nhân loại sẽ mất lợi, bị khổ đau. Thế nên, này các Tỳ- kheo, nếu các người thấy có sự tranh chấp xảy ra giữa chư Tăng hay xảy ra giữa những người khác thì các ngươi phải cố gắng tìm cách diệt trừ nguổn
gốc của sự tranh chấp ấy”.40